Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Người chứng kiến ngày độc lập 75 năm trước ở Sài Gòn
Thứ ba: 16:51 ngày 01/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 2/9/1945, ông Nguyễn Trọng Xuất trực tiếp tham gia cuộc diễu hành mừng ngày Độc lập tại Sài Gòn cùng với hàng trăm nghìn người.

Ông Nguyễn Trọng Xuất nhớ về ngày 2/9/1945 ở Sài Gòn, ngày 28/8. Ảnh: Hữu Khoa.

Ông Nguyễn Trọng Xuất trong ngôi nhà của mình trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Năm 1945, cậu bé Xuất tròn 14 tuổi, vừa đỗ vào trung học đệ nhất. Sài Gòn khi đó xuất hiện lực lượng thanh niên tiền phong tập hợp thanh niên, trí thức yêu nước, có tinh thần dân tộc chống lại sự cai trị của người Pháp. Sau một thời gian thành lập, lực lượng này nhanh chóng lớn mạnh, thu hút 1,2 triệu thanh niên khắp Sài Gòn, Long An, Mỹ Tho, Tây Ninh, Đồng Nai...

Trong số các sinh viên, trí thức tham gia lực lượng có những sinh viên rất nổi tiếng như: Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm, Nguyễn Việt Nam, Mai Văn Bộ... Có các trí thức lớn: bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, nhà văn Thiếu Sơn... Đây là những nhân vật có sự ảnh hưởng, khiến học trò Xuất tự nguyện tham gia lực lượng thiếu niên tiền phong - lực lượng kế cận của thanh niên tiền phong.

Ở trong lớp học, thầy Hữu chính là người thắp lên trong lòng cậu thiếu niên tư tưởng yêu nước. Học trò Xuất nhớ như in bốn câu thơ mà thầy dạy: "Tôi có một tình yêu vô tận/ Từ nghìn xưa chôn tận đáy lòng/ Cổ kim tư tưởng một dòng/ Muôn đời rào rạt chảy trong tâm hồn...". Bài thơ không có trong chương trình, không được phép dạy trong trường nhưng thi thoảng thầy Hữu đọc lên để truyền tình yêu quê hương, đất nước đến với học trò.

Đêm 24/8/1945, dòng người từ nhiều tỉnh đổ về Sài Gòn chuẩn bị cho cuộc mít tinh biểu dương lực lượng, giành chính quyền. Một tuần sau, Trung ương điện vào Sài Gòn cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản tuyên ngôn độc lập vào 14h ngày 2/9/1945. Ủy ban hành chính Nam Bộ sẽ tổ chức một cuộc mít tinh thật để đoàn kết toàn dân xung quanh chính quyền cách mạng. Học trò Xuất được những anh chị thanh niên tiền phong gọi tham dự cuộc mít tinh này.

Sáng 2/9/1945, trời Sài Gòn nắng đẹp. Trong ngôi nhà dành cho viên chức sở lúa gạo nằm ở khu Thị Nghè (quận Bình Thạnh), Xuất mặc áo trắng, quần short dài đến đầu gối, ngồi đợi đến giờ cùng đoàn người đi diễu hành. Trên ngực trái, cậu gắn chiếc huy hiệu in hình ngôi sao năm cánh màu đỏ, nền màu vàng của thiếu niên tiền phong thời bấy giờ.

12h, từ nhiều ngả đường, hàng vạn người dân đổ về khu vực lễ đài nơi chuẩn bị diễn ra lễ độc lập ở Sài Gòn trên đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn), phía sau lưng Nhà thờ Đức Bà. Đối diện lễ đài là công ty cơ khí của Pháp (nay là tòa nhà Diamond Plaza). Con đường Norodom chật kín người kéo dài từ Thảo Cầm Viên đến khu lễ đài. Biển người giương cao biểu ngữ, quốc kỳ với không khí sôi nổi. Người dân dự lễ cũng mặc trang phục áo dài, bà ba, quần vải...

Đội hình thiếu niên tiền phong của Xuất được ưu tiên đứng hàng đầu tiên, gần khán đài nhất, phía sau là quần chúng. Niềm vui, xen lẫn tự hào trào dâng trong tâm tưởng cậu thiếu niên vì chưa bao giờ nhìn thấy một cuộc tập hợp người dân đông như thế. Khu khán đài hình chữ nhật, làm từ ván gỗ, cao ngang cổ người lớn, xung quanh được trang trí bằng các băng vải. Đúng 14h, người dân từ các ngả đổ về, lấp kín xung quanh khán đài.

Tất cả đều im lặng, chuẩn bị lắng nghe bản tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát thông qua sóng phát thanh của Trạm phát sóng Bạch Mai (Hà Nội). Tuy nhiên, việc tiếp sóng không thành vì phương tiện kỹ thuật thời đó quá cũ và yếu. Để trấn an quần chúng, ông Trần Văn Giàu, lúc đó là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ mặc áo sơmi, quần tây trắng đi lên khán đài. Một tay ông cầm mẩu giấy ghi vội mấy dòng chữ trước đó, một tay cầm micro ứng biến qua bài diễn văn.

Nội dung phần phát biểu truyền đi thông điệp, Việt Nam từ một quốc gia chịu áp bức, nô lệ nay đã trở thành một nước độc lập với chế độ dân chủ cộng hòa. Người dân vui mừng vì trở thành một công dân một quốc gia độc lập nhưng cũng cần cảnh giác trước âm mưu bị tròng lại ách nô lệ của thực dân Pháp một lần nữa.

"Từ chỗ phải chịu ách nô lệ nay trở thành công dân một nước độc lập đã tiếp thêm sức mạnh, lòng yêu nước cho người dân Sài Gòn", ông Xuất hồi tưởng và cho biết buổi mít tinh đã mở đầu cho phong trào các tầng lớp nhân dân như thanh niên tiền phong, phụ lão tiền phong, phụ nữ tiền phong... ở các tỉnh Nam Bộ mạnh mẽ hơn, lan tỏa chưa từng có.

Lễ đài độc lập ngày 2/9/1945 tại Sài Gòn. Ảnh: Bảo tàng TP HCM

Người dân Nam Bộ tham gia mít tinh trên đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn) ở Sài Gòn ngày 2/9/1945. Ảnh: Bảo tàng TP HCM.

Sau buổi mít tinh, biển người tiếp tục diễu hành qua các đường Rue Cartinat (nay là đường Đồng Khởi), Galliéni (đường Trần Hưng Đạo)... đến khu Chợ Lớn. Nhưng khi đoàn vừa rời đi, từ ban công các tòa nhà, lính Pháp chĩa súng bắn vào đám đông. Thấy vậy, lực lượng thanh niên tiền phong chỉ với dao găm, gậy tầm vông xông vào các khu nhà có lính Pháp để tìm bắt. Bị tấn công nhưng đoàn người vẫn giữ yên vị trí, không xáo trộn.

Ông Xuất cho rằng việc quân Pháp tìm cách bắn vào đoàn người nhằm mục đích tạo ra náo loạn, hoang mang trong dân chúng. Nếu điều này xảy ra, quân Anh sẽ có cớ siết chặt thiết quân luật, giành chính quyền vì Việt Minh không giữ được an ninh. Tuy nhiên người Pháp không đạt được mục đích vì dòng người mít tinh giữ trật tự, không manh động. Những lính Pháp bị bắt sau đó được giao lại cho Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ.

Sau ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945), ông Xuất được yêu cầu di tản vào Bến Tre để học tập. Tại đây ông bị lính Pháp bắt vì bị tình nghi theo cách mạng. Do ông khai hoạt động ở Mỹ Tho (Tiền Giang) nên bị giải sang đây xử, ở tù 3 năm (từ năm 1950 đến 1953). Ra tù, ông tiếp tục học tập, trở thành giáo viên, rồi hiệu trưởng một trường trung học tư thục ở Mỹ Tho.

Năm 1957, ông làm việc tại Trung ương Cục miền Nam, theo học khóa đào tạo tuyên huấn từ năm 1963 đến 1965. Sau đó, ông trở lại Sài Gòn, được ông Trần Bạch Đằng giới thiệu làm việc tại Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn – Gia Định. Đến năm 1980 ông Xuất làm Phó bí thư Quận ủy quận 1, rồi làm Chánh văn phòng Thành ủy TP HCM năm 1989. Mười năm sau, ông nghỉ hưu lúc 67 tuổi. Hiện ông làm Phó chủ nhiệm thường trực CLB truyền thống kháng chiến TP HCM.

Năm nay 89 tuổi, mái tóc điểm bạc, làn da sạm màu nhưng trong ký ức, ông Xuất vẫn nhớ như in cuộc mít tinh vào ngày 2/9/945. Hàng năm, cứ đến ngày độc lập, như một thói quen ông Xuất lại nhờ người thân chở đi qua những con đường, góc phố - nơi diễn ra cuộc diễu hành cách đây 75 năm, để hồi tưởng những phút giây hào hùng của đất nước.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục