Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của cải cách thủ tục hành chính
Thứ sáu: 00:17 ngày 16/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng 15.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) tại điểm cầu Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính - Ảnh: VGP

Dự tại điểm cầu tỉnh có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, VNPT Tây Ninh, Viettel Tây Ninh. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, công tác cải cách TTHC và hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, DN từ năm 2021 đến nay đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hoá 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hoá 1.107 quy định của 9 bộ, cơ quan.

Về phân cấp trong giải quyết TTHC, Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực, sẽ sửa đổi, bổ sung 232 văn bản để thực thi phương án. Qua đó giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC của cơ quan hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức; giảm thời gian, chi phí cho người dân, DN trong giải quyết TTHC.

Đến nay, cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh. 53/63 tỉnh, thành phố thực hiện thống nhất hệ thống Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa cấp tỉnh, giúp giảm đầu tư chồng chéo các phân hệ chức năng giữa hai hệ thống, tăng cường việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu, nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như đáp ứng yêu cầu số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định của Chính phủ.

Cổng dịch vụ công quốc gia được khai trương và vận hành từ tháng 12.2019 đến nay đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Tính đến nay, đã có hơn 2,8 triệu tài khoản đăng ký, hơn 720 triệu truy cập tìm hiểu thống tin, dịch vụ, hơn 129,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 4,78 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, hơn 2,6 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền gần 2,8 tỷ đồng.

“Nếu không nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá công tác chỉ đạo, điều hành thì chúng ta sẽ tụt hậu trong lúc chúng ta phải tận dụng mọi thời cơ để vươn lên!”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được vận hành, phát triển, góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính Nhà nước và phục vụ chỉ đạo, điều hành. 98% các cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính. 8 tháng năm 2022, có trên 3,56 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoạt động liên tục, thông suốt trong hai năm qua, với 28.000 cán bộ, công chức trên toàn quốc tham gia vận hành, sử dụng hằng ngày, thực hiện các chế độ báo cáo định kỳ, cung cấp các chỉ tiêu KT-XH, báo cáo hằng ngày trên hệ thống.

Đối với Tây Ninh, hiện nay, 100% TTHC được tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận Một cửa các cấp với tỷ lệ hồ sơ trả kết quả trước và đúng hẹn đạt cao. Tỉnh cũng đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung; nâng cấp các hệ thống phần mềm dùng chung như một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, quản lý văn bản điều hành, ứng dụng giao việc tức thời, nhắc việc thông minh để tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường khả năng phục vụ cho người dân và trong công tác chuyên môn của cán bộ công chức. Đồng thời, triển khai các giải pháp nhằm tăng cường giao tiếp giữa người dân và chính quyền tỉnh thông qua các kênh Zalo OA, ứng dụng Tây Ninh Smart, hệ thống tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân, DN…

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong công tác cải cách TTHC và hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành. Cụ thể như TTHC trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, nội vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục, xuất nhập khẩu… còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, phân cấp, phân quyền chưa đầy đủ, rõ ràng, gây bức xúc trong xã hội.

Một số bộ, ngành chưa có phương án cắt giảm, đơn giản hoá TTHC trình Thủ tướng Chính phủ; một số địa phương chậm ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC và chỉnh sửa phần mềm một cửa điện tử, chưa quan tâm triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; số hoá hồ sơ TTHC có nơi còn lúng túng.

Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh còn chậm do chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh thông tin. Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác chuẩn hoá, điện tử hoá chế độ báo cáo, chưa thực hiện nghiêm việc cung cấp thông tin, dữ liệu điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành; công tác chỉ đạo, điều hành phần lớn vẫn theo phương thức thủ công truyền thống.

Giao dịch thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên; Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa các ý kiến tham luận tại hội nghị để hoàn thiện dự thảo nghị quyết về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, DN.

Công tác lãnh đạo, điều hành cải cách TTHC trong thời gian tới cần có tư duy, cách tiếp cận mới, chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực thực hiện cải cách với quan điểm xuyên suốt lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực; lấy sự hài lòng của người dân để đánh giá hiệu quả thực hiện.

Các bộ, ngành, địa phương bám sát thực tiễn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt bỏ bớt khâu trung gian và đơn giản hoá quy trình nội bộ; tích hợp, chia sẻ dữ liệu để cùng khai thác. Đồng thời, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu; tạo sự thân thiện, hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với người dân, DN. Thủ tướng cũng mong người dân và DN tích cực tham gia xây dựng chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp đến các hoạt động của mình.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục