Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người chăn nuôi heo đang tự cứu mình
Thứ sáu: 06:35 ngày 30/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giá heo liên tục giảm từ đầu năm đến nay khiến nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn. Để giảm bớt thiệt hại, không ít hộ chăn nuôi tự cứu mình bằng cách đưa heo đến lò mổ giết thịt rồi mang ra bán lẻ, với hy vọng giá bán cao hơn bán sỉ cho thương lái.

Một hộ chăn nuôi heo ở xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng.

Những người bán lẻ thịt heo “bất đắc dĩ”

Với giá heo hơi ở mức thấp- khoảng 23.000 đồng đến 25.000 đồng/kg, người nuôi lỗ hơn 1 triệu đồng/tạ mà chưa biết thương lái có đến mua hay không. Heo chưa xuất bán được, nếu người nuôi tiếp tục chờ thì quá lứa, càng khó bán hơn. Cho nên, thời gian gần đây, nhiều người chăn nuôi phải tự cứu mình và trở thành những người bán lẻ thịt heo bất đắc dĩ.

Theo một lò giết mổ gia súc tập trung tại phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, chừng một tháng nay, mỗi ngày lò giết mổ gia công khoảng 5- 7 con heo do những hộ chăn nuôi mang đến. Đây là điều chưa từng xảy ra. Tuy heo do các hộ dân nuôi đưa đến, nhưng cũng phải qua quy trình kiểm dịch thú y nghiêm ngặt mới được giết mổ.

Có một điều nghịch lý, mặc dù giá heo hơi thương lái thu mua thấp, nhưng khi được đưa ra chợ bán, giá thịt heo vẫn không giảm là bao. Khi người chăn nuôi tự mổ, có thể bán được trên dưới 50.000 đồng/kg. Từ đó các hộ chăn nuôi giải quyết được một phần số heo đến lứa xuất chuồng, không đến nỗi phải chịu lỗ.

Anh Tăng Xuân Nam- ngụ phường Ninh Sơn cho biết, gia đình anh đang nuôi khoảng 600 con heo thịt, nếu tiếp tục nuôi sẽ bị lỗ nặng, bán cho thương lái cũng bị lỗ vì giá thu mua quá thấp. Vì vậy, con nào đến lứa, gia đình anh đem đến lò mổ thịt để bán lẻ.

Bình quân mỗi ngày anh cho mổ 3 con heo, chia cho người thân trong gia đình đi bán ở đường Cách Mạng Tháng Tám (khu phố Hiệp Bình, phường Hiệp Ninh), ngã ba núi (đường Bời Lời, phường Ninh Sơn) và ngã tư Tân Bình (TP. Tây Ninh) với giá thịt đùi khoảng 60.000 đồng/kg, các loại thịt khác từ 30.000 đồng- 55.000 đồng/kg.

Một hộ nuôi heo khác là bà Cúc, ngụ huyện Hoà Thành cũng làm theo cách này. Mỗi sáng, sau khi đưa heo đến kiểm dịch và làm thịt tại lò, bà chở ra cửa 2, đường Huỳnh Thanh Mừng, thị trấn Hoà Thành để bán trong gian hàng nhỏ. Bà Cúc cho biết, gia đình bà có 30 con heo thịt đến lứa xuất chuồng, nhưng thương lái trả giá 25.000 đồng/kg, bà không bán vì với giá này phải chịu lỗ đến gần 1,5 triệu đồng/tạ.

Một số người chăn nuôi heo cho biết, thời điểm này, nếu tự mổ heo đem đi bán lẻ cũng vớt vát được vốn đầu tư. Do đó, số hộ chăn nuôi tự đua heo đến lò giết mổ tập trung để bán lẻ ngày càng nhiều.

Vì sao giá heo hơi giảm?

Ông Nguyễn Văn Mấy- Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, chăn nuôi heo gặp khó khăn do giá cả liên tục xuống dưới giá thành. Giá thấp nên đàn heo giảm, nhất là heo nái.

Nguyên nhân do lượng cung vượt quá nhu cầu tiêu thụ; việc bán heo hơi tiểu ngạch qua Trung Quốc gặp khó khăn do chính sách quản lý đường biên; vấn đề chế biến sau giết mổ để đa dạng sản phẩm và kết nối thị trường cả trong nước lẫn xuất khẩu còn yếu kém, bất cập, không tương xứng với tốc độ tăng đàn và sản lượng thịt heo sản xuất ra.

Mặt khác, thịt heo hiện không phải là thực phẩm được người dân ưu tiên lựa chọn như những năm trước đây, vì trên thị trường đa dạng nhiều loại thực phẩm thịt, hải sản… Ngành Nông nghiệp cũng đã khuyến cáo người dân không nên phát triển đàn heo kiểu tự phát, sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Tuy nhiên, vì thấy mấy năm trước nuôi heo có lãi nên nhiều người không quan tâm, cứ tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi.

Ngoài ra, theo ông Mấy, người chăn nuôi heo còn thiếu liên kết, chưa chủ động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Quy trình chăn nuôi còn bị cắt khúc, chưa xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, không gắn với sự biến động của thị trường; khâu kiểm soát tiêu thụ còn nhiều lỗ hổng- nhất là việc thu mua của thương lái, từ đó gây ra sự lũng đoạn thị trường và tâm lý đám đông, ảnh hưởng đến người nuôi heo

Ông Mấy cho biết thêm, hiện nay trên toàn tỉnh, đàn  heo đến thời điểm xuất bán còn tồn khoảng 40.000 con- chiếm khoảng 20% đàn heo trong tỉnh. Trong khi đó, mỗi ngày thị trường trong tỉnh tiêu thụ trên 1.000 con, thị trường Campuchia tiêu thụ trên 1.000 con.

Như vậy, bình quân Tây Ninh tiêu thụ trên 2.000 con heo thịt/ngày, nên chưa phải là tỉnh thừa lượng thịt heo. Nguyên nhân chính của cung vượt cầu là do lượng thịt heo từ các địa phương khác đổ vào.

Phải thay đổi tư duy

Về tình trạng người chăn nuôi trở thành người bán thịt heo bất đắt dĩ, theo ông Mấy, ngành Chăn nuôi và Thú y cũng đã biết và tạo điều kiện cho người dân đến các điểm giết mổ tập trung mổ heo và kiểm dịch để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc người chăn nuôi bán trực tiếp thịt heo đã góp phần kéo giá thịt ở các chợ xuống, giảm bớt tình trạng lũng đoạn thị trường.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, cấp thiết, còn về lâu dài, người làm nghề chăn nuôi cần phải thay đổi tư duy sản xuất- nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Thời gian qua, thương lái mua heo của các hộ chăn nuôi thấp hơn so với heo nuôi tại các trang trại có quy mô khép kín, bởi các hộ cứ tiếp tục tiêu thụ theo cách truyền thống là qua thương lái, không chú trọng đến việc tham gia chuỗi liên kết.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay, cách làm này của các hộ chăn nuôi dần bộc lộ yếu kém, hậu quả không chỉ người nuôi heo bị thiệt hại mà cả người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng do không mua được thịt heo giá rẻ.

Khó khăn trên chỉ được giải quyết khi người chăn nuôi chuyển từ cách làm truyền thống sang chăn nuôi với quy trình khép kín từ sản xuất cho tới cung ứng, tham gia chuỗi liên kết, bảo đảm yêu cầu về an toàn thực phẩm và vệ sinh thú ý. Khi đó, người chăn nuôi heo có thể chủ động được đầu ra, không phụ thuộc vào thương lái và sản phẩm thịt heo đưa ra thị trường có chất lượng tốt, giá thành cao. Có như thế, người chăn nuôi mới thôi phập phù theo giá heo.

THANH NHI- THIÊN TÂM

Tin cùng chuyên mục