Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trảng Bàng:
Người dân tố giác nhiều đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng
Thứ hai: 06:19 ngày 19/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo phản ánh của một số hộ dân tại khu vực ngã tư An Bình (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) và ngã tư Cây Dương (xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng), trên địa bàn hiện đang có nhiều đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng... Người dân còn cung cấp tên và số điện thoại của khoảng 10 đối tượng cho vay.

VÒNG XOÁY NỢ NẦN

Qua tìm hiểu được biết, đa số những người cho vay lãi nặng không có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Hằng ngày, bọn chúng thường xuất hiện thời gian ngắn vào buổi sáng sớm và buổi chiều để đi đòi nợ. Hình thức cho vay phổ biến là trả tiền góp theo từng ngày. Tại khu vực hai ngã tư nêu trên, đối tượng mà bọn cho vay nhắm đến là tiểu thương tại các chợ.

Bọn cho vay lãi nặng thường tiếp cận “con mồi” bằng cách la cà làm quen, sau đó gợi ý, dẫn dắt tham gia vào tín dụng đen. “Mồi câu” phổ biến nhất là những tờ rơi, quảng cáo được dán khắp nơi với nội dung cho vay “siêu tốc”, không cần thế chấp, chỉ cần giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu.

Không chỉ các tiểu thương đang cần tiền xoay xở gấp bị “dính câu”, còn có những người nghiện cờ bạc và ma tuý - dù biết rõ thủ đoạn của bọn cho vay. Một số tiểu thương tại khu vực chợ ngã tư An Bình cho biết, khi vay tiền, họ đều biết lãi suất cao nhưng vẫn chấp nhận vay vì đang cần tiền để mua hàng hoá sau những ngày mưa gió buôn bán ế ẩm.

Lúc đầu, họ cũng dự tính vay nhanh, sau đó có tiền trả lại ngay. “Thủ tục vay đơn giản là điều kiện hấp dẫn, không ngờ quá trình trả tiền mới là những chuỗi ngày đầy phức tạp, áp lực, ám ảnh. Hôm nào buôn bán không được, không đủ tiền góp, bọn chúng liền chửi mắng văng tục, hăm doạ, thậm chí gợi ý sẽ tặng quan tài cho chúng tôi. Người vay thường lâm vào vòng xoáy nợ nần, lãi chồng lãi, trả nợ hoài không dứt” - bà H, một nạn nhân kể.

Bà T, một nạn nhân khác cho biết về mức lãi suất khủng như sau: con nợ vay 10 triệu đồng, mỗi ngày phải trả góp 500 nghìn đồng, trả dứt điểm trong vòng 25 ngày. Nếu con nợ trả góp 300 nghìn đồng/ngày, phải chấp nhận điều kiện bọn họ đưa ra là trả đến 40 ngày.

Sự thật, khi vay 10 triệu đồng, người vay chỉ nhận được số tiền gốc 8,2 triệu đồng, do bên cho vay chủ động trừ trước 2 ngày góp, cộng với 800 nghìn đồng tiền phí gọi là “chi cho cò riêng”. Như vậy, cứ vay 10 triệu đồng, nếu trả góp theo cách thứ nhất, trong vòng 25 ngày con nợ phải trả đến 13,3 triệu đồng, tức mức lãi suất 33%/25 ngày.

Nếu trả góp theo cách thứ hai, con nợ phải trả 12,8 triệu đồng/40 ngày, tức lãi suất 28%/40 ngày. Thông thường, trả góp theo cách nào là do bên cho vay ấn định. Ở cách thứ hai, các đối tượng cho vay thường áp dụng cho những người có thu nhập thấp, hoặc con nợ có dấu hiệu không đủ khả năng trả góp theo cách thứ nhất.

Bà B, một con nợ khác tiếp lời, trường hợp nếu bên vay không trả góp ngày nào thì “cúp lại” ngay ngày đó, chủ nợ sẽ tính thêm phí phát sinh tiền cò riêng đối với số tiền đang tồn, đồng thời cũng trừ trước 2 ngày tiền góp, lãi mới được tính tương ứng tuỳ theo số tiền chưa trả tất nợ.

Đến đây, đối tượng cho vay sẵn sàng “bơm” thêm tiền vốn. Lúc này, con nợ đang trong tình thế lệ thuộc nên… khó lòng từ chối. Cứ vậy, người vay khó thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn vay ít nhưng ngày càng trả nhiều. Đơn cử như trường hợp của bà H, ban đầu bà chỉ vay 5 triệu đồng, sau nhiều lần “đúp lại”, bà đành chọn cách vay tiền của đối tượng này để trả cho đối tượng kia. Cuối cùng, bà H đang nợ tổng số tiền khoảng 100 triệu đồng, mỗi ngày phải “gồng mình” trả góp 5 triệu đồng.

“Nếu chậm trả là không thể sống yên ổn. Các đối tượng cho vay đều biết rõ nhà và người thân của tôi. Nhiều lần, bọn chúng vừa chạy xe đến cổng nhà, tôi đã nghe tiếng mắng chửi văng tục thị uy, dằn mặt của chúng. Thậm chí, bọn họ còn buông lời đe doạ chém giết, “tặng hòm”… Tôi thật sự rất khủng hoảng và bế tắc” - bà H tuyệt vọng.

Bà B cho biết thêm, sở dĩ con nợ không dám trình báo công an địa phương là vì các đối tượng cho vay hăm doạ: “Nếu chúng mày dám báo công an, sẽ nhận lấy hậu quả tức thì”. Đến lúc nhiều con nợ không thể chịu đựng thêm được nữa, mới họp bàn với nhau chọn cách viết thư nặc danh gửi đến Công an huyện... “Rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc giúp đỡ những nạn nhân lỡ dính vào đường dây cho vay lãi nặng như chúng tôi. Vay tiền thì phải trả, nhưng chúng tôi thật sự không còn kham nổi mức lãi suất quá cao như vậy” - bà B trình bày.

CẦN CẢNH GIÁC

Ngày 13.11.2018, ông Đặng Viết Chung - Trưởng Công an xã An Tịnh cho biết, hiện Công an xã chưa nhận được tin báo nào có liên quan đến vấn đề cho vay lãi nặng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không nên tham gia vào các hình thức cho vay “siêu tốc” không cần thế chấp tài sản.

Ngoài ra, UBND xã còn cho lực lượng đi thu gom các tờ rơi, gỡ bỏ quảng cáo dán bừa bãi có nội dung liên quan đến việc cho vay. Trung tá Võ Văn Châu - Đội trưởng Đội hình sự Công an huyện Trảng Bàng cho hay, đơn vị này đã nhận được đơn tố giác của người dân tại khu vực nêu trên, đang điều tra làm rõ.

Trung tá Châu khuyến cáo, tình trạng cho vay lãi nặng đang diễn biến phức tạp, người dân cần cảnh giác với các kiểu cho vay đơn giản hoá thủ tục được dán bừa ở nhiều nơi. Khi phát hiện đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng, hoặc đang là nạn nhân của những đối tượng này, cần mạnh dạn trình báo cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Tại cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh diễn ra vào ngày 16.11, theo dự thảo báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, trước diễn biến phức tạp của loại tội phạm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, tín dụng đen trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp đấu tranh, và đã chỉ đạo mở đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp loại tội phạm này trong thời gian 2,5 tháng.

Từ đầu năm đến nay, phát hiện và bắt 7 vụ, 27 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng, bắt giữ người (con nợ) trái pháp luật. Trong đó, đã khởi tố 3 vụ, 8 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng và bắt giữ người trái pháp luật. Hiện tại, Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý các vụ còn lại.

Cũng theo báo cáo, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Cụ thể, thông qua hoạt động cho vay tính lãi hằng ngày, lãi suất cộng lại trong 1 tháng là rất cao (từ 15% đến 17%/tháng, tính ra 1 năm lãi suất trên 100%).

Công an huyện Tân Châu bắt, khởi tố 1 vụ, 2 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Công an huyện Gò Dầu bắt, xử lý hình sự 2 vụ, 6 đối tượng về hành vi bắt giữ người trái pháp luật; Công an thành phố Tây Ninh triệt phá 2 vụ, 10 đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng; Công an huyện Dương Minh Châu bắt 3 vụ, 9 đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng và đang điều tra làm rõ.

Báo cáo cũng nêu rõ, việc xử lý hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự còn gặp khó khăn. Theo đó, do chưa có hướng dẫn cụ thể, Cơ quan điều tra và Viện KSND chưa thống nhất quan điểm về cách tính thu tiền lãi bất chính, nên việc xử lý hình sự đối với tội danh này chưa thực hiện được.

Vấn đề là ở chỗ, các đối tượng cho vay lãi nặng luôn chủ động “lách luật” để né tránh hành vi phạm pháp. Cụ thể, bọn chúng không bao giờ cho một con nợ vay với số tiền lớn, mà chia ra cho nhiều con nợ vay, làm sao cho số tiền chiếm đoạt bất chính không rơi vào khung quy định để bị xử lý hình sự.

Đối tượng cho vay lãi nặng thường chỉ thoả thuận miệng, hoặc nếu có làm hợp đồng (viết tay, đánh máy), các điều khoản đều được chúng chuẩn bị soạn sẵn. Các loại hợp đồng kiểu này thường có nội dung không rõ ràng, không ghi thời hạn vay hay mức lãi suất cụ thể, phần bất lợi đều nghiêng về phía bên vay.

Đáng nói, chỉ có chủ nợ là người được giữ hợp đồng vay tiền. Mỗi lần trả tiền góp, con nợ tự ghi nhớ hoặc ghi vào sổ tay của riêng mình, nhưng chủ nợ không bao giờ ký xác nhận vào đó nên khi cơ quan chức năng phát hiện, khó có chứng cứ để xử lý chúng.

MINH QUỐC

Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất vay như sau: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận: Trường hợp các bên có thoả thuận về lãi suất thì lãi suất theo thoả thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác… Trường hợp lãi suất theo thoả thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

 

Tin cùng chuyên mục