Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người đại diện dân phản ánh đúng nguyện vọng của dân
Thứ hai: 05:58 ngày 24/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chào bạn đọc thân thiết, Bàn Dân nhớ lần gặp nhau tuần trước ông bảo sẽ theo dõi kỹ thông tin từ kỳ họp Quốc hội sắp tiến hành ở Thủ đô Hà Nội, vậy mấy ngày nay Quốc hội đang họp ông theo dõi nắm được thông tin gì rồi?

-Xin trả lời ngay với ông là mấy bữa nay tôi quan tâm nhất đến việc các vị đại biểu nhân dân nhận định, phân tích, đánh giá về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm nay và định hướng phát triển của đất nước trong năm tới…

-Ông nói cụ thể hơn đi?

-Đừng có hỏi đố nhau mà, ông làm nghề báo ông phải biết rõ hơn tôi chớ, bắt tôi phải “trả bài” chi cho mất thời gian vậy?!

-Ông nhiểu nhầm rồi, Bàn Dân xin nhắc lại là thông tin nào tại kỳ họp mà ông quan tâm nhất thôi?

-À, việc tôi quan tâm chắc cũng là chuyện thu hút sự chú ý của rất nhiều người, kể cả ông nữa. Đó là chuyện năm tới Nhà nước sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…

-Chuyện đó thì đã rõ, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội tăng lương cơ sở từ 1.7.2023 rồi mà!

-Vấn đề đã ở chỗ mốc thời gian tăng lương đó đó. Trong phiên thảo luận ở tổ sáng thứ bảy 22.10, nhiều vị đại biểu đã có ý kiến là nên tăng lương ngay từ đầu năm tức là ngày 1.1.2023…

-Nhưng theo lộ trình cải cách tiền lương lâu nay thường là tăng vào giữa năm, tức là ngày 1.7 đó chứ?

-Đúng vậy, có vị đại biểu nói rõ là nên tăng lương vào giữa năm để tránh trường hợp thời điểm điều chỉnh lương vào dịp đầu năm sẽ có tác động lớn đến khả năng xảy ra lạm phát và kiềm chế lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng ở thời điểm cận tết và đầu năm, cả ở cuối năm rất dễ tăng lên…

-Tình trạng đó thì không chỉ có ở thời điểm đầu năm hay cuối năm thôi đâu ông ơi. Bằng cớ là việc tăng giá xăng dầu vùn vụt mấy tháng trước, không phải đầu năm cũng không phải cuối năm, đã kéo theo vật giá nhiều mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ tăng lên, rồi đến khi giá xăng dầu được điều chỉnh hạ xuống thì hàng hoá “lỡ tăng” có giảm theo đâu?!

-Vâng, tôi đồng ý với cái ví dụ điển hình của ông và không bàn sâu chuyện đó nữa. Xin trở lại với ý kiến phân tích của các vị đại biểu dân cử đề xuất nên tăng lương ngay từ đầu năm 2023…

-Cụ thể là đại biểu đã phân tích như thế nào?

-Theo tin báo điện tử Bảo vệ pháp luật của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đăng ngày 22.10 thì có vị đại biểu cho rằng: “Kỳ điều chỉnh tăng lương cơ sở gần đây nhất là vào ngày 1.7.2019 nên nếu áp dụng tăng lương cơ sở vào ngày 1.7.2023 như tờ trình của Chính phủ thì mất 4 năm lương công chức, viên chức mới được tăng 20,8% trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng qua các năm từ năm 2019-2022 bình quân là khoảng 11,8%. Như vậy nếu trừ yếu tố lạm phát trong 4 năm, tiền lương công chức chỉ tăng khoảng 9%. Điều này là không hợp lý so với tăng trưởng kinh tế của cả nước là hơn 20% trong giai đoạn 2019-2022. Mặt khác là theo dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023 sẽ vào khoảng 4,5% - 5%, do vậy việc tăng lương cơ sở rất cần được quan tâm thực hiện ngay từ đầu năm 2023”.

-Quá đúng, quá thuyết phục, phân tích như thế là rất hợp lý, chính xác và có cơ sở thực tế…

-Vì vậy nhiều vị đại biểu đồng tình ý kiến này và phân tích thêm rằng, nếu tăng lương ngay từ đầu năm thì “nguồn ngân sách để tăng lương cơ sở ngay từ 1.1.2023 vẫn đảm bảo từ nguồn vượt thu ngân sách năm 2022. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm xác định lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp…”.

-Khi bàn về chuyện tăng lương, các vị đại biểu nhân dân còn phân tích thêm nội dung nào liên quan đến chuyện ấy nữa không?

-Có vị đại biểu cho rằng tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc nhiều, nhất là trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục... trong thời gian gần đây là việc rất đáng quan tâm. Đại biểu đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm đến vấn đề chính sách tiền lương, đưa vào chương trình để thực hiện chính sách trong năm 2023. Ngoài chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, theo đại biểu còn 2 nguyên nhân khác, đó là cơ hội thăng tiến và áp lực công việc cũng sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng của công chức, viên chức. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần hết sức chú ý đến các vấn đề này, tránh tình trạng để cán bộ, viên chức giỏi chuyển ra khu vực ngoài công lập.

-Bàn Dân tin rằng ông theo dõi và thuật lại như thế là đúng với nội dung thông tin mà ông thu thập được trên cơ sở các cơ quan truyền thông phản ánh hoạt động của các vị đại biểu dân cử. Còn ý kiến của riêng ông thì sao?

-Tôi nghĩ rằng các vị đại biểu dân cử đã phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Tôi cũng là cử tri nên tôi hết sức hoan nghênh, có vậy thôi!    

BÀN DÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh