Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người dân “thắt lưng buộc bụng” trong cơn bão giá
Thứ hai: 00:07 ngày 11/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất hàng hoá và dịch vụ, nên khi giá xăng tăng hoặc giảm có tác động rất lớn tới mặt bằng giá cả thị trường.

Người thu nhập thấp gặp khó khăn khi giá hàng hoá tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh tăng lên mức kỷ lục. Mặc dù trong kỳ điều hành gần nhất, vào ngày 1.7, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm nhưng mức giảm quá ít. Trong khi đó, giá xăng, dầu tăng tác động trực tiếp đến hoạt động vận tải, làm tăng chi phí sản xuất, khiến cuộc sống của người dân thêm phần khó khăn.

Người dân thắt chặt chi tiêu, tiểu thương buôn bán ế ẩm

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất hàng hoá và dịch vụ, nên khi giá xăng tăng hoặc giảm có tác động rất lớn tới mặt bằng giá cả thị trường. Hiện nhiều sản phẩm hàng hoá, dịch vụ đã thiết lập mức giá mới, tăng từ 10%-30% so với thời điểm cuối năm 2021.

Thời gian gần đây, giá cả các mặt hàng nguyên liệu chế biến như gạo, đường, hạt nêm, trứng, cá, thịt và rau đều tăng theo giá xăng, dầu. Trong khi đó, thực khách đến quán ngày càng giảm. Để tiết giảm chi phí, giữ nguyên giá bán cho khách hàng, ông Hồ Thế Dũng, kinh doanh quán cơm tại xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành phải giảm người giúp việc. Hằng ngày, ông đều tự mình đến chợ mua thực phẩm về chế biến.

Theo ông Dũng, những thực khách của quán ông đều là người lao động phổ thông, thu nhập thấp, do vậy, ông phải tiết giảm chi phí và giảm lợi nhuận để giữ nguyên giá bán.

Chị Lê Thị Trường Phước, ngụ phường Long Thành Trung (thị xã Hoà Thành) cho biết, trước đây, bữa cơm gia đình chị thường có nhiều món. Tuy nhiên, trong tình hình thực phẩm tăng giá, cộng với chi phí sinh hoạt cũng đồng loạt tăng theo giá xăng, để bảo đảm cuộc sống của gia đình, mỗi bữa chị phải giảm số lượng thức ăn, chi tiêu dè sẻn hơn.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Hương- kinh doanh tạp hoá tại khu vực cửa 3, chợ Long Hoa, hiện nay một số mặt hàng tăng giá gấp đôi, như giá dầu ăn trước đây chỉ 18.000 đồng/lít thì nay lên đến hơn 40.000 đồng/lít; trứng vịt khoảng 3.500 đồng/trứng nay lên hơn 5.000 đồng/trứng… Còn ông Trần Quang Đạo- chủ cửa hàng tiện lợi, chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) nói, giá xăng dầu tăng quá cao dẫn đến hàng hoá nhập vào đều tăng, nên ông phải điều chỉnh tăng giá các mặt hàng. Giá cả tăng, người dân mua sắm tiết kiệm dẫn đến doanh số bán hàng bị giảm đến hơn 40% so với trước đây.

Nông dân thu hẹp sản xuất

Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng phi mã từ cuối năm 2020, đến nay, nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp thiết lập mặt bằng giá mới, cao hơn gấp đôi so với trước đây. Trước thực trạng trên, không ít nông dân quyết định thu hẹp quy mô sản xuất. Ông Võ Văn Teng, ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu có khoảng 100 ha đất nông nghiệp nhưng chỉ duy trì sản xuất được 10 ha, tức là chỉ 1/10 diện tích.

Theo ông Teng, trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 khiến nhiều mặt hàng nông sản không tiêu thụ được, nông dân phải đổ bỏ, không có vốn tái sản xuất. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất thường, mưa lớn diễn ra từ đầu năm, nên nông dân không dám xuống giống vì sợ ngập úng. Mặt khác, giá xăng dầu đã tăng đến hơn 33.000 đồng/lít khiến chi phí nhân công tăng cao, giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiếm hết lợi nhuận, nên ông không dám mạnh tay đầu tư sản xuất vì sợ lỗ.

Tại cánh đồng thuộc ấp Thanh Bình, xã An Bình, huyện Châu Thành có không ít diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không sản xuất vụ Hè Thu. Ông Nguyễn Văn Trung, ngụ ấp Thanh Bình cho biết, sau nhiều lần đắn đo, suy nghĩ, ông quyết định ngưng xuống giống hơn 2 ha lúa vụ Hè Thu vì giá phân bón, vật tư nông nghiệp, lúa giống đều đồng loạt tăng, các chi phí thuê mướn khác cũng tăng theo, càng làm càng lo bị lỗ.

Theo ông Trung, khi kết thúc vụ sản xuất lúa Đông Xuân 2021-2022, thời tiết diễn biến bất thường, xảy ra mưa lớn làm ngập cục bộ nhiều nơi, một số hộ phải gieo sạ lại đến hai, ba lần. Bên cạnh đó, giá xăng dầu liên tục tăng cao, kéo theo chi phí đầu vào cho cây lúa cũng tăng. Với giá lúa hiện tại, nông dân sản xuất sẽ không có lãi, thậm chí thua lỗ. Do đó, ông quyết định bỏ vụ, không sản xuất.

Nhiều nơi, nông dân bỏ ruộng vì chi phí đầu tư vào sản xuất quá cao, trong khi giá nông sản không tăng.

Nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ đời sống người dân

Theo ông Trần Công Lập- Bí thư Chi bộ, trưởng ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, đời sống người dân trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn, giá xăng dầu và các mặt hàng vật tư nông nghiệp tăng cao khiến cho nông dân sản xuất không có lãi, nhiều hộ buộc thu hẹp sản xuất, bỏ vụ. Nhiều lao động nông nghiệp chuyển sang đi bán vé số.

Ông Phan Quốc Huy- Phó Chủ tịch UBND xã Suối Đá cho biết, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND xã từ đầu năm tới nay, rất nhiều ý kiến cử tri phản ánh tình trạng khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân- nhất là các gia đình có thu nhập thấp. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp kéo giảm giá xăng dầu và các mặt hàng vật tư nông nghiệp.

Theo ông Đặng Thủ Thừa- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu, tình hình giá xăng dầu tăng cao trong thời gian qua đã kéo giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân tăng cao. Bên cạnh đó, các mặt hàng vật tư nông nghiệp cũng tăng giá gấp đôi, ảnh hưởng chi phí đầu tư và lợi nhuận sản xuất nông nghiệp của người dân. Trong khi giá bán các sản phẩm nông nghiệp đều không tăng, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn đầu ra, làm nông dân thua lỗ. Do đó, nhiều người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu, giảm chi phí sinh hoạt và sản xuất.

Để hỗ trợ người dân trong thời điểm khó khăn này, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở bán vật tư nông nghiệp, chống hàng gian, hàng giả. Đồng thời khuyến khích người dân tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong tỉnh, trong nước nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa. Đối với các nhóm yếu thế như hộ nghèo, cận nghèo, chính quyền địa phương phối hợp với MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp để hỗ trợ về nhu yếu phẩm, bảo đảm đời sống của người dân.

Theo ông Lê Hồng Vân- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành, đây là tình hình chung, không chỉ tại thị xã Hoà Thành mà còn diễn ra trên địa bàn tỉnh và cả nước. UBND Thị xã đã chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra giá cả và chất lượng các loại hàng hoá để phòng, chống hàng gian, hàng giả, chống đầu cơ tăng giá, không để người dân khó khăn thêm.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành Lê Hồng Vân kiến nghị Sở Công Thương có giải pháp thực hiện các chương trình bình ổn giá, chương trình khuyến công để các doanh nghiệp duy trì sản xuất; tổ chức các hội chợ thương mại để người dân tiếp cận hàng thiết yếu với giá bình ổn.

Nguyên An

Tin cùng chuyên mục