Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bia tưởng niệm liệt sĩ Bệnh viện K71B:
Người dân muốn xây ở đúng vị trí di tích
Thứ hai: 06:03 ngày 02/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong kháng chiến chống Mỹ, bên bờ suối Tà Ôn, nay thuộc ấp 5, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, có một bệnh viện khá quy mô, gọi là K71B. Đất nước đã thanh bình hơn 40 năm, vẫn còn đâu đó, trong những vạt rừng cao su, nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập. Hiện chính quyền địa phương có kế hoạch xây dựng bia tưởng niệm cho bệnh viện này, nhưng dự kiến xây gần trụ sở UBND xã Suối Ngô- cách xa di tích khoảng 7km.

Chân dung bác sĩ Nguyễn Sanh Dân sau giải phóng (ảnh mạng internet).

Đi tìm Bệnh viện K71B

Từ trụ sở UBND xã Suối Ngô, đi khoảng 3km theo con đường nhựa liên xã Suối Ngô - Suối Dây rồi rẽ vào con đường đất đỏ mới được nâng cấp mở rộng, dài khoảng 4km nữa là đến địa bàn ấp 5. Xung quanh văn phòng Ban quản lý ấp 5, nhà dân thưa thớt như lọt thỏm giữa những cánh rừng cao su, rẫy mì bạt ngàn, xanh tốt.

Khó có thể hình dung khu vực này từng có Bệnh viện K71B trong những năm bom cày đạn xới, đã cứu chữa hàng ngàn thương, bệnh binh. May sao, một số người cao tuổi ở đây còn nhớ rành mạch chuyện cũ.

Ông Trần Chí- 74 tuổi, chỉ tay về phía vườn cao su trước nhà kể, quê ở Bến Tre, ông tham gia kháng chiến, đi “chủ lực” ở Trung đoàn 1, Sư đoàn 9. Năm 1963, đơn vị về hoạt động ở vùng suối Tà Ôn.

Theo lời cựu chiến binh này, thời gian đầu mới thành lập, nơi đây chỉ là một trong những cơ sở y tế nhỏ của Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; sau đó, nâng cấp quy mô lên thành Bệnh viện K71B với đầy đủ các ban, như ban hành chính, ban điều trị, ban dược… v.v…

Những năm sau đó, có một lần ông đưa thương binh về đây điều trị. Ông Chí nhớ lại: “Lúc đó, tôi đưa thương binh vượt qua suối Tà Ôn, đến bộ phận thường trực của bệnh viện, giao cho những chiến sĩ trực ban ở đây. Họ nhận và chuyển tiếp thương binh vào bệnh viện.

Vì nguyên tắc bí mật, chúng tôi không được trực tiếp đưa thương binh vào bên trong”. Tuy nhiên, có đôi lúc tôi nhìn thấy, bên trong bệnh viện là những căn hầm trú ẩn, trên che bạt ni-lông, lẩn khuất trong rừng cây um tùm. Nếu không để ý, khó nhận biết được nơi đây là điểm cứu chữa thương bệnh binh.

Về sau, đơn vị của ông chuyển sang đóng ở Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) nên không còn dịp đưa thương binh đến bệnh viện này nữa. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Chí phục viên trở về quê hương Bến Tre, làm ruộng sinh sống. Mùa màng thất bát liên miên, cuộc sống ngày càng vất vả, năm 1994, vợ chồng ông đưa nhau về Tây Ninh kiếm sống.

Lúc mới về, ông đi làm thuê, làm mướn cho người dân trong vùng, vẫn còn thấy chiến hào, hầm trú ẩn, giếng nước của bệnh viện. Những năm sau này, người dân địa phương san lấp mặt bằng, trồng mì, cao su, cây ăn trái… nên dấu tích Bệnh viện K71B thời kháng chiến dần bị xoá hết.

Liệt sĩ ở đâu nên xây bia tưởng niệm ở đó

Mới đây, chính quyền địa phương có kế hoạch xây dựng bia tưởng niệm Bệnh viện K71B. Đây là một chủ trương đúng đắn và cần thiết, nhưng có điều lạ là lãnh đạo xã dự kiến không xây ở khu vực từng đặt bệnh viện, mà “tính” xây gần trụ sở UBND xã Suối Ngô- cách xa di tích khoảng 7km.

Ông Trần Ngọc Dũng- Trưởng Ban quản lý ấp 5 kể, năm 1982, ông lên đây lập nghiệp, khai khẩn đất hoang trồng cao su. Năm 2004, ông bán lại một phần vườn cao su cho người khác, trong lúc đào mương để chia ranh giới, tình cờ, ông phát hiện 6 bộ hài cốt liệt sĩ nên báo cho Ban CHQS huyện Tân Châu biết.

Nhận được tin, Bộ CHQS tỉnh đưa lực lượng đến đây tìm kiếm, quy tập tại con mương này được gần 30 bộ hài cốt. Đến mùa mưa, đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm, đã quy tập được cả trăm bộ hài cốt nữa.

“Các mộ chôn cất không thành một hàng dài thẳng tắp như trong nghĩa trang mà nhiều lúc xỉa qua xỉa lại. Chắc là lúc đào huyệt phái né gốc cây rừng nên các khu mộ xéo qua xéo lại như vậy”- ông Dũng kể.

Giữ cương vị Trưởng Ban quản lý ấp 5 hai nhiệm kỳ liên tiếp, ông Dũng biết được nhiều trường hợp liên quan đến việc chôn cất liệt sĩ ở đây. Một thân nhân liệt sĩ hiện ở huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước kể lại rằng, năm 1967, ông này có người em trai làm công an, bị thương ở chân, đơn vị phải dùng võng khiêng từ Bình Long, vượt sông Sài Gòn, đưa vào đây chữa trị.

Vết thương quá nặng, chữa trị không khỏi, em ông hy sinh và được chôn cất tại đây. Một gia đình hiện ở tỉnh Trà Vinh, cứ 3 năm một lần, vào mùa khô, họ đem lễ vật, nhang đèn đến vườn cao su này cúng vái. Ngoài ra, còn nhiều gia đình, thân nhân khác cũng đến đây cúng viếng.

“Trung bình mỗi năm, tôi tiếp đón từ 7-8 đoàn thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh miền Bắc vào đây. Họ đặt lễ vật ngay tại vườn cao su này, cúng xong rồi trở về” - ông Dũng cho biết.

Ông Dũng kể tiếp, trong những lần làm lễ truy điệu hài cốt, ông Dũng được tiếp xúc với Đại tá, Phó Tiến sĩ Nguyễn Sanh Dân- nguyên Viện trưởng Bệnh viện K71B. Theo lời ông Nguyễn Sanh Dân, ở khu vực này đã chôn cất tổng cộng 737 liệt sĩ, trong đó có 32 người là cán bộ của bệnh viện hy sinh.

Số còn lại là thương binh từ các chiến trường khu vực miền Đông Nam bộ chuyển về. Hài cốt được chôn thành 4 khu riêng biệt, nhưng hiện nay cảnh vật thay đổi nhiều quá, ông không còn nhớ được chính xác các khu mộ ở đâu.

Ông Nguyễn Sanh Dân chỉ nhớ ở khu vực vườn cao su của ông Dũng là khu K71B. Cách khu này khoảng 2km về hướng Tây Nam, là khu K71A. Ở đó chôn nhiều nhất, nhưng tiếc là đến nay chưa tìm thấy hết.

Bác sĩ Nguyễn Sanh Dân (bìa phải) đang mổ lấy đầu đạn cho thương binh tại Bệnh viện K71B (ảnh mạng internet).

Những năm qua, lãnh đạo tỉnh, huyện có chủ trương xây dựng bia tưởng niệm để tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hưởng ứng chủ trương này, ông Dũng hiến tặng hơn 600 mét vuông đất vườn cao su của mình để làm mặt bằng xây dựng bia tưởng niệm Bệnh viện K71B, và ông đã làm thủ tục tách sổ đỏ phần đất này.

Tuy nhiên, lãnh đạo xã Suối Ngô thông báo, dự kiến sẽ xây dựng bia tưởng niệm gần trụ sở UBND xã, chứ không phải ở đây. “Lãnh đạo xã có cái lý của họ. Mình là cấp dưới nên chấp hành thôi” - ông Dũng tâm sự.

Ông Phạm An Thuận- Phó Chủ tịch UBND xã Suối Ngô xác nhận, lãnh đạo xã đã tổ chức lấy ý kiến các ban, ngành, đoàn thể địa phương về việc xây dựng bia tưởng niệm Bệnh viện K71B. Hầu hết đều muốn xây dựng ở khu đất công thuộc Trung tâm cụm xã trước đây- gần trụ sở UBND xã hiện tại, giao cho Đoàn Thanh niên dọn dẹp vệ sinh. Xây dựng ở ấp 5, sâu, xa quá, không tiện bề nhang khói.

Tuy nhiên, một số người dân địa phương lại có ý kiến khác. Cựu chiến binh Trần Chí bày tỏ, tốt nhất là xây bia tưởng niệm Bệnh viện K71B ở tại địa bàn ấp 5, để người dân- đặc biệt là thế hệ trẻ sau này biết rằng ở nơi đây từng là bệnh viện lớn thời chiến tranh.

“Hiện nay, đã có người hiến đất để xây khu tưởng niệm. Đường giao thông cũng đã được mở tới nơi, rất thuận tiện”- ông Chí bộc bạch. Cựu chiến binh này tin rằng, nếu xây dựng ở đây, chắc chắn người dân sẽ trông nom, nhang khói.

Theo lời ông Tư He- một trong những người trồng cao su lâu năm ở ấp 5, năm rồi, trong buổi tiếp xúc cử tri, người dân ấp 5 không chịu. Bà con cho rằng, liệt sĩ hy sinh ở đâu thì làm bia tưởng niệm ở đó.

Hằng năm, thân nhân liệt sĩ đến thắp hương, cúng viếng ở ấp 5 mà xây bia tưởng niệm ở xã làm gì? Lão nông này còn cho biết thêm, có thân nhân liệt sĩ ở Thái Nguyên thường vào đây cúng viếng, lần nào cũng thắc mắc, sao tới nay chính quyền địa phương không xây bia tưởng niệm?

Đại Dương

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, Đại tá - Phó Tiến sĩ Nguyễn Sanh Dân (88 tuổi, đang sống ở số 176/22, đường Trần Huy Liệu, phường 15, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, Bệnh viện K71B được xây dựng và hoạt động từ tháng 4.1966, đến đầu năm 1970 bị Mỹ - nguỵ ném bom phá huỷ.

Ngoài Bệnh viện K71B còn Bệnh viện K71A, Bệnh viện K71C. Các bệnh viện này đã chôn cất hơn 700 liệt sĩ, nhưng đến nay, qua nhiều lần tìm kiếm, mới quy tập được gần 200 hài cốt. Rất tiếc là hiện nay cảnh quan thay đổi quá nhiều, khiến ông không còn nhận ra được chính xác những nơi chôn cất liệt sĩ.
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh