Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải đang gây bức xúc cho người dân không chỉ ở thành thị mà ở cả vùng nông thôn. Trong đó, có vấn đề người dân nông thôn chưa chủ động thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn.
Thu gom rác trên địa bàn xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Thanh Nhi
Được biết, việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ giúp tái sử dụng hiệu quả các phế liệu. Các loại rác thải hữu cơ được xử lý thành phân bón cho cây trồng thay thế phân hoá học hoặc tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Lượng chất thải rắn còn lại phải xử lý rất ít, sẽ tiết kiệm được diện tích chôn lấp, chi phí xử lý rác thải, hạn chế ô nhiễm môi trường do nước rỉ rác, bụi và khí thải gây ra.
Ven đường DH1, ấp Khởi An (xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu), phần lớn người dân tham gia sản xuất nông nghiệp. Để bảo vệ môi trường, các đoàn thể xã Cầu Khởi đã lắp đặt bể xi măng chứa vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, nhiều người vẫn vứt vỏ chai, bao bì vật tư nông nghiệp vương vãi ven đường, mương nước. Trong khi đó, bể xi măng đã đầy khá lâu vẫn chưa được thu gom.
Ở một tuyến đường nông thôn khác thuộc ấp Hiệp Hoà (xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành) hiện có một bãi rác khá lớn, trong đó có rất nhiều mảnh kiếng... chưa được thu gom đưa đi xử lý.
Nhóm chất thải thực phẩm (thức ăn dư thừa, rau, củ, quả; xác động vật, vỏ trứng, vỏ sò, xác cà phê, xương cá, thịt...) và rác vườn (lá cây, cành cây…) là chất thải hữu cơ dễ phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Loại chất thải này phải được thu gom riêng và chứa trong túi phân huỷ màu xanh và đựng trong thùng màu xanh có gắn nhãn “chất thải thực phẩm/hữu cơ”. Nhóm chất thải còn lại (rác vô cơ) là những chất thải khác nhóm thực phẩm, không dễ tự phân huỷ hoặc khó phân huỷ bao gồm tất cả các thành phần chất thải phát sinh trong sinh hoạt của gia đình như vỏ lon, chai nhựa, carton, thuỷ tinh, cao su, quần áo cũ, gạch, cát, đá… Loại rác này được thu gom riêng và chứa trong thùng màu cam có gắn nhãn “chất thải còn lại”. Nhi Trần |
Ông Nguyễn Văn Điệu, người ký hợp đồng thu gom rác thải với khoảng 1.000 hộ dân trên địa bàn xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu) cho biết, rất ít người tự phân loại chất thải sinh hoạt theo quy định. Ông Điệu đã từng vận động, tuyên truyền đến các hộ dân việc phân loại chất thải rắn và chất thải hữu cơ nhưng không mấy hiệu quả.
Ông Điệu cho biết thêm, hiện nay, rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng đa dạng về chủng loại nên đơn vị thu gom rất khó xử lý. Do đó, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định.
Anh Nguyễn Thành Sông, người thu gom rác thải trên địa bàn xã Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu) cho biết, do người dân không phân loại rác thải nên anh phải gom chung các loại rác mang về một điểm tập kết.
Ông Huỳnh Hưng Thời- Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Năng cho biết, để việc phân loại rác tại nguồn có hiệu quả, cần có sự đồng thuận, thống nhất giữa người dân và các tổ thu gom rác. UBND xã cũng đã tích cực tuyên truyền việc phân loại chất thải tại gia đình. Theo đó, rác hữu cơ phải được thu gom hằng ngày tránh gây mùi hôi. Còn chất thải rắn phải được phân loại và bỏ đúng nơi quy định. Đơn vị thu gom phải bố trí xe chứa riêng từng loại rác để tránh gây rơi vãi, làm ô nhiễm môi trường khi lưu thông trên đường.
Ông Dương Thái Bình- Giám đốc Công ty cổ phần Công trình đô thị Tây Ninh cho biết, công ty chỉ thu gom rác thải chứ chưa thực hiện việc phân loại rác. Muốn phân loại rác thải rắn cần một nguồn nhân lực lớn, trong khi hiện nay công ty chưa đáp ứng được yêu cầu này. Ông Bình cho biết thêm, trong quá trình thu gom rác, đơn vị từ chối thu gom rác thải độc hại trong doanh nghiệp và rác thải y tế.
Hiện nhà máy xử lý rác thải trên địa xã Tân Hưng (huyện Tân Châu) sẽ phân loại rác thải hữu cơ và xử lý thành phân bón. Nhà máy cũng phân loại sơ bộ rác thải vô cơ, tách riêng rác có thể tái chế, phần còn lại được xử lý theo quy định.
Chất thải vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi ven đường DH1, ấp Khởi An, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu.
Mới đây, UBND tỉnh có công văn gửi UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an ninh an toàn tại các dự án rác thải.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức... thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản về quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc thu gom, phân loại và vận chuyển, xử lý rác thải.
Đồng thời, cần có giải pháp kiểm tra, kiểm soát chất thải rắn sinh hoạt chặt chẽ, phân loại rác thải tại nguồn. Trong đó cần quan tâm việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực nông thôn hiện nay.
Nhi Trần
Theo người dân, đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt tại một số địa phương ở Gò Dầu không sử dụng xe chuyên dụng để vận chuyển rác mà sử dụng xe tải đưa rác về địa điểm nằm cuối đường Hùng Vương. Từ đây, rác được chuyển qua xe chuyên dụng đem đi xử lý. Do đó, khu vực này bị ô nhiễm, mất mỹ quan.
Ông Hà Văn Cung- Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cho biết, huyện đã xin ý kiến tỉnh về việc di dời địa điểm trung chuyển rác ở cuối đường Hùng Vương đi nơi khác phù hợp hơn.
Thế Nhân