Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người có công lập 26 xã, thôn năm 1845
Thứ tư: 09:48 ngày 13/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðấy là Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực. Sự kiện được gắn với tên ông thường là việc lập các thôn làng mới ở Tây Ninh vào năm Thiệu Trị thứ 5- 1845. Vào khoảng năm này, Tây Ninh đã có con đường thiên lý phía Tây (đường tỉnh 782 và 784 hiện nay) nối Gia Ðịnh với Tây Ninh.

Xã Lợi Thuận- một trong những làng xưa do Cao Hữu Dực lập năm 1845. (Ảnh chụp: Di tích địa đạo Lợi Thuận)

Ðọc sách Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ- tác giả Nguyễn Ðình Tư, Nxb Chính Trị Quốc Gia năm 2008, ta thấy có một cái tên thường được nhắc. Ðấy là Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực. Sự kiện được gắn với tên ông thường là việc lập các thôn làng mới ở Tây Ninh vào năm Thiệu Trị thứ 5- 1845. Vào khoảng năm này, Tây Ninh đã có con đường thiên lý phía Tây (đường tỉnh 782 và 784 hiện nay) nối Gia Ðịnh với Tây Ninh.

Dọc đường có các trạm ngựa nên chắc chắn ông đi lại làm việc quân trên đường thiên lý. Vậy xin bắt đầu từ những thôn ấp mới được hình thành dọc con đường mà trước năm 1814 còn gọi là con đường Sứ. Trước hết, có thể là các thôn làng thuộc tổng Hàm Ninh.

Sách trên, trang 416 có mục từ Hàm Ninh, đó là “Tổng thuộc huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Ðịnh, từ triều Thiệu Trị năm thứ nhất (1844) có 11 xã, thôn: Gia Lộc, Phước Hội, An Tịnh, Phước Chỉ, Ninh Ðiền, Long Vĩnh, Ðôn Thuận, Hiệp Ninh, Lộc Ninh, Lộc Hưng, Phước Hiệp.

Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) Tuyên phủ sứ Tây Ninh là Cao Hữu Dực chiêu tập dân xiêu tán, lập thêm 12 thôn là An Hoà, An Thường, Ðịnh Bình, Ðịnh Thới, Gia Bình, Hoà Thuận, Hướng Hoá, Long Bình, Long Ðịnh, Thiên Thiện, Thuận Lý, Phước Mỹ. Tổng cộng là 23 xã thôn…”.

Dĩ nhiên, mục tiêu của ông quan này trước tiên phải là tổng thuộc huyện Tân Ninh, vì ngay từ đầu khi lập phủ năm 1836 thì quan phủ đã được giao “kiêm lý huyện Tân Ninh” (Sách Ðại Nam nhất thống chí- Quốc sử quán triều Nguyễn). Sau đấy, mới đến các khu vực thuộc huyện Quang Hoá, một trong hai huyện đầu tiên của phủ Tây Ninh.

Trang 1.232, sách đã dẫn có mục từ Triêm Hoá. Cần kể đến mục này trước, vì đây là tổng có thôn Cẩm Giang, lúc đó là nơi có huyện thành Quang Hoá. Nơi đây “đất chật người đông” do dân đã theo các quan binh đến lập nghiệp từ khi đây mới chỉ là một đạo thuộc dinh Phiên Trấn, thành Gia Ðịnh. Do vậy mà Tuyên phủ sứ Cao Hữu Dực chỉ: “Chiêu tập dân xiêu tán”, lập thêm có một thôn là thôn Hoà Bình. Mục này cũng cho ta biết: “Trải qua triều Tự Ðức (bắt đầu từ 1848) có 7 thôn: Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Hưng Mỹ, Hoà Bình, Phước Trạch, Thạnh Ðức, Trường Hoà”. Và sau đó thì: “Ngày 6.3.1891 giải thể làng Hoà Bình nhập vào làng Trường Hoà, làng Hưng Mỹ vào làng Cẩm Giang” (do Pháp đã quy định, đổi các thôn gọi là làng từ tháng 1.1876). Do vậy mà xã Cẩm Giang hiện nay có tới 2 ngôi đình. Ðình của làng Hưng Mỹ xưa nay gọi là đình Cẩm An, lấy theo tên ấp.

Từ Cẩm Giang, mối quan tâm tiếp theo của Cao Hữu Dực có lẽ là vùng đất bên kia sông Vàm Cỏ Ðông mà người xưa từng gọi là miền đất Ngũ Long. Vậy mới có mục từ Giai Hoá (trang 401, Sđd) viết rằng: “Tổng thuộc huyện Quang Hoá, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Ðịnh từ năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) có 5 thôn. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Tuyên phủ sứ Tây Ninh là Cao Hữu Dực chiêu tập dân lưu tán, lập thêm 2 thôn Long Khánh, Tiên Thuận. Trải qua triều Tự Ðức, đến đầu Pháp thuộc đổi thuộc huyện Tân Ninh cùng phủ gồm có 7 thôn: Ninh Ðiền, Long Chữ, Long Giang, Long Khánh, Long Thuận, Tiên Thuận, Tiên Ðiền…”. Ðến nay, chỉ mất có một cái tên Tiên Ðiền do: “ngày 6.3.1891 giải thể làng Tiên Ðiền nhập vào làng Tiên Thuận” (Sđd).

Xem mục từ này, ta mới biết câu chuyện cụ Trần Văn Thiện khai phá mở mang vùng đất Ngũ Long mà Huỳnh Minh chép trong Tây Ninh xưa chỉ là huyền thoại. Bởi những thôn làng quan trọng nhất của vùng đất này là Long Chữ, Long Giang, Long Thuận, Ninh Ðiền đã có từ trước năm 1841. Trong khi đó tới năm 1844, cụ Thiện mới: “Xin thôi làm thôn trưởng làng Trung Lập, để đến khai phá đất Tây Ninh” (Tây Ninh xưa, trang 111- 112, Nxb Thanh Niên tái bản 2001).

Một thôn làng nữa được sách Từ điển địa danh… kể đến công lao của Tuyên phủ sứ họ Cao là tổng Mỹ Ninh. Xem mục từ này (trang 692) sẽ thấy đây là: “Tổng thuộc huyện Quang Hoá, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Ðịnh, từ năm Thiệu Trị thứ I (1841), không rõ bao nhiêu xã, thôn. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Tuyên phủ sứ Tây Ninh là Cao Hữu Dực chiêu tập dân xiêu tán lập thêm 11 thôn là: An Thạnh, Hướng Hoá, Khang Ninh, Long Thạnh, Long An, Phước Hưng, Phước Bình, Thới Ðịnh, Thuận Lý, Vĩnh An, Vĩnh Tuy… đến đầu Pháp thuộc đổi thuộc huyện Tân Ninh, hạt Thanh tra Tây Ninh, giải thể phần lớn các xã thôn ở vùng rừng núi không kiểm soát được… Năm 1871 còn lại 4 thôn: An Thạnh, Lợi Thuận, Phước Lưu, Thạnh Phước”.

Ðây cũng là cụm thôn làng ít thành công nhất theo ý tưởng mở mang của Cao Hữu Dực, bởi 11 thôn sau đó khoảng 20 năm đã giải thể tới 7 thôn, do thiếu tính khả thi trên thực tế. Ðến nay vẫn còn lại 3 cái tên xã là An Thạnh, Phước Lưu và Lợi Thuận thuộc các huyện Trảng Bàng và Bến Cầu.

Như vậy, với 4 cụm thôn làng ở 4 tổng kể trên, thì quan Tuyên phủ sứ đã có công lao thiết lập tới 26 xã, thôn- chỉ trong năm 1845. Ðối chiếu với thời mới lập phủ Tây Ninh năm 1836 với tổng số 56 thôn thuộc về 7 tổng thì đó quả là con số đáng kể. Và có đến quá nửa những thôn làng được lập cách nay 172 năm ấy vẫn còn tới ngày nay trong hệ thống hành chính cấp xã ở Tây Ninh. Trong thời gian ấy, ông cũng có công tập hợp người dân Khmer, giúp họ an cư, cấp cho nông cụ, trâu bò để canh tác và ổn định biên giới.

Vậy Cao Hữu Dực là ai? Nếu dò tìm theo tên Dực trong các sách sử triều Nguyễn thì không thấy! Trong bộ sách Ðại Nam liệt truyện, phần kể chuyện các quan, có nói về một ông quan họ Cao, tên Hữu Bằng. Thì ra chính là ông- Cao Hữu Dực. Sách chép: “Nguyên tên là Dực, tên tự Hy Bằng, về sau kiêng quốc huý nên lấy tên tự để gọi. Người huyện Phong Ðiền, Thừa Thiên. Bằng là người thông minh, nhanh nhẹn có khí thức. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) đỗ Hương tiến… Năm thứ 18 (1837)… đổi Bằng làm Thị lang Bộ binh, Hiệp tán công việc thành Trấn Tây (Cămpuchia ngày nay)… Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) lãnh quyền Bố chính An Giang, sau bị giáng xuống làm Quyền Án sát An Giang… Năm thứ 3 (1843), chuyển đi Gia Ðịnh. Năm thứ 4, thăng thự Tuyên phủ sứ Tây Ninh…”.

Những thôn làng mới ở Tây Ninh được lập chính trong thời gian này- từ 1844 đến 1845. Sách chép: “Bấy giờ, thổ dân ở Lạp, Miên đến 5.000 người, đem nhiều xe trâu đến buôn bán ở Tây Ninh. Hữu Bằng đem việc ấy tâu lên. Vua bảo rằng: việc phủ dụ đã tiện có cớ đấy. Lại xin gọi lập ấp, cấp cho ngưu canh, điền khí, ra sức khai khẩn, để giữ vững biên cương. Vua theo lời nghị…”.

Cuối năm 1845, ông được thăng bổ Thị lang Bộ binh, thự tuần phủ An Giang. Sang thời Tự Ðức, năm thứ 1 (1848) được khen thưởng “một cấp quân công” và sau đó bổ về làm thự Tổng đốc An Hà (An Giang- Hà Tiên ngày nay). Ðến cuối truyện có đoạn: “Năm thứ 12, tháng 7 (1859) Bằng bị bệnh chết ở chỗ làm quan, tuổi 61. Hữu Bằng giữ lòng thanh khiết chăm chỉ làm việc, thạo giỏi. Ngày Bằng chết, vua thương lắm (vua Tự Ðức), dụ rằng: “Cao Hữu Bằng kịp thờ 3 triều, một lòng cẩn hậu, trải coi giữ nhiều địa phương, phủ trị đúng phép, dân man di mến phục. Chính đương lúc nơi biên cương quan trọng, thiết tha nhờ viên ấy giúp đỡ… Tặng cho hàm Hiệp biện đại học sĩ, cấp cho tiền tuất; gia cấp cho ấm tướng quốc, sa màu và vải lụa, cùng 500 quan tiền để chi tiêu về việc làm ma. Lại sai hộ tống quan tài về quê và sai quan Khâm mạng đến tế…”.

Ngoài những công trạng với đất nước, Cao Hữu Dực còn là “một tấm gương ngôn giáo và thân giáo đáng trân trọng”- theo lời tác giả Nguyễn Thị Tâm Hạnh trong bài viết phân tích một bài “minh” của ông để lại hậu thế (Tạp chí Xưa Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam năm 2017). Ông xứng đáng được tôn vinh bằng tên một con đường trên đất Tây Ninh.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục