Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bác sĩ Trần Huyền Trân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, Trung tâm đã hết vắc-xin ngừa dại từ tháng 7.2019 nên nhiều trường hợp đến tiêm phải quay về do nguồn cung ứng đã hết hàng, đây là tình trạng chung của thế giới (!?).
Người dân tiêm ngừa tại trạm y tế xã Thái Bình, huyện Châu Thành (ảnh minh hoạ).
Việc thiếu vắc-xin ngừa bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh từ giữa năm 2019 cho đến nay vẫn chưa có, khiến nhiều người không khỏi bức xúc.
Sáng 1.3, sau khi đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm phòng dại do bị chó cắn nhưng được cho biết không còn vắc-xin, ông N. V. T (cán bộ hưu trí ngụ phường IV, thành phố Tây Ninh) tìm đến bệnh viện Lê Ngọc Tùng và được tiêm chủng mũi đầu tiên.
Theo lời kể của ông T, sau đó vào ngày 3.3 và 5.3, ông tiếp tục đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm các mũi tiếp theo, nhưng đều được thông báo là hết “và không biết đến khi nào mới có vắc-xin ngừa dại”.
Ông T lo ngại: “Bác sĩ nói là tiêm ngừa vắc-xin phòng dại phải tiêm đến 4-5 mũi. Tôi đã tiêm được 3 mũi với giá 300.000 đồng/mũi, cao hơn gần gấp đôi so với tiêm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Tôi băn khoăn là những người có thu nhập thấp liệu có đủ tiền để tiêm ngừa ở các cơ sở y tế tư nhân với chi phí quá cao như vậy hay không?”.
Ông T cũng băn khoăn về thực trạng các cơ sở y tế tư nhân hiện nay vẫn còn vắc-xin ngừa dại, nhưng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lại hết từ nhiều tháng nay mà không được bổ sung để phục vụ nhu cầu của người dân.
Bác sĩ Trần Huyền Trân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, Trung tâm đã hết vắc-xin ngừa dại từ tháng 7.2019 nên nhiều trường hợp đến tiêm phải quay về do nguồn cung ứng đã hết hàng, đây là tình trạng chung của thế giới (!?). Trung tâm cũng rất muốn có vắc-xin để phục vụ người dân và đã kêu gọi đấu thầu nhưng không có đơn vị nào nộp hồ sơ dự thầu.
Trong thời gian tới, bác sĩ Trân cho biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang làm tờ trình kiến nghị Cục Y tế dự phòng có hướng chỉ đạo.
Hiện nay, vắc-xin phòng dại cho vật nuôi cũng chưa được người dân quan tâm. Đa số người dân nuôi chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi thả ra ngoài, chúng cắn nhau, lây truyền bệnh trong đàn, đến lây sang người.
Trước tình hình này, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nuôi chó mèo cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại cho chó mèo; hạn chế tiếp xúc với chó, mèo, tránh bị cắn hoặc cào gây trầy xước.
Vũ Nguyệt