Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thị xã Trảng Bàng cho hay qua công tác kiểm đếm và triển khai thực hiện dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài đều được người dân đồng thuận rất cao
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM và tỉnh Tây Ninh đã khẩn trương triển khai lập kế hoạch thu hồi đất, tổ chức công tác đền bù, tái định cư nhằm sớm triển khai dự án theo đúng tiến độ.
Người dân đồng thuận cao
Tuyến đường bộ ngắn nhất kết nối TP HCM với Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài này dài trên 50 km với đoạn qua địa phận TP HCM hơn 24 km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh hơn 26 km.
Dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài, đoạn thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh nhìn từ trên cao
Điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 - TP HCM thuộc huyện Củ Chi; điểm cuối kết nối Quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh; tổng mức đầu tư sơ bộ 19.617 tỉ đồng. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ phục vụ phát triển chuỗi công nghiệp Mộc Bài - TP HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.
Dự án tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất dọc tuyến, đặc biệt là Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
Ông Võ Văn Hên vui mừng vì đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài hình thành sẽ thay đổi diện mạo tỉnh Tây Ninh và người dân đều được hưởng lợi
Thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đã tích cực triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án cao tốc TP HCM – Mộc Bài theo đúng tiến độ.
UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch thực hiện dự án thành phần 4: "Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc TP HCM - Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh", với tổng mức đầu tư 5.270 tỉ đồng. Trong đó, các địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án gồm: Huyện Gò Dầu, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng đã thông báo thu hồi đất đến các hộ dân và tổ chức có đất thu hồi đạt tỉ lệ cao.
Đến ngày 21-8-2024, qua thống kê sơ bộ, công tác kiểm đếm các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài đi qua địa bàn thị xã Trảng Bàng để bồi thường cơ bản đã hoàn thành khoảng 94%.
Là hộ dân bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dự án nhưng ông Võ Văn Hên (ngụ khu phố Lộc Khê, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng) khẳng định rất đồng tình với địa phương trong công tác thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng để dự án sớm thực hiện.
"Gia đình tôi chịu ảnh hưởng rất lớn khi dự án được triển khai nhưng rất vui và tự hào khi tỉnh Tây Ninh có đường cao tốc kết nối liên vùng. Tôi rất kỳ vọng vào dự án cao tốc TP HCM – Mộc Bài sẽ tạo sức bật, mang đến diện mạo mới cho tỉnh Tây Ninh trong lương lai. Tỉnh nhà phát triển, người dân chúng tôi cũng được hưởng lợi" – ông Hên vui mừng.
Ông Dương Văn Cu, Trưởng khu phố Lộc Khê, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng tự hào vì sau khi nhận được thông báo về chủ trương thu hồi đất, khu phố đã tổ chức nhiều cuộc họp và nhìn chung các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đều đồng tình ủng hộ vì sự phát triển chung của đất nước và tỉnh Tây Ninh.
Theo thống kê, trên địa bàn thị xã Trảng Bàng có 1.652 thửa đất với 749 hộ bị ảnh hưởng, huyện Gò Dầu có 1.157 thửa đất với 859 hộ bị ảnh hưởng, huyện Bến Cầu có 237 thửa đất với 108 hộ bị ảnh hưởng.
Xây dựng khu tái định cho người dân
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Văn Còn, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Trảng Bàng, cho biết sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, thị xã Trảng Bàng đã nhanh chóng triển khai chủ trương đến người dân nằm trong diện ảnh hưởng bởi dự án. Đến ngày 21-8-2024, qua thống kê sơ bộ, công tác kiểm đếm các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài đi qua địa bàn thị xã Trảng Bàng để bồi thường cơ bản đã hoàn thành khoảng 94%. Cụ thể, 932 hộ/1.004 hộ đã được kiểm đếm, còn lại 72 hộ do vắng mặt tại địa phương chưa cung cấp được giấy tờ để triển khai kiểm đếm.
Theo quy hoạch, thị xã Trảng Bàng sẽ bố trí khu tái định cư quy mô 10,7ha, có khoảng 402 nền, chủ yếu để phục vụ cho dự án cao tốc TP HCM – Mộc Bài.
"Qua công tác kiểm đếm và triển khai thực hiện dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài đều nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân với chủ trương của nhà nước"- ông Còn khẳng định.
Theo ông Còn, trong quá trình triển khai dự án, người dân muốn thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phải đảm bảo quy định Luật Đất đai năm 2024. Một số hộ dân đề nghị khi triển khai đường cao tốc thì đường dân sinh, đường cấp thoát nước phải thực hiện đấu nối trở lại để người dân thuận tiện đi lại và sản xuất khi cao tốc hình thành. Nhà nước xem xét có chính sách hỗ trợ hoặc chính sách tái định cư để họ ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.
Tuyến đường phụ khi cao tốc TP HCM - Mộc Bài được hình thành
Ông Còn thông tin điều đáng mừng là hiện có 2 hộ dân với diện tích đất bị ảnh hưởng bởi dự án ở thị xã Trảng Bàng rất ủng hộ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để dự án nhanh chóng được triển khai.
"Hai hộ dân này mong muốn giao mặt bằng, di dời trước dù chưa nắm được giá đền bù giải phóng mặt bằng từ địa phương. Họ rất ủng hộ địa phương và hy vọng công tác triển khai dự án được thuận lợi" - ông Còn phấn khởi.
Theo ông Còn, đến nay thị xã Trảng Bàng đang đầu tư 1 khu tái định cư để thực hiện chủ yếu cho dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài. Theo quy hoạch, thị xã Trảng Bàng sẽ bố trí khu tái định cư quy mô 10,7ha, có khoảng 402 nền, chủ yếu để phục vụ cho dự án cao tốc TP HCM – Mộc Bài. Hiện nay, UBND thị xã Trảng Bàng đã quy hoạch và trình UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt dự án đầu tư, việc xây dựng hạ tầng khu tái định cư, địa phương này phấn đấu hoàn thành vào cuối quý II năm 2025. Ngoài ra, thị xã Trảng Bàng còn 2 khu tái định cư khác, khoảng 60-70 nền để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án.
"Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của dự án, đặc biệt là đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài sẽ mở ra 1 không gian rất lớn để thị xã Trảng Bàng nói riêng và Tây Ninh nói chung phát triển trong tương lai. Nhìn chung, người dân đều đồng thuận với chủ trương của nhà nước và công tác thực hiện của địa phương" - ông Còn thông tin.
Nguồn NLĐO