Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
LUẬT AN NINH MẠNG CÓ HIỆU LỰC:
Người dùng mạng xã hội không được thông tin sai sự thật
Thứ tư: 16:21 ngày 02/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để làm rõ thêm một vài điều, phóng viên Báo Tây Ninh có cuộc trao đổi ngắn với ông Trịnh Ngọc Phương (ảnh), đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Tân Biên. ​

Ngày 1.1.2019, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực. Không phải chờ đến khi có hiệu lực, trong quá trình xây dựng, dự án Luật An ninh mạng đã thu hút sự quan tâm vô cùng đặc biệt của dư luận xạ hội. Có thể nói không quá rằng, bất kỳ người nào biết dùng điện thoại di động cũng quan tâm đến dự án luật này.

Dù một số điều của Luật An ninh mạng còn phải chờ nghị định hướng dẫn, song, kể từ nay, bất kỳ ai cũng phải thận trọng, chừng mực khi tham gia mạng xã hội. Để làm rõ thêm một vài điều, phóng viên Báo Tây Ninh có cuộc trao đổi ngắn với ông Trịnh Ngọc Phương, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Tân Biên. 

Phóng viên: Ngày 1.1.2019, Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu lực. Từ 43 điều được quy định trong Luật An ninh mạng, một số phương tiện thông tin đại chúng đã “tổng hợp” thành các nhóm hành vi bị cấm khi sử dụng mạng xã hội.

Ðơn cử một số hành vi bị cấm kể từ ngày 1.1.2019: Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác…

Quy định như vừa nêu, rõ ràng Luật An ninh mạng đang bảo vệ người dùng mạng xã hội, đồng thời lưu ý người dùng mạng xã hội một cách có văn hoá, có trách nhiệm. Quan điểm của ông như thế nào về những quy định đó?

 

 

 

Ông Trịnh Ngọc Phương: Ðó chính là vấn đề Luật An ninh mạng đặt ra. Tôi cho rằng chúng ta đang “loạn” mạng xã hội. Những thông tin vô thưởng, vô phạt làm mất đi tính chân thật cũng như  một  phần nào đó bản chất con người Việt Nam. Phải nói rõ điều này, mạng xã hội tạo điều kiện cho chúng ta trong quá trình toàn cầu hoá, thông tin được cập nhật xuyên suốt.

Tuy nhiên, cũng có một bộ phận không nhỏ chưa có trách nhiệm khi dùng mạng xã hội, họ xem mạng xã hội là không gian riêng của mình, chỉ thích bày tỏ cho hết những suy nghĩ của mình mà không ý thức được rằng, việc “chém gió” quá đà đó mang đến hệ lụy cho nhiều người. Ðó chính là nét văn hoá nhưng ít người quan tâm. Tôi cho rằng, khi bày tỏ quan điểm nên dùng những thuật ngữ đơn giản, dễ hiểu và có văn hoá, không nên mang tính phỉ báng hay xúc phạm người khác.

Phóng viên: Ngày 29.12.2018, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo, ông Trần Quốc Vượng- Thường trực Ban Bí thư Trung ương Ðảng (được báo chí dẫn lời) yêu cầu phải đặc biệt quan tâm, tăng cường quản lý mạng xã hội. Bởi vì mạng xã hội không phải là ảo nữa mà là đời sống thực tế, tác động rất lớn đến đời sống, tư tưởng. Chúng ta phải biết để sống với nó, để quản lý, định hướng. Thường trực Ban Bí thư cũng nhìn nhận, mạng xã hội là thành quả của cách mạng khoa học kỹ thuật được cả thế giới áp dụng, nhưng cả thế giới cũng đang đứng trước thách thức của sự phát triển mạng xã hội đem lại chứ không riêng Việt Nam.

Ông Trần Quốc Vượng cũng cho rằng, một số cuộc gây rối tại nước ta hồi tháng 6.2018 cũng như phong trào “áo vàng” ở Pháp vừa qua đều bắt nguồn từ những lời kêu gọi, kích động trên mạng xã hội. Với cương vị đại biểu Quốc hội, là người bỏ phiếu tán thành Luật An ninh mạng, ông có bình luận gì về ý kiến của Thường trực Ban Bí thư?

Ông Trịnh Ngọc Phương: Tôi đồng thuận cao với ý kiến của Thường trực Ban Bí thư. Là ÐBQH, tôi rất hiểu trong quá trình tham gia góp ý cho luật những vấn đề trên là vấn đề cốt lõi để đi đến thống nhất. Bởi vì, mạng xã hội bây giờ như đời thực bên ngoài. Vì thế, người dùng muốn bày tỏ ý kiến gì cũng nên hiểu rõ vấn đề, đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn tin cậy như báo chí chính thống hay cổng thông tin của các cơ quan chức năng... Do vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho người dân biết để họ hiểu đúng, làm đúng.

Phóng viên: Mới đây, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2019 (đúng ngày Luật An ninh mạng có hiệu lực). Phát biểu trước báo giới, lãnh đạo Hội Nhà báo nhìn nhận, người làm báo cung cấp thông tin, dẫn dắt dư luận xã hội nên ý kiến của nhà báo khác với ý kiến của người bình thường. Tạm hiểu là, ở trong một chừng mực nào đó, người làm báo chuyên nghiệp ít nhiều có ảnh hưởng đến dư luận xã hội. Vi vậy, bộ quy tắc sẽ giúp cho nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của mình khi tham gia mạng xã hội. Là đại biểu Quốc hội, tiếp xúc nhiều với báo giới, các cơ quan truyền thông, ông nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm xã hội của nhà báo cũng như việc họ tham gia mạng xã hội? Theo ông, việc ban hành bộ quy tắc có cần thiết không và có điều chỉnh được hành vi sử dụng mạng xã hội của nhà báo không? 

Ông Trịnh Ngọc Phương: Theo tôi được biết, sau khi Hội Nhà báo Việt Nam ban hành “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”, được dư luận đánh giá cao (đặc biệt là Ðiều 5). Nay, Hội tiếp tục ban hành bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội, tôi đồng tình cao với việc làm của Hội Nhà báo Việt Nam về những nội dung đã được đưa ra  với nhiều điểm mới. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến những điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội.

Ðây là một vấn đề đang được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. Mạng xã hội, phổ biến là facebook, đó là diễn đàn tự do của hàng triệu con người, các thông tin được cập nhật đa chiều giúp chúng ta có một cái nhìn khách quan, toàn diện hơn. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng ít nhiều có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí.

Nhiều nhà báo bị chi phối bởi áp lực tin bài, áp lực thời gian đã bỏ qua khâu quan trọng nhất là kiểm chứng độ xác thực của thông tin. Ðiều đó đã gây hệ luỵ không nhỏ tới sự ổn định của xã hội, làm suy giảm lòng tin đối với báo chí và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Theo tôi, việc ban hành bộ quy tắc là cần thiết để điều chỉnh hành vi sử dụng mạng xã hội của nhà báo.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Ð.V.T

 (thực hiện)

Một số hành vi bị cấm khi tham gia mạng xã hội:

- Sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; các hoạt động chống nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

- Thực hiện chiến tranh mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

- Sản xuất, sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

- Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hoá trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

- Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi. 

- Hành vi khác sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc vi phạm quy định của luật này.

Tin cùng chuyên mục