Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hỏi: Chú tôi sinh năm 1945, sống một mình không có vợ con. Chú bị tai nạn cụt cả hai tay, mắt nhìn kém do tuổi cao nhưng thần kinh vẫn rất minh mẫn. Hiện nay, chú tôi muốn bán căn nhà của mình để có tiền hưởng tuổi già nhưng bản thân ông không thể ký được giấy tờ. Vậy chú tôi có thể tự mình xác lập việc mua bán nhà ở hay không? Trường hợp của chú có bị coi là mất năng lực hành vi dân sự không?
Nguyễn Thị Tươi (Tân Biên - TN)
Trả lời:
Ðiều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ mất năng lực hành vi dân sự là: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”.
Như vậy, căn cứ điều luật trên, chú của chị chỉ bị hạn chế một số khả năng viết, đọc do mắt mờ và cụt cả hai tay còn trí tuệ vẫn minh mẫn, có khả năng nhận thức tốt nên không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự theo quy định.
Do vậy, chú của chị có thể toàn quyền thực hiện các giao dịch dân sự để định đoạt tài sản của mình.
Quy định về việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt
2. Hỏi: Dạo gần đây, nơi tôi đang sinh sống xuất hiện tình trạng rác thải không được thu gom, xử lý đúng nơi quy định ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở khu phố. Vậy pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt?
Một bạn đọc
Trả lời:
Ðiều 18 Nghị định số 38/2015/NÐ-CP quy định trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cụ thể như sau:
- Bảo đảm đủ yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom, vận chuyển toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại những địa điểm đã quy định.
- Thông báo rộng rãi về thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư.
- Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc cơ sở xử lý bằng các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
- Trường hợp phân loại được chất thải nguy hại từ chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển thì phải chuyển sang quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại tại Chương II Nghị định này.
- Chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển.
- Ðào tạo nghiệp vụ, trang bị bảo hộ lao động cho công nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
- Tổ chức khám bệnh định kỳ, bảo đảm các chế độ cho người lao động tham gia thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
- Ðịnh kỳ hằng năm báo cáo về tình hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Về việc chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng
3. Hỏi: Bạn tôi thuê nhà trọ và hẹn với chủ nhà trọ đến đầu tháng 10.2017 sẽ dọn nhà đến ở. Tuy nhiên, do có công việc nên sau thời điểm giao kết với chủ nhà trọ là 2 tuần bạn tôi mới chuyển đồ đạc đến nhà trọ thì chủ nhà trọ đã cho người khác thuê, vì bà chủ nhà trọ cho rằng đã chấm dứt đề nghị thuê nhà giữa bà và bạn tôi. Xin hỏi, bà chủ nhà trọ nói như thế có chính xác hay không? Ðề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp nào?
Trần Thanh Mai (thành phố Tây Ninh)
Trả lời:
Tại Ðiều 391 Bộ luật Dân sự năm 2015 về chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng. Theo đó, đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:
- Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng;
- Bên được đề nghị trả lời không chấp nhận;
- Hết thời hạn trả lời chấp nhận;
- Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;
- Khi thông báo về việc huỷ bỏ đề nghị có hiệu lực;
- Theo thoả thuận của bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, bà chủ nhà trọ có quyền cho người khác thuê do hết thời hạn giao kết mà bạn của chị vẫn không chuyển đồ đạc đến nhà trọ- hết thời hạn trả lời chấp nhận.
LG. Kim Hương