Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người dân chưa có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt
Thứ hai: 00:10 ngày 28/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðể thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thiết nghĩ, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng các sản phẩm, tiện ích ngân hàng; mở rộng phạm vi phục vụ, phát hành thẻ về khu vực nông thôn.

Khách hàng thanh toán qua thẻ tại siêu thị Co.opMart Tây Ninh.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen giao dịch, nhiều khách hàng chuyển từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán trực tuyến, qua ví điện tử, thẻ…

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tây Ninh, thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, nhiều tiện ích, dễ sử dụng- nhất là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với người dân, doanh nghiệp nhằm mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp.

Tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra trong khi thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt; thường xuyên giám sát các đơn vị chấp nhận thẻ để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi gian lận trong thanh toán. Ðến nay, toàn tỉnh có 638 máy POS (máy chấp nhận mọi thanh toán bằng thẻ - PV); một số siêu thị, cửa hàng còn triển khai dịch vụ thanh toán bằng mã QR.

Chị Minh Thuỳ, ngụ phường 2, thành phố Tây Ninh cho biết, thời gian gần đây, chị rất thích mua sắm qua mạng, từ tã, sữa cho con, đồ ăn uống trong gia đình đến các vật dụng tiện ích như máy hút bụi, máy lạnh... và tất cả đều được thanh toán qua thẻ, chuyển khoản, không dùng tiền mặt. Việc thanh toán online, qua ví điện tử giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh, người nhà tôi hạn chế được việc ra ngoài đường để mua sắm” - chị Thuỳ chia sẻ.

Thời gian qua, các ngân hàng đều tích cực đầu tư đổi mới, phát triển dịch vụ bằng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và đáp ứng nhu cầu khách hàng, như: Chuyển tiền nhanh 24/7; tiết kiệm online; thanh toán hoá đơn điện, viễn thông, y tế, giáo dục, bảo hiểm...

Bên cạnh đó, hàng loạt các ví điện tử ra đời với những dịch vụ thanh toán tương tự của ngân hàng, và còn triển khai khuyến mãi như giảm giá khi thanh toán tiền điện, internet, nạp tiền điện thoại…

Các tính năng bảo mật thông tin khách hàng được các ngân hàng chú trọng triển khai như: xác thực bảo mật OTP, vân tay, công nghệ đọc dữ liệu hình ảnh (OCR), công nghệ nhận diện gương mặt… từng bước tạo niềm tin cho khách hàng khi giao dịch.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc đáp ứng các nhu cầu trong thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn còn hạn chế vì chưa có nhiều điểm chấp nhận thanh toán, nhiều người chưa sử dụng thẻ ngân hàng; đặc biệt, ở các khu công nghiệp, hầu hết người lao động được trả lương qua thẻ nhưng ít sử dụng hình thức không dùng tiền mặt, bởi sợ rủi ro mất tiền, phí dịch vụ cao...

Theo một nhân viên thu ngân làm việc tại Co.opmart Tây Ninh, siêu thị triển khai các hình thức thanh toán qua thẻ, quét mã QR của ví điện tử Momo… Số lượng khách thanh toán qua thẻ, ví điện tử có tăng so với thời gian trước nhưng tập trung vào đối tượng trẻ tuổi, đặc biệt, khách hàng quét mã QR qua Momo đa số ở lứa tuổi học sinh, sinh viên; những khách hàng trung niên vẫn thích sử dụng tiền mặt thanh toán.

Anh Nguyễn Văn Toàn, ngụ phường 2, thành phố Tây Ninh cho biết, vừa qua, nhận được mã giảm giá thanh toán không dùng tiền mặt khi đổ xăng trị giá 100.000 đồng, anh Toàn đã đến cây xăng trên đường 30.4 (địa điểm áp dụng khuyến mãi và thanh toán không dùng tiền mặt do ví điện tử cung cấp). Tuy nhiên, sau khi đổ xăng, anh Toàn được biết cây xăng chỉ nhận lấy tiền mặt, không chấp nhận thanh toán qua thẻ hay ví điện tử.

“Tôi khá bất ngờ vì trên biển thông báo của cây xăng có để điểm chấp nhận thẻ Napas, ví điện tử Momo cũng hiển thị đây là điểm chấp nhận thanh toán bằng mã QR. Nhưng khi tôi hỏi thì những nhân viên tại đó lại ngơ ngác không biết gì. Sau đó, tôi vẫn phải thanh toán chi phí đổ xăng bằng tiền mặt”- anh Toàn chia sẻ.

Ðể thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thiết nghĩ, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng các sản phẩm, tiện ích ngân hàng; mở rộng phạm vi phục vụ, phát hành thẻ về khu vực nông thôn. Các đơn vị cung cấp hàng hoá cần triển khai và đào tạo cho nhân viên về các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt để phục vụ khách hàng hiệu quả hơn.

Vũ Nguyệt

Tin liên quan