Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người Hà Nội quê ở đâu?
Chủ nhật: 16:16 ngày 11/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Người Hà Nội trong câu chuyện thường nói với nhau rằng ông ấy bà nọ là người Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… Đó chính là nói về quê hương của những người được nhắc đến.

Minh họa: D.KHANH

Minh họa: D.KHANH

Có hai thành tố để nói về một người Hà Nội. Đó là mảnh đất hơn nghìn năm được định danh Thăng Long từ thời vua Lý Thái Tổ năm 1010 và nữa là nói về những người sinh ra, lớn lên trên mảnh đất ấy.

Như thế, cứ theo cách định danh bắt đầu có từ thời điểm 1010 thì những người sinh ra và lớn lên trước đó trên mảnh đất này không thể gọi là người Hà Nội. Và những người nhập cư suốt hơn nghìn năm qua cũng chẳng phải người Hà Nội nốt.

Dĩ nhiên con cháu họ sinh ra lớn lên ở đây trong vòng hơn nghìn năm qua sẽ là những người thỏa mãn cả hai điều kiện. Câu hỏi “Người Hà Nội thì quê ở đâu?” hóa ra là một câu hỏi có thật. Nhưng tuyệt đối không nên dùng để hỏi bất cứ ai đang sống ở Hà Nội bởi hỏi thế khác nào bảo họ là người nhà quê.

Người Hà Nội về nông thôn thăm thú bạn bè hoặc chính quê hương mình thường được nghe nhiều lần trong câu chuyện những lời khiêm nhường không kém phần mặc cảm “Chúng em nhà quê…”, hoặc “Ở quê em…”.

Dù họ biết chắc đó chính là quê hương của người Hà Nội thì câu chuyện cũng không hề khác. Một câu chuyện hài hước vào khoảng thập kỷ 50, 60, 70 thế kỷ trước người Hà Nội nào cũng biết. Dù rằng sau 1954 rất nhiều đứa trẻ sinh ra lớn lên ở thủ đô nhưng từ khi bắt đầu đi học cho đến lúc trưởng thành, đi làm, vẫn phải khai sơ yếu lý lịch gồm có 2 mục: nguyên quán và nơi sinh. Những tấm chứng minh thư cũ được cấp cho đến tận những năm 2000 vẫn còn để nguyên 2 mục này, nguyên quán: Thái Bình, nơi sinh: Hà Nội. Giờ thì đi làm giấy khai sinh cho con trẻ chỉ còn phải khai mỗi nơi sinh. Và sau này làm căn cước công dân thì nơi sinh được khai vào mục quê quán.

Người Hà Nội có nhiều quê hương nhưng không phải vì thế mà không xây dựng được cách sống phù hợp với dân phố cho mình và con cháu. Chỉ cần nhập cư độ mươi năm là đã có thể hòa nhập một cách vững chãi rồi. Đại khái chỉ dăm năm là đã không còn khạc nhổ vô tư ngoài đường nữa. Độ bảy năm thì biết vứt túi rác vào thùng rác công cộng, hạn chế nói to ở chỗ đông người. Đến chục năm thì vào quán cà phê dù ở vỉa hè cũng cố mà mượn cho được chiếc gạt tàn thuốc lá. Và không còn co chân ngồi xổm lên ghế trong quán ăn. Thật ngạc nhiên, những tác phong sinh hoạt ấy không nằm trong bất kỳ bộ quy tắc ứng xử phố phường nào cả. Tự người ta phải rèn luyện nếu như không muốn mình mãi mãi bị nhìn bằng con mắt thông cảm cho những người sống chưa đủ lâu ở thành phố.

Thế nào là sống đủ lâu ở thành phố cũng là một khái niệm hết sức trừu tượng. Nó tùy thuộc vào khả năng và mối quan tâm của từng người. Sau 10  năm hòa nhập, người thì tìm cách nấu và thưởng thức những món ăn đặc trưng của đất này. Người thì chú tâm vào việc tìm hiểu các ngành khoa học, nghệ thuật của đô thị lớn. Người thì say mê công tác xã hội từ thiện. Nhưng cũng lắm kẻ đã trở thành người lão luyện cờ bạc, ăn chơi... Người sinh ra ở mảnh đất này có thể bớt đi được khoảng thời gian hòa nhập đầu tiên. Nhưng kết quả của vài mươi năm sống thì đều hướng đến một mục đích ít ai ngờ tới. Đó là trở thành một người bình thường.

Thủ đô trên toàn thế giới là nơi tập trung những tinh hoa của đất nước. Hà Nội không phải ngoại lệ. Những nhà chính trị, khoa học và văn nghệ sĩ xuất sắc từng tụ hội về đây từ nghìn năm rồi. Thế nhưng hậu duệ của những tinh hoa ấy về sau đều là những người bình thường. Không thể ngờ mảnh đất luôn biến ta trở thành người bình thường lại có sức hấp dẫn khủng khiếp đến như vậy.

Nguồn SGGPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục