Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người đầu bếp nhân hậu
Thứ năm: 18:26 ngày 15/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Suốt 6 năm qua, anh Võ Văn Sâu (sinh năm 1974)- bếp trưởng Bếp ăn tình thương Hội Chữ thập đỏ xã Chà Là (huyện Dương Minh Châu) vẫn luôn miệt mài nấu ăn cho những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn.

Anh Võ Văn Sâu- bếp trưởng Bếp ăn tình thương Hội Chữ thập đỏ xã Chà Là.

Nói về cái duyên đưa mình đến với việc nấu ăn từ thiện, anh Sâu kể, trước đây, anh cũng từng tham gia khá nhiều hoạt động từ thiện cùng với bạn bè. Từ các chuyến từ thiện này, anh được tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh nghèo khổ, thiếu thốn đến nỗi không có được một bữa ăn đàng hoàng. Xúc động trước tình cảnh đó, anh Sâu đã kêu gọi người thân và bạn bè cùng nhau tổ chức hoạt động của bếp ăn từ thiện.

Và Bếp ăn tình thương của người đàn ông nhân hậu này bắt đầu hoạt động. Tinh thần thiện nguyện của anh Sâu lan toả, truyền cảm hứng cho những thành viên khác trong nhóm. Không ai bảo ai, mỗi người đều hăng hái, nhiệt tình với niềm vui mang những phần ăn ấm áp, đầy sự sẻ chia đến với những người còn gặp khó khăn trong cuộc sống.

Mỗi tháng, Bếp ăn tình thương của anh Sâu cung cấp gần 600 phần cơm cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu. Nhóm còn đều đặn duy trì mỗi tháng 3 ngày tổ chức nấu ăn cho các cụ già neo đơn, trẻ em mồ côi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và các cụ già neo đơn tại Dưỡng lão đường Quy Thiện (xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành).

Mỗi phần ăn không có gì cầu kỳ, chỉ đơn giản là cơm canh đạm bạc hay các món quen thuộc như hủ tiếu, bánh canh. Nhưng hơn cả là tấm lòng của những con người mang đến sự sẻ chia. Ðối với những bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, những phần ăn này thực sự đáng quý, giúp họ vượt qua những khó khăn trước mắt. Còn đối với những cụ già neo đơn hay các em nhỏ mồ côi, đây là một hành động ấm áp, động viên tinh thần, giúp họ cảm thấy được an ủi nhờ sự quan tâm, san sẻ của những tấm lòng trong xã hội.

Anh Sâu nói: “Bản thân tôi cũng không giàu có gì, nhưng tôi có sức khoẻ và có cái tâm muốn làm từ thiện. Tôi chỉ cố gắng giúp được người ta phần nào hay phần đó”. Bếp ăn hoạt động trên tinh thần thiện nguyện tuỳ tâm của mỗi người, người có tiền góp tiền, có gạo góp gạo, hay chỉ cần bỏ công sức nấu nướng để đem những phần ăn ấm áp nghĩa tình đến với người thực sự cần.

Ðến nay, Bếp ăn tình thương duy trì được số lượng thành viên ổn định với 10 người thường xuyên tham gia những buổi nấu ăn từ thiện. Thấy hoạt động ý nghĩa, đầy tính nhân ái, bà con tiểu thương buôn bán tại chợ cũng góp thêm chút ít nguyên vật liệu, rau củ quả hoặc nhiệt tình giúp đỡ, cung cấp đồ ngon cho những phần ăn sung túc, chất lượng hơn.

Nhờ tay nghề của người làm dịch vụ nấu nướng đám tiệc, những suất ăn do anh Sâu mang đến cho mọi người không những an toàn, hợp vệ sinh mà còn rất ngon lành. Nhiều người cứ tấm tắc khen ngợi và trông chờ những suất ăn của nhóm- nhất là các cụ già neo đơn. Những năm qua, anh Sâu đã trở nên thân thuộc với họ và được gọi bằng cái tên thân thương: anh Út Chà Là. Các cụ luôn trông chờ ngày anh và cả nhóm đến nấu nướng để thưởng thức những món ăn ngon lành. Những lời chào hỏi ân cần, nụ cười và cái bắt tay cảm ơn của các cụ dành cho mọi người trong nhóm trở thành một phần thưởng xứng đáng cho công sức và tấm lòng nhân ái.

“Biết các cụ trông chờ mình đến nấu ăn, nên lúc nào bận đột xuất lắm tôi mới dám ngưng hoạt động. Nhiều lúc bệnh cũng phải ráng đi, vì sợ các cụ chờ mà không thấy sẽ buồn lắm”- anh Sâu nói. Bên cạnh việc đứng ra tổ chức duy trì hoạt động của Bếp ăn tình thương, anh Sâu còn là một mạnh thường quân thường xuyên đóng góp cho các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ tại địa phương, tổ chức các hoạt động nhân ái dành cho người nghèo như thăm hỏi, tặng quà, tặng thẻ bảo hiểm y tế.

Anh Sâu còn tham gia hiến máu nhân đạo gần 40 lần. Tết năm nào cũng vậy, anh Sâu đều cố gắng tổ chức một bữa tiệc chay tại nhà để mời những người có hoàn cảnh khó khăn đến dự và trao quà cho họ.

Anh Sâu tâm sự: “Ðiều tôi luôn trăn trở, day dứt là nhiều khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, khổ quá mà sức mình có hạn nên chỉ giúp được phần nào”.

Hoà Khang

Tin cùng chuyên mục