Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người dân trông chờ giải quyết việc định cư trong khu vực Thành Bảo Long Giang
Thứ bảy: 00:13 ngày 24/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 1998, Thành Bảo Long Giang (hiện toạ lạc ấp Bảo, xã Long Giang, huyện Bến Cầu) được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh và được khoanh vùng bảo vệ với diện tích 12.330m2. Hiện nay, di tích này đang được trùng tu nhưng còn một số hộ dân chưa di dời.

Hạng mục cổng, hàng rào Khu di tích Thành Bảo Long Giang cơ bản đã hoàn thành.

Mòn mỏi đợi chờ

Trước khi khu di tích này được quy hoạch, đã có một số hộ dân làm ăn sinh sống trong khuôn viên của Thành Bảo và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Cụ thể, bà Trịnh Thị Hia, sinh năm 1914, được UBND huyện Bến Cầu cấp giấy CNQSDĐ với diện tích 2.509m2. Khi còn sống, bà Hia đã làm di chúc chia phần đất này cho các người con. Tuy nhiên, vì Thành Bảo được khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử - văn hoá nên hơn 20 năm nay, tất cả con của bà Hia không làm thủ tục tách “sổ đỏ” được.

Sau khi bà Hia qua đời, 4 người con của bà lần lượt cất nhà ở riêng trên phần đất này. Hiện nay, đến lượt cháu bà Hia lập gia đình, ra ở riêng cũng trong khuôn viên Thành Bảo Long Giang.

Những hộ dân này mở quán bán nước giải khát, bán cơm, thuốc tây… tạo thành một cụm dân cư nhộn nhịp trong khu vực Thành Bảo.

 Bà Trần Thị Nhuận, 70 tuổi- một trong những người con của bà Trịnh Thị Hia- hiện là chủ một quán cà phê trong khuôn viên Thành Bảo Long Giang chia sẻ, người dân sống ở đây rất khổ sở, nhà cửa xuống cấp, muốn xây cất lại căn nhà khác cũng không được. Vừa rồi, đứa cháu ở bên cạnh sửa chữa lại quán cho sạch sẽ, bị chính quyền địa phương đến nhắc nhở.

Hiện nay, đa số gia đình ở đây đều muốn Nhà nước tạo điều kiện ở lại đây, chứ không muốn đi nơi khác. “Ở đây từ nhỏ đến giờ quen rồi. Nếu di dời đi nơi khác, không biết làm gì để sống”- bà Nhuận nói.

Một hạng mục đã thi công xong trong Khu di tích Thành Bảo Long Giang.

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, sinh năm 1970, hiện ngụ phía Tây Thành Bảo trình bày, gia đình ông sử dụng 810,7m2 đất gồm các thửa 247, 248 tờ bản đồ số 24 xã Long Giang, toạ lạc tại ấp Bảo, xã Long Giang.

Nguồn gốc phần đất này là của ông ngoại tên Trần Văn Kiếm và bà ngoại tên Trịnh Thị Hia khai phá, trồng lúa từ trước năm 1975 để lại, ông Ẩn cất nhà tường và cư ngụ ổn định đến nay. Gia đình ông được Nhà nước cấp số nhà, cấp sổ hộ khẩu, cho phép sử dụng điện lưới quốc gia.

Từ năm 1997 đến năm 2011, ông thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đất cho chính quyền địa phương. Từ tháng 11.2020 đến tháng 3.2021, chính quyền địa phương nhiều lần mời gia đình ông Ẩn đến trụ sở UBND xã, huyện để thông báo chủ trương xây dựng Thành Bảo Long Giang.

Ông Ẩn nói: “Tôi không phản đối chủ trương xây dựng lại Khu di tích lịch sử Thành Bảo Long Giang, tôi chỉ yêu cầu UBND huyện Bến Cầu bồi thường nhà đất, hỗ trợ hoa màu, vật kiến trúc trên đất cho gia đình”.

Cần có phương án giải quyết dứt điểm

Năm 2019, UBND huyện Bến Cầu có Tờ trình số 493 gửi UBND tỉnh và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) xem xét điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích Thành Bảo Long Giang theo 2 phương án.

Phương án 1, điều chỉnh diện tích khoanh vùng giảm còn 4.670,4m2, chỉ trùng tu phần di tích phía Tây bờ thành. Với các lý do, trong diện tích khoanh vùng di tích có đường tỉnh lộ 786 chạy ngang và là trục đường chia cắt di tích Thành Bảo Long Giang làm 2 phần riêng biệt gây khó khăn trong việc phục dựng, trùng tu về sau và gây mất an toàn giao thông khi người dân lưu thông qua khu vực di tích.

Hiện tại, di tích phía bờ Đông còn nhiều hộ dân sinh sống với diện tích khá lớn (khoảng hơn 6.000m2) cần có nguồn kinh phí lớn đền bù và di dời người dân đến khu vực tái định cư. Vì vậy, tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4 hộ dân.

Khuôn viên Khu di tích Thành Bảo Long Giang được làm mới.

Phương án 2, bờ thành phía Đông, có nhiều hộ dân sinh sống từ lâu (trước khi có quyết định xếp hạng di tích) nên tổ chức đền bù, di dời những hộ dân này ra khỏi di tích. Đồng thời lập hàng rào bảo vệ và trùng tu lại bờ thành bị thay đổi hiện trạng.

Tuy nhiên, huyện đang gặp khó khăn trong việc thực hiện phương án này với một số lý do: nguồn kinh phí đền bù, di dời các hộ dân ra khỏi đất di tích đến khu vực tái định cư huyện khó thực hiện được. Chưa có đất công để di dời các hộ dân. Kinh phí đền bù, trùng tu, phục dựng di tích quá lớn. Sau khi trùng tu, phục dựng di tích thì sức lan toả về giá trị lịch sử văn hoá không cao vì định hướng phục dựng của địa phương là chỉ trùng tu lại miếu thờ, phục dựng lại bờ thành tứ diện để người dân tham quan, sinh hoạt tìm hiểu lịch sử di tích.

UBND huyện Bến Cầu đề nghị UBND tỉnh, Sở VH,TT&DL thống nhất cho chủ trương chọn phương án 1 (khoanh vùng thu hẹp về phía Tây của di tích, diện tích 4.670,4m2) và cấp giấy CNQSD đất các hộ dân còn lại đối với di tích Thành Bảo Long Giang để an cư, ổn định phát triển kinh tế.

Ngày 22.10.2020, Sở VH,TT&DL có Tờ trình số 155 gửi UBND tỉnh với nội dung, từ tình hình thực tế trên và căn cứ hồ sơ xếp hạng di tích, nhận thấy: phần phía Đông bờ thành của di tích có 4 hộ dân, phần phía Tây bờ thành có 2 hộ dân, các yếu tố gốc của di tích hiện chủ yếu nằm ở phía Tây bờ thành; vì vậy, Sở VH,TT&DL thống nhất theo phương án đề nghị của UBND huyện Bến Cầu, trình UBND tỉnh điều chỉnh diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích Thành Bảo Long Giang, từ 12.330m2 xuống còn 4.999,5m2.

UBND huyện Bến Cầu tổ chức việc cắm mốc giới tại thực địa di tích Thành Bảo Long Giang theo diện tích đã được điều chỉnh. Sớm tiến hành đền bù 2 hộ dân ở phía Tây bờ Thành để tiến hành tu bổ tôn tạo di tích Thành Bảo Long Giang và thông báo cho các hộ dân sống tại khu vực phía Đông bờ thành biết để họ ổn định cuộc sống.

Một lãnh đạo Văn phòng UBND huyện Bến Cầu cho biết: “Hiện nay, còn một số hạng mục chưa thể thực hiện được, do còn một hộ dân lấn chiếm xây dựng nhà ở trên đất quy hoạch di tích chưa tự nguyện di dời. Đối với trường hợp này, huyện đã có chủ trương xử lý theo quy định của pháp luật”.

Đối với phía Đông tỉnh lộ 786, Văn phòng UBND huyện cũng cho hay, UBND huyện đang xin chủ trương UBND tỉnh khoanh vùng thu hẹp, từ 12.330m2 còn lại 4.999,5m2 (chỉ còn khu vực phía Tây tỉnh lộ 786). Sau khi có chủ trương của UBND tỉnh, UBND huyện sẽ thực hiện theo quy định.

Như vậy, đến nay, các hộ dân đang cư ngụ trong Khu di tích Thành Bảo Long Giang vẫn phải tiếp tục chờ chủ trương của UBND tỉnh mới biết được tiếp tục ở lại trong khu quy hoạch Thành Bảo hay di dời đi nơi khác làm ăn sinh sống.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục