Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bài dự thi Cuộc thi viết “Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh Tây Ninh năm 2018:
Người cựu chiến binh gieo mầm yêu thương
Thứ bảy: 07:49 ngày 08/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dù nắng hay mưa, ngày ngày, có một cựu chiến binh (CCB) tuổi đã ngoài 60, trên chiếc Honda Dream cà tàng, rong ruổi khắp nơi thu gom rau, củ, quả gửi tặng các bếp ăn, cơ sở từ thiện, trung tâm dưỡng lão, chùa, tịnh xá trên địa bàn tỉnh. Ðó là CCB Phạm Văn Ân, ngụ ấp Bình Trung, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh.

Hái mướp

Thoạt nghe, không ít người cho rằng ông là người giàu có. Thực chất, ông Ân sống giản dị cùng vợ con trong căn nhà cấp 4 ở một con hẻm nhỏ. Trong nhà bài trí khá giản đơn, gây chú ý nhất có lẽ là tấm ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được lộng trong khung lớn, treo trang trọng giữa nhà.

Quê gốc Thái Bình, năm 1971, khi vừa tròn 18 tuổi, cũng như bao thanh niên khác, ông lên đường nhập ngũ. Sau bao cuộc chiến chinh, năm 1989, ông rời quân ngũ, chọn Tây Ninh làm nơi lập nghiệp. Ban đầu, ông làm bảo vệ cho cơ quan Nhà nước được khoảng 7 năm, sau chuyển sang làm việc ở một xí nghiệp hạt điều được khoảng chục năm thì nghỉ hẳn. Hiện tại, ngoài công việc ở xã, ấp, hầu hết thời gian còn lại, ông tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khổ. Cứ mỗi dịp lễ, tết, người cựu chiến binh ấy lại tự tay chuẩn bị quà tặng cho các hộ nghèo ở địa phương.

Hơn chục năm nay, cứ tầm 20 - 30 ngày, ông Ân lại ra tiệm thuốc Bắc tìm mua một số vị thuốc dân gian, đem về ngâm rượu trị thấp khớp, tê mỏi hay đau nhức, tặng cho người cần bệnh. Nhiều người dân trong xã hoặc ở nơi khác đến tận nhà ông để xin rượu thuốc. Hằng ngày, ông rong ruổi khắp các hang cùng, ngõ hẻm, để mua rau, củ, quả chở đến tận cơ sở từ thiện, bếp ăn cộng đồng, trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em mồ côi… với hy vọng những người khốn khó có bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng.

“Trước đây, nhà vườn chưa tin tưởng lắm, nên họ bán rau, củ, quả cho chú với giá 3.000 đồng/kg, sau chỉ còn 1.000 đồng/kg. Hiện tại, có nhà vườn chủ động tặng rau, củ, quả, sẵn sàng góp sức vào hoạt động của chú”- ông Ân kể.

Chở rau, củ, quả vừa thu gom về các cơ sở.

Tận mắt, chứng kiến công việc của ông Ân mới thấy hết sự vất vả. Mỗi ngày, cứ tầm 8 giờ sáng, ông Ân chuẩn bị đầy đủ dụng cụ như bao tải, dây ràng, nước uống… chất lên xe, bắt đầu cuộc hành trình. Vượt qua quãng đường khoảng 30 cây số, chúng tôi đến nơi mà ông Ân hay gọi là điểm tập kết rau, củ, quả. Ðó là nhà ông Lê Văn Tiến (sinh năm 1957, ngụ ấp An Thọ, xã An Cơ, huyện Châu Thành)- một người bạn “cùng chí hướng”, thích làm từ thiện như ông Ân.

Ông Tiến bộc bạch, một lần tình cờ nghe được câu chuyện làm từ thiện của ông Ân, ông vô cùng khâm phục. Mặt khác, nhận thấy ở khu vực xã An Cơ, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng hàng bông, việc thu gom rau, củ, quả cũng khá thuận lợi nên ông ngỏ ý muốn phụ một tay.

Khi biết hành động của chú Ân, gia đình tôi cũng nguyện góp một phần công sức. Của ít lòng nhiều, dăm ba hôm cũng để dành vài chục ký khổ qua, khi thì vài ký bầu, bí nhờ chú Ân chuyển cho cơ sở cần dùng”- ông L.V.T, một chủ vườn ngụ ấp An Thọ, xã An Cơ bày tỏ.

Mỗi ngày, ông Phạm Văn Ân thu gom từ 100-150kg rau, củ, quả các loại. Có những ngày, vào vụ thu hoạch, lượng củ, quả tăng gấp đôi, gấp ba, ông chở không hết, buộc lòng phải thuê xe chở phụ. Nhưng cũng có lúc không đủ số lượng, thế là ông Ân và bạn của mình không ngần ngại “góp vốn” mua thêm.

Ðằng đẵng suốt mấy năm, việc làm nghĩa tình của ông đã khiến nhiều người từ chỗ cảm phục chuyển dần sang tự nguyện cùng ông gánh vác, chia sẻ một phần công việc. Có người nói vui rằng, lòng tốt của ông Ân là “sự tử tế không điều kiện”, “tốt thường trực”.

Kết thúc công việc bàn giao rau, củ, quả tại các chùa, tịnh xá vào khoảng 1 giờ trưa, người cựu chiến binh tranh thủ chạy xe về nhà nghỉ ngơi, chiều lại gấp gáp chạy lên An Cơ chở toàn bộ số nông sản còn lại. “Rau, củ, quả để qua ngày sẽ không còn tươi ngon, chú tranh thủ giao cho cơ sở từ thiện càng sớm càng tốt”.

Người cựu chiến binh nay đã già, chẳng còn rắn rỏi như xưa, nhưng vẫn đam mê tâm quyết với công tác từ thiện. Chia tay người lính già, câu nói mà ông tâm đắc “cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy, ta được thêm ngày nữa để yêu thương” cứ đọng mãi trong tâm trí chúng tôi.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI

Tin cùng chuyên mục