Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhiều người ham rẻ, mua phải đồ công nghệ kém chất lượng hoặc hàng nhái, nhưng phần lớn chọn cách im lặng.
Thông qua một fanpage Facebook, anh Lê Thành (Khánh Hòa) mua được chiếc đồng hồ thông minh với vỏ hộp ghi nhãn hiệu Apple Watch với giá 390.000 đồng và chi phí vận chuyển 20.000 đồng. "Sau khi nhận hàng và mở hộp, tôi té ngửa vì chiếc đồng hồ chỉ hiển thị dạng LED như đồ chơi trẻ con. Tôi lập tức liên lạc với shop thì bị chặn tin nhắn", anh Thành kể.
Sau khi tháo rời bên trong, chiếc đồng hồ không có gì ngoài tấm mạch nhỏ kèm màn hình LED hiển thị, không hề có công năng gì ngoài việc hiển thị giờ, cũng không có các tính năng thông minh như đồng hồ Apple thật. Theo một chủ cửa hàng bán thiết bị điện tử trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP HCM), những thiết bị dạng này được sản xuất hàng loạt tại Trung Quốc, bán theo "cân ký" và nhập về theo đường tiểu ngạch.
Chiếc đồng hồ Apple Watch được quảng cáo (bên trái) và sau khi mua về (bên phải). Ảnh: Lê Thành.
Chị Lê Phượng (TP Huế, Thừa Thiên Huế) cũng đặt mua một chiếc iPhone X với giá chỉ 2,5 triệu đồng trên một website được quảng cáo "chuyên iPhone xách tay". Thế nhưng khi "đập hộp", thiết bị yêu cầu đăng nhập tài khoản Google để vào cửa hàng Play thay vì iCloud hay App Store. "Tham khảo người quen am hiểu điện thoại, tôi mới biết đây là iPhone nhái chạy Android", chị Phượng kể lại.
Các chủ cửa hàng bán iPhone xách tay tại TP HCM cho hay, những chiếc iPhone nhái với giá chưa bằng một phần mười hàng thật, có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là những sản phẩm kém chất lượng, người dùng khi sử dụng sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có việc cháy nổ bất ngờ.
Không chỉ các thiết bị điện tử, phụ kiện công nghệ cũng bị làm nhái và bán tràn lan tại Việt Nam. Anh Lê Phong (quận Bình Thạnh, TP HCM) tháng trước đặt hàng mua một chiếc đèn bàn có tích hợp đế sạc không dây trên một trang thương mại điện tử với giá gần một triệu đồng. "Những thiết bị có cùng công năng trên thị trường có giá cao gấp đôi. Tôi nghĩ bỏ tiền triệu thì chất lượng cũng phải xứng đáng", anh Phong kể. Tuy vậy, tất cả những gì nhận được khiến anh thất vọng: một chiếc đèn có thiết kế sơ sài, hỗ trợ cổng USB để sạc nhưng việc nạp điện khá chập chờn, lúc được lúc không.
Đinh Bình tại Hà Nội chia sẻ, anh cũng đặt mua một chiếc ổ cắm gắn camera quan sát bên trong với giá gần hai triệu đồng. Tuy nhiên, những gì anh nhận được lại là một ổ cắm bình thường với giá vài chục nghìn đồng ngoài thị trường. Cuối cùng, anh phải dùng chiếc ổ cắm "đắt đỏ" mà không thể chia sẻ với ai do đây là mặt hàng "nhạy cảm".
Những năm gần đây, với sự phát triển của mạng xã hội, website thương mại điện tử, rao vặt, thói quen mua sắm hàng online tại Việt Nam cũng tăng lên. Các gian thương cũng tận dụng cơ hội này để bán hàng giả, nhái hoặc kém chất lượng. Những người từng bị lừa ở trên đều cho biết, họ chắc chắn sẽ không lựa chọn nếu xem sản phẩm đó ở cửa hàng.
Theo chuyên gia công nghệ Phạm Hồng Phước, việc mua đồ công nghệ online với giá rẻ hơn cửa hàng là bình thường, nhưng nếu rẻ hơn hàng chục lần lại là điều bất thường, nguy cơ lừa đảo cũng từ đó mà tăng lên. Đó có thể là hàng giả, hàng nhái, thậm chí bị đánh tráo một thiết bị rẻ tiền hơn.
Trịnh Thế Duy, một người làm trong lĩnh vực marketing online tại TP HCM chia sẻ, việc bán hàng giả, hàng nhái trên mạng đã có từ khoảng 10 năm qua, nhưng nở rộ trong 3 - 5 năm gần đây nhờ sự phát triển của các trang thương mại điện tử. Anh Duy cho rằng, tâm lý của nhiều người gặp phải đồ công nghệ giả, hàng nhái thường đưa ra lựa chọn vứt thiết bị đã mua, thay vì truy cứu trách nhiệm của cửa hàng và các bên liên quan. Điều này đã tiếp tay cho những kẻ làm ăn gian dối.
Như các trường hợp trên, người mua đều vứt bỏ thiết bị đã mua, hoặc không sử dụng. "Tôi coi như là một trải nghiệm mua online thôi. Thủ tục đổi trả lằng nhằng, mất thời gian và kèm nhiều phiền phức mà chưa chắc đã lấy lại được tiền, trong khi số tiền cũng không quá lớn", anh Thành nói. Trong khi đó, chị Phượng tìm cách trả lại sản phẩm do giá trị mặt hàng lớn. Nhưng khi gọi điện, cửa hàng không bắt máy. Khi kiểm tra bản đồ, địa chỉ cửa hàng cũng không tồn tại. "Sau đợt này, tôi gần như mất lòng tin và việc mua đồ điện tử online", chị Phượng chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của anh Duy, trước khi mua sản phẩm trên mạng, người dùng cần đánh giá uy tín cửa hàng online trước khi nhấn nút đặt hàng bằng các thông tin cơ bản, như tên tuổi, địa chỉ công ty, đánh giá của những người mua hàng trước đó. Khi mua đồ công nghệ, tốt nhất là đến nơi trải nghiệm để tránh việc không ưng ý, có thể nhờ người am hiểu đi cùng để tư vấn.
Nguồn VNE