Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đại biểu tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh:
Người dân phản ánh nhiều vấn đề liên quan an sinh xã hội, nông nghiệp, nông thôn
Chủ nhật: 23:22 ngày 12/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đại biểu HĐND 2 cấp ghi nhận ý kiến phản ánh thẳng thắn, chân tình của bà con về những vấn đề tồn tại, hạn chế, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người dân để chuyển đến cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết theo quy định.

Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông- một trong những công trình trọng điểm của tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Nhằm nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri phục vụ cho kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, từ ngày 30.5 đến 10.6.2022, đại biểu HĐND hai cấp tỉnh và huyện (thị xã và thành phố) đã có các cuộc tiếp xúc cử tri địa phương. Qua đó, đại biểu HĐND 2 cấp ghi nhận ý kiến phản ánh thẳng thắn, chân tình của bà con về những vấn đề tồn tại, hạn chế, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người dân để chuyển đến cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết theo quy định.

Theo ghi nhận, đa phần cử tri kiến nghị vấn đề cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu cuộc sống và hoạt động sản xuất, sinh hoạt; địa phương quan tâm đầu tư làm mới, sửa chữa các tuyến đường nông thôn, cầu, cống, nạo vét kênh mương thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu; tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế; nhu cầu nước sạch sinh hoạt của người dân...

Cử tri phản ánh tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế

Tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, cử tri Nguyễn Văn Tính (ngụ ấp Xóm Bố) cho biết không hài lòng khi đi khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tại Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu và một số cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước, vì không bảo đảm đủ thuốc trong danh mục bảo hiểm cấp cho người dân. Đến khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT, nhưng người dân phải tốn tiền ra ngoài mua thuốc. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận động người dân tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.

Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, đại biểu HĐND tỉnh cho biết, trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các cơ sở y tế tập trung điều trị bệnh Covid-19.

Việc khám, chữa bệnh cho người dân chủ yếu chuyển về các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đến cuối năm 2021, đấu thầu thuốc đã hết thời gian, lượng thuốc dự trù không nhiều, từ đầu năm 2022 đến nay, dịch Covid-19 tạm lắng, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tại các cơ sở y tế tăng nên không bảo đảm đủ số thuốc cho người dân điều trị bệnh bằng thẻ BHYT.

Mặt khác, công tác đấu thầu thuốc gặp nhiều khó khăn, ngành Y tế tỉnh đang gấp rút hoàn thiện các quy trình đấu thầu thuốc và triển khai các giải pháp để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho bà con.

Bất cập trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ liên quan đến đất đai

Tại xã Hiệp Thạnh, ông Nguyễn Thanh Hải, cử tri ấp Đá Hàng phản ánh bất cập trong khâu tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chậm trễ tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Gò Dầu.

Theo ông Hải, khi người dân đến nộp hồ sơ, Văn phòng nên cử cán bộ kiểm tra trước khi cho bốc số chờ theo thứ tự, nếu hồ sơ thiếu hoặc không đúng thì hướng dẫn người dân chỉnh sửa, bổ sung; không nên để người dân ngồi đợi hai, ba tiếng đồng hồ rồi kêu về làm lại, như vậy vừa mất thời gian, công sức của người dân và cả người tiếp nhận hồ sơ. Bên cạnh đó, thời gian trả kết quả quá lâu so với trên giấy hẹn, cụ thể trong trường hợp của ông, giấy hẹn trả kết quả là ngày 1.4 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông- một trong những công trình trọng điểm của tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Phong- Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Gò Dầu giải thích: theo quy định, người dân khi đến làm thủ tục tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của huyện phải bốc số thứ tự và chờ đến lượt làm việc với cán bộ tiếp nhận hồ sơ.

Do nhân lực không đủ, Văn phòng không thể bố trí cán bộ hướng dẫn trước cho người dân. Ngoài ra, thời gian gần đây, số lượng hồ sơ của người dân liên quan đến các vấn đề tách thửa, sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng đất… tăng đột biến, gấp 3 - 4 lần so với trước đây, trong khi nhân lực của Văn phòng không tăng thêm nên việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ bị chậm trễ.

Bà Trương Thị Phú- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ sắp xếp, bố trí thêm cán bộ trực hướng dẫn hồ sơ cho người dân đến làm thủ tục tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện, không để người dân phải bắt số chờ lâu như hiện nay.

Chỉ đạo tại buổi tiếp xúc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Gò Dầu ghi nhận ý kiến của cử tri và giải quyết ngay trường hợp này, thể hiện tinh thần lắng nghe và tiếp thu ý kiến người dân của cơ quan quản lý nhà nước.

Quan tâm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Cử tri ở xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu dành nhiều sự quan tâm đến các vấn đề liên quan nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, giá cả vật tư nông nghiệp, xăng dầu tăng quá cao, nông dân gặp rất nhiều khó khăn; thời tiết diễn biến bất thường thời gian qua gây mưa gió, ngập lụt ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Cử tri kiến nghị HĐND các cấp có giải pháp hỗ trợ để nông dân có cuộc sống ổn định.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu HĐND tỉnh cho biết, vấn đề giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp là tình hình chung, bối cảnh chung của cả thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ liên tục có các văn bản chỉ đạo nhằm xem xét, tháo gỡ các khó khăn và chỉ đạo địa phương tổ chức thực hiện; địa phương cũng nghiên cứu tất cả các giải pháp và kiến nghị Chính phủ thực hiện. Phó Bí thư Tỉnh uỷ kỳ vọng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và triển khai thực hiện của địa phương trong thời gian tới sẽ có bước ổn định để tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế theo các chương trình, nghị quyết của Quốc hội cũng như của Chính phủ đề ra.

Trồng nấm mối ở xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ các vấn đề mà cử tri của tỉnh rất quan tâm hiện nay, đó là động lực phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện cho tỉnh Tây Ninh cất cánh là hạ tầng giao thông. Cụ thể như tuyến đường giao thông lớn, mang tầm cỡ quốc gia là đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Tỉnh đang xúc tiến, phối hợp rất chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các quy trình, thủ tục, dự kiến đến năm 2025 hoàn thành tuyến đường này.

Thứ hai là đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đây là công trình lớn, đã ngừng thực hiện trong thời gian tương đối lâu, địa phương nhiều lần kiến nghị vấn đề này, Quốc hội đã xem xét, dự kiến năm 2023 khởi động lại dự án đường Hồ Chí Minh.

Liên quan đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, qua đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Trung ương quyết định ban hành một nghị quyết mới, đặt ra mục tiêu rất cao để người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn.

Trong đó, Trung ương quy định đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho chương trình nông dân, nông nghiệp, nông thôn không được thấp hơn 2 lần so với giai đoạn trước. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua kinh phí hỗ trợ cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Những nội dung này sẽ góp phần cho địa phương phát triển trong thời gian tới.

Trúc Ly - Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh