Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người lao động khó khăn vì dịch
Thứ năm: 15:20 ngày 26/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những ngày qua, do buôn bán ế ẩm, không đủ chi phí hoạt động, thêm phần tránh tình trạng tụ tập đông người nên nhiều quán ăn, nhà hàng, cà phê, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh liên tục đóng cửa tạm ngưng hoạt động.

Việc đóng cửa các hoạt động dịch vụ trên khiến nhiều người lao động mất đi nguồn thu nhập và đang chật vật tìm việc mới, có nguy cơ thất nghiệp tạm thời.

Mất thu nhập từ lĩnh vực vận tải

Phòng Kế Hoạch - Đội xe (Công ty TNHH MTV  Đồng Phước Tây Ninh) cho biết, dịch bệnh CoVid- 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực vận tải, lượt khách vận chuyển ở các tuyến đã giảm đến 60%, tương đương 4.000 - 5.000 khách hàng. Trước đây, các tuyến xe chỉ cách nhau 3-5 phút sẽ chạy một chuyến, còn nay mỗi chuyến được nhà xe bố trí cách nhau 30- 60 phút vì không có khách.

Dịch CoVid- 19 ảnh hưởng mạnh đến lĩnh vực vận tải.

Trước tình hình này, Công ty cũng bố trí giảm số lượng xe từ 100 chiếc 16 chỗ giảm còn 40 chiếc, tương đương chỉ còn 40 tài xế. Hơn 60 tài xế còn lại đã được công ty sắp xếp nghỉ không lương, nếu có tuyến sẽ gọi thay phiên với các tài xế khác lái. Hiện tại, nhiều tài xế đang trong tình trạng thất nghiệp dài hạn.

Vào thời điểm hiện tại, do hiệu suất công việc không cao nên công ty cũng đã cắt giảm bớt nhân sự ở các trạm điều hành xe và tại các phòng vé từ 2 người giảm xuống còn 1 người; riêng ở trạm lớn Tây Ninh - Hòa Thành - An Sương vẫn được bố trí 2 người để bảo đảm công việc.

Hiện tại, ngay văn phòng của Công ty, số vé giảm đáng kể, khách hàng ra vào không nhiều, số lượng công việc từ đó cũng giảm nên nhân viên tại công ty tự sắp xếp thời gian thay phiên nhau nghỉ tại nhà, nhưng không được hưởng thêm tiền từ hiệu suất công việc.

Với hình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều nhân viên, tài xế đang trong tình trạng thất nghiệp, mức thu nhập cũng giảm từ 50- 70%. Nếu trước đây, thu nhập của mỗi tài xế nhận được từ 15- 18 triệu đồng, thì nay chỉ còn 5- 6 triệu đồng, chưa kể đến những nhân viên đã bị cắt giảm không có thu nhập và đang trong tình trạng bị thất nghiệp.

Chú Nguyễn Văn Tư (ngụ phường 3, TP.Tây Ninh) cho biết, chú làm nghề vận chuyển hàng hóa nhiều năm nay, chưa bao giờ thu nhập của chú bị ảnh hưởng nhiều đến như vậy. Trước đây, mỗi ngày chở hàng chú cũng kiếm được 200.000 - 300.000 đồng, còn bây giờ hàng quán đóng cửa, đâu có ai thuê chú chở hàng hóa nữa, nên có ngày chú kiếm không được đồng nào, mà còn tốn thêm chi phí di chuyển lòng vòng để tìm khách hàng.

Còn chú Nguyễn Văn Thêm làm nghề chạy xe ôm khu vực Hòa Thành cho biết, mỗi ngày chú đều đậu xe ngay trạm xe buýt ở thị xã Hòa Thành, chứng kiến lượng khách ít nhiều ra sao. Từ tháng 2 đến nay, mỗi chuyến xe buýt dừng trạm trên xe chỉ có được vài người, thì xe ôm như chú làm gì có người mà chở.

Có khi nhiều ngày liên tục sáng xách xe chạy đi, tối xách xe chạy về mà không kiếm được đồng nào. “Trước đây, mỗi ngày chỉ cần đậu xe ở trạm xe buýt là thu nhập bảo đảm có hơn 300.000 đồng/ngày, còn bây giờ có hôm may mắn chạy được 2 lượt, còn kiếm thêm được 60.000 - 70.000 đồng để mua gạo ăn ngày đó”- chú Thêm chia sẻ.

Các tài xế taxi cũng đang gặp bị ảnh hưởng đến thu nhập do dịch bệnh, anh Thái Minh Phùng (ngụ phường Ninh Sơn, TP.Tây Ninh) chia sẻ, anh làm tài xế lái taxi cho tập đoàn Mai Linh nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ khó khăn như hiện nay. Trước đây, thu nhập của anh mỗi tháng hơn 8 triệu đồng đủ lo cho gia đình, bây giờ lượng khách hàng giảm hơn 70- 80%, nên thu nhập của anh cũng giảm theo chỉ còn 3 triệu đồng/tháng, với mức thu nhập này, anh không đủ lo cho gia đình mình.

Anh Phùng cho biết, có khi xe đậu cả ngày bên đường mà vẫn không có một cuộc gọi nào từ phía khách hàng hay tổng đài, không có khách hàng để chở đồng nghĩa với việc thu nhập của anh cũng giảm đáng kể. Đây là khó khăn chung của tập đoàn, nên anh và nhiều anh em làm nghề tài xế khác không nản lòng, vẫn tiếp tục làm công việc này để cùng công ty vượt qua khó khăn.

Đến các dịch vụ khác

Hiện tại, nhiều quán cà phê và một số quán ăn tạm ngưng đóng cửa để phòng ngừa dịch bệnh hoặc một số cơ sở sản xuất giảm bớt nhân viên lao động để tránh tình trạng tụ tập đông người, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Chủ quán cà phê Không gian trên đường 30.4, TP.Tây Ninh cho biết, lượng khách mỗi ngày tại quán tương đối đông, để hạn chế dịch bệnh lây lan và phòng ngừa dịch bệnh, chủ quán chấp nhận mất đi thu nhập, quyết định đóng cửa quán đã gần 5 ngày nay.

Quán cà phê Không gian trên đường 30.4 tạm ngưng hoạt động phòng tránh dịch bệnh.

Việc đóng cửa quán sẽ khiến cho nhiều người mất đi thu nhập, nhưng trong tình hình hiện nay buộc mọi người phải chấp nhận. Chủ quán cho biết thêm, khi quán còn hoạt động có 1 nhân viên pha chế lương 6 triệu đồng/tháng, 1 nhân viên rửa ly lương 4 triệu đồng/tháng, 2 nhân viên phục vụ lương 4,5 triệu đồng/tháng/người.

Bích Vân, 20 tuổi, quê ở  tỉnh Vĩnh Long cho biết em lên Tây Ninh sinh sống và làm việc hơn 2 năm nay, công việc chủ yếu là nhân viên phục vụ ở các quán cà phê. Ở Tây Ninh mức thu nhập hơn 4 triệu đồng được xem là ổn định với lứa tuổi của Vân. Tuy nhiên, quán cà phê em làm đã đóng cửa, đồng nghĩa với việc Vân cũng đang thất nghiệp không có thu nhập. Mấy ngày nay, em đã đi khắp mấy quán cà phê và các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn TP.Tây Ninh và thị xã Hòa Thành để xin việc làm nhưng không quán nào nhận, vì đa phần các quán đang giảm nhân viên phục vụ. Không có việc làm, Vân cho biết sẽ về lại quê một thời gian, đợi qua dịch em sẽ vào lại Tây Ninh tiếp tục đi xin việc làm lại.

Em Lâm Thị Thanh Thư, ngụ ấp Trường Lưu, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành chia sẻ, trước đây em làm nhân viên phục vụ cho một nhà hàng trong xã. Do gần đây nhà hàng kinh doanh ế ẩm, không đủ chi phí để tiếp tục hoạt động nên đã đóng cửa. Khi nhà hàng đóng cửa, nhiều nhân viên đang có thu nhập ổn định từ 4,5 triệu đồng trở lên bị thất nghiệp, em và nhiều bạn khác đang loay hoay tìm việc làm khác nhưng rất khó khăn.

Cơ sở may Phong Loan ở phường Long Thành Bắc cũng cắt giảm bớt người lao động.

Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất cũng cắt giảm lao động, một phần hạn chế tụ tập đông người, một phần các cơ sở đang gặp khó khăn, lượng hàng xuất đi giảm hơn 70% so với trước đây, nên buộc các cơ sở phải cho lao động nghỉ việc để giảm số tiền chi trả hàng tháng.

Ông Bùi Thanh Phong, chủ cơ sở may Phong Loan (khu phố Long Mỹ, phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành) cho biết, nếu như trước đây cơ sở của ông xuất đi hàng ngàn bộ quần áo, thì nay chỉ xuất được 500 bộ thôi, giảm hơn 70% mức thu nhập của cơ sở. Trước tình hình này, cơ sở sẽ chỉ giữ lại được 10 lao động làm việc cố định, còn hơn 20 lao động khác sẽ phải sắp xếp làm việc luân phiên, 1 ngày làm, 2 ngày nghỉ.

Mặc dù thu nhập không còn được ổn định như trước, nhưng đây là tình hình chung nên buộc người lao động phải chấp nhận, xem như đây cũng là cách chia sẻ khó khăn với cơ sở, cũng như tránh tình trạng tụ tập nơi đông người, góp phần phòng chống dịch bệnh lây lan.

Chị Mỹ Dung, người lao động luân phiên tại cơ cơ sở may Phong Loan cho biết thu nhập hiện tại của chị giảm hơn 50% so với trước đây. Trước tình hình khó khăn chung của cơ sở, sẵn có tay nghề trong công đoạn lắp ráp nên chị Dung tự trang bị máy móc ở nhà và nhận lắp ráp quần áo để kiếm thêm thu nhập.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục