Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Người dân than ô nhiễm, cơ quan chức năng kết luận bảo đảm môi trường
Thứ hai: 07:31 ngày 31/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong khi người dân khổ sở sống chung với mùi hôi thối, kết quả khảo sát của cơ quan chức năng lại kết luận những cơ sở này bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường. Người dân xã Trường Đông mong muốn cơ quan chức năng quan tâm “tiếng nói” của họ và giải quyết triệt để những bức xúc kéo dài.

Khu vực chế biến của lò mì ông C.V.C rất nhếch nhác.

Trong những đợt tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội lẫn Hội đồng nhân dân các cấp tại huyện Hoà Thành, hay tại xã Trường Đông, hầu như lần nào cũng vậy, người dân đều phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường do các lò chế biến mì. Điều đáng nói là, trong khi người dân khổ sở sống chung với mùi hôi thối, kết quả khảo sát của cơ quan chức năng lại kết luận những cơ sở này bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường. Người dân xã Trường Đông mong muốn cơ quan chức năng quan tâm “tiếng nói” của họ và giải quyết triệt để những bức xúc kéo dài.

“Than trời” vì ô nhiễm

Hiện nay, trên địa bàn xã Trường Đông, huyện Hoà Thành có khá nhiều nhà máy mì, cơ sở chế biến mì, có nơi công suất chế biến củ hàng trăm tấn bột mì/ngày, nho nhỏ cũng tầm 20 tấn/ngày. Những cơ sở này thường xuyên bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường như bốc mùi hôi, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm...

Bà Trần Thị Thu Thuỷ - ngụ ấp Trường Lưu, xã Trường Đông bức xúc: “Cả ấp có gần 5-6 lò mì lớn nhỏ hoạt động, bao quanh nhà tôi toàn lò mì. Nguồn nước có mùi hôi tanh không sử dụng được. Vào ban đêm, lò mì hoạt động bốc mùi không chịu nổi”. Bà Thuỷ cho biết, gia đình bà có 3 cháu nhỏ, sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ của các cháu cũng như những người thân, bà quyết định bán đất với giá rẻ cho người khác để dọn đi nơi khác.

Theo bà Trang Thị Nhanh - ngụ cùng ấp, không chỉ gia đình bà mà nhiều hộ dân nơi đây cũng cùng cảnh ngộ, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng, dù có nấu chín vẫn không sử dụng được. Nhiều năm nay, người dân nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương và các chủ lò mì khắc phục tình trạng ô nhiễm nhưng vẫn chưa được giải quyết thoả đáng.

Một người dân chia sẻ, sau khi có kiến nghị của người dân, cơ quan chức năng xuống khảo sát và lấy mẫu nước đi kiểm nghiệm. Người dân này thắc mắc, không hiểu sao, các cơ quan chức năng chỉ lấy mẫu nước ở những hộ dân sống xa khu vực lò mì, không lấy mẫu ở những hộ gần. Kết quả kiểm nghiệm như thế nào, người dân cũng không hề biết.

Bà Mai Thị Quỳnh Hoa - ấp Trường Lưu cho biết, ngày nào cũng vậy, cứ tầm 7- 8 giờ tối là mùi hôi thối từ các lò mì bốc lên. Lúc này, nhà bà chỉ biết đóng cửa, không dám bước ra ngoài. Bà Hoa cho rằng, xung quanh đây có rất nhiều lò mì, ô nhiễm môi trường nhiều năm nay, người dân muốn phản ánh nhưng không biết chính xác lò nào là “thủ phạm”.

Một hộ dân khác sống gần lò mì của ông C.V.C - ấp Trường Phú, xã Trường Đông nói, cứ đến giờ cao điểm là bốc mùi hôi thối, nên làm sao người dân tin cơ sở bảo đảm các tiêu chí về môi trường? Nhưng khi người dân kiến nghị, cơ quan chức năng xuống kiểm tra, kết luận cuối cùng vẫn là… đạt chuẩn.

Thực tế tại lò mì của ông C.V.C vào chiều 29.12 cho thấy, nền gạch của lò mì ngổn ngang, nhếch nhác, khu vực chế biến cũ kỹ, dây điện chằng chịt, lại gần hầm xử lý nước thải. Phía ngoài khu vực này tồn đọng rất nhiều bã mì và nước thải lâu ngày, bốc mùi hôi thối.

Nước thải và bã mì tồn đọng lâu ngày quanh khu xử lý nước thải, gần khu vực chế biến bốc mùi hôi thối. Ảnh chụp tại lò mì gấm của ông C.V.C

Chủ lò mì: Do người dân… kiếm chuyện

Ông Đ.T.T - chủ lò mì ấp Trường Lưu, xã Trường Đông cho biết, công suất chế biến của cơ sở chỉ 18-20 tấn mì gấm/ngày. Khi người dân phản ánh nguồn nước bị ô nhiễm, cơ quan chức năng có xuống khảo sát và lấy mẫu nước đi kiểm nghiệm, kết quả là nước “chỉ bị” nhiễm phèn và yêu cầu người dân chịu khó lọc phèn để sử dụng.

Ông Đ.T.T cho rằng, ở khu vực này không chỉ có lò mì của ông mà còn nhiều cơ sở khác, công suất lớn hơn, nên việc người dân kiến nghị lò mì của ông gây ô nhiễm môi trường là không có căn cứ và không đúng.

Đối với trường hợp lò mì của ông C.V.C, khi cơ quan chức năng kết luận cơ sở này bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường, cử tri không đồng tình và tiếp tục phản ánh gay gắt, đề nghị cung cấp kết quả kiểm nghiệm lần cuối cùng ở thành phố Hồ Chí Minh và giải quyết dứt điểm bức xúc của người dân.

Chủ lò mì C.V.C thừa nhận, thời gian gần đây, cơ sở của ông có bị phản ánh, nhưng chỉ có một hộ dân chứ không còn ai khác (!?). Ông C cho rằng, hộ dân này thường xuyên… kiếm chuyện về vấn đề khác, chứ không phải chuyện ô nhiễm môi trường, vì cơ quan chức năng đã kết luận, lò mì của ông “đạt chuẩn”. Thế nhưng khi được hỏi về tình trạng nhếch nhác, hướng khắc phục như thế nào, ông tự tin trả lời rằng, cơ sở đã hoạt động hơn 20 năm nay, luôn tuân thủ các điều kiện về môi trường nên vẫn tiếp tục hoạt động.

Nghi vấn lén xả thải

Người dân xã Trường Đông nghi một số chủ lò mì đã cố tình xả nước thải lò mì chưa qua xử lý ra môi trường qua một kênh tiêu trên địa bàn ấp Trường Phú, rất cần cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ có hay không tình trạng này.

Theo hướng dẫn của người dân, chiều 29.12, phóng viên có mặt khu vực cuối hầm biogas của nhà máy. Ở đây có một hầm nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối, nhà máy gắn một ống dài đấu nối ra kênh tiêu. Ngoài ra, dọc nhà máy là con mương dài hơn 100m, có rất nhiều ống nhựa lớn, nhỏ được đấu nối ra ngoài, nước thải có màu trắng đục.

Ông D.M.N - chủ nhà máy chế biến mì tại ấp Trường Phú cho rằng, nước thải mà người dân phản ánh, cũng như phóng viên ghi nhận chỉ là nước mưa tồn đọng nhiều ngày và vẫn nằm trong khuôn viên của nhà máy, không ảnh hưởng đến môi trường và đặc biệt không chảy qua kênh tiêu (!?). Đồng thời, ống nhựa nối từ hầm nước thải - mà ông N cho rằng đó là nước mưa, dùng để xả nước thải đã được xử lý ra kênh tiêu. Ông N cũng cho biết, hiện ống nhựa đã không còn sử dụng.

Hệ thống xử lý nước thải của ông T gần khu dân cư, không che đậy, bốc mùi hôi thối.

Riêng những ống nhựa mà người dân phản ánh dùng để xả nước thải ra mương, ông N khẳng định nhà máy dùng để thải nước mưa ra ngoài, tránh gây sạt lở đất xung quanh hầm biogas. Ông nói thêm, để tránh gây bức xúc cho người dân về những vấn đề trên, nhà máy sẽ cho xe múc toàn bộ “nước mưa” tồn đọng nhiều ngày vào hầm xử lý biogas.

Trao đổi qua điện thoại, Chủ tịch UBND xã Trường Đông, huyện Hoà Thành cho biết, thời gian qua, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra các lò mì hoạt động trên địa bàn và kết luận bảo đảm các tiêu chí về môi trường. Các cơ sở này cũng có hệ thống xử lý nước thải, giấy phép xả thải…

Riêng về vấn đề người dân sinh sống gần các lò mì phản ánh nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, Chủ tịch UBND xã Trường Đông cho biết, qua khảo sát ngẫu nhiên của cơ quan chức năng, xã đạt tiêu chí nước sạch xây dựng xã nông thôn mới. Tuy nhiên, có một số khu vực, nguồn nước có độ pH cao.

Đối với việc người dân phản ánh các lò mì xả nước thải ra môi trường, xã chưa phát hiện và trong thời gian tới sẽ tổ chức kiểm tra để kịp thời xử lý.

Có ý kiến cho rằng, vì sao các lò mì tại khu vực xã Trường Đông được xác định bảo đảm môi trường, người dân vẫn liên tục phản ánh, đó chính là vấn đề mà ngành chức năng cần quan tâm, làm rõ, để chấm dứt những bức xúc kéo dài. Thế mới là “tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân”.

NHI TRẦN

 

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh