Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người gây bạo lực gia đình sẽ bị phạt lao động công ích
Thứ tư: 08:56 ngày 17/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các hành vi vợ lấy luôn thẻ ATM của chồng, chồng không nghe điện thoại của vợ, ép con học thêm, học nhồi… có thể bị coi là bạo lực gia đình.

Ngày 16-8, tại phiên họp chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ, sửa đổi).

Không nghe điện thoại của vợ có phải là bạo lực?

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết ông băn khoăn về các hành vi được xem là BLGĐ như “ngăn cản thành viên gia đình ra khỏi nhà, gặp người thân, quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh”.

Ông Cường dẫn chứng trường hợp có con, cháu 16-17 tuổi, cuối tuần không chịu học mà muốn đi chơi, đi phượt. “Quan hệ xã hội đi du lịch rất lành mạnh nhưng cháu nghỉ học, gia đình, cha mẹ không cho đi. Nếu cháu tố cáo bị BLGĐ thì có phải hay không?” - ông Cường đặt vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường (bên phải) và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hộiNguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Cường cũng nêu trường hợp con cái cán bộ, đảng viên muốn kết hôn với người nước ngoài, cha mẹ ngăn cản, không đồng ý có phải là BLGĐ?

Một điều khoản cũng gây nhiều tranh luận là cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức. “Trên đất nước Việt Nam bây giờ, rất nhiều cha mẹ ngoài việc con đi học ở trường còn có học thêm, hết ở trường lại chạy đến nhà thầy cô học thêm suốt” - ông Cường nói và băn khoăn những hành vi này khi bị tố cáo sẽ xử lý thế nào.

“Ở Việt Nam, vợ chồng có tài khoản chung, thậm chí vợ lấy luôn thẻ ATM của chồng. Vậy có bị coi là BLGĐ hay không?” - ông Cường tiếp tục nêu các tình huống và cho rằng đây là những thực tế đặt ra để cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tính toán.

Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng việc nhận diện hành vi cụ thể có phải là BLGĐ không “quả thực rất khó”. “Ngay các cơ quan truyền thông cũng đặt vấn đề liệu không nghe điện thoại của vợ, chồng có phải là bạo lực không?” - ông Hùng nói và cho biết cơ quan soạn thảo đã cố gắng phân ra làm bốn nhóm và nhận diện thành 16 biểu hiện.

Bị phạt đi trồng cây, quét đường làng...

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”. Theo đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên, đã áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà tiếp tục có hành vi BLGĐ nhưng chưa tới mức bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ phải thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Công việc bao gồm: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc các công trình công cộng khác; tham gia các công việc khác cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.

Thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 24 giờ và không quá 8 giờ mỗi ngày.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng hiện các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi BLGĐ hiệu quả chưa cao. Bởi vậy, việc bổ sung một biện pháp mang tính xã hội, phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết.

Cũng theo bà Thúy Anh, đây là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng chống BLGĐ, không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá đây là biện pháp mới, cũng là một chế tài có thể áp dụng đối với người có hành vi BLGĐ, có thể hiệu quả hơn so với những biện pháp theo quy định hiện hành.

Nêu quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát kỹ để đảm bảo quy định tương thích với các điều ước quốc tế, nhất là Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. “Nếu quy định thành một chế tài tương tự như tòa tuyên thì tôi thấy thực hiện cũng khó. Có phải xã, phường lúc nào cũng có việc công ích, phục vụ cộng đồng đâu” - ông Huệ nói thêm.

Đề xuất xây dựng quỹ phòng thủ dân sự

Chiều 16-8, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Dự luật này có bảy chương, 75 điều, quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động về phòng thủ dân sự; quyền và nghĩa vụ của công dân; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự...

Một nội dung đáng chú ý trong dự luật là quy định về quỹ phòng thủ dân sự. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương và cấp tỉnh để huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thảm họa, sự cố; hỗ trợ tu sửa nhà ở, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học…

Nguồn PLO

 

Tin cùng chuyên mục