Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người lính tiên phong của Ðảng tiên phong
Thứ hai: 00:34 ngày 08/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông Bàn Dân nè, tui mới đọc được một bài báo quá hay, quá “an ủi” cho dân làm nông mình đó nghen!

- Bài viết về chuyện gì, đăng ở đâu mà ông có vẻ phấn chấn dữ vậy?

- Đó là bài “Nông nghiệp phát huy vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch” đăng trên website của Tổng cục Thống kê. Theo đó thì trong 9 tháng đầu năm 2021, tức là trước khi Đảng, Nhà nước ta chuyển hướng phòng, chống đại dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống Covid-19, trong cơ cấu kinh tế nước ta chỉ có nông nghiệp đạt tăng trưởng dương, các ngành khác đều sụt giảm so với năm trước, thế mà chỉ riêng nông nghiệp thôi cũng đủ kéo toàn bộ nền kinh tế nước ta đạt tăng trưởng dương đó. Vậy mới thấy là vai trò kinh tế nông nghiệp nước ta vẫn cực kỳ quan trọng hả ông!

- Thực sự là vậy mà, dù sao thì nền kinh tế nước ta đi lên cũng từ xuất phát điểm là nghề nông mà! Có điều Bàn Dân muốn hỏi ông, nhờ đâu mà từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất nông nghiệp không đủ ăn, đến nay nước ta lại trở thành một nước xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đứng hàng đầu thế giới, ông có biết hay không?

- Chuyện đó thì… theo tôi biết là nhờ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý đã có những chủ trương, đường lối đổi mới kinh tế, trong đó có đổi mới chính sách, cơ chế quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp nên nền kinh tế nước ta mới có được kết quả như ngày hôm nay. Phải vậy không ông?

- Ông biết vậy là đúng. Nhưng bất kỳ cơ chế, chính sách gì cũng từ con người mà ra. Nghĩa là cơ chế, chính sách nào cũng phải có “tác giả”, cụ thể là phải có người vắt óc suy nghĩ, nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tế soạn thảo ra, rồi đưa vào áp dụng trong thực tiễn mới rút ra được kinh nghiệm để bổ khuyết, điều chỉnh cho sát hợp với yêu cầu cuộc sống mới đem lại được kết quả mong muốn…

- Ông nói vậy, tôi nghe vậy, nhưng… thú thiệt là nào giờ tôi chưa biết rõ chuyện đó, ông đã nói thì vui lòng nói hết ra những điều tôi chưa biết cho tôi hiểu rõ luôn đi.

- Nói chính xác là nông nghiệp nước ta được “cởi trói” để bứt phá đi lên bắt đầu từ Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IV, về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp, nên còn gọi là “khoán 100” rồi từ kết quả thực hiện Chỉ thị 100 mà Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI mới ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, còn gọi là “khoán 10” là “cú hích” mạnh mẽ, là “bệ phóng” cho sản xuất nông nghiệp đi lên phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay.

Dĩ nhiên Chỉ thị 100, Nghị quyết 10 là sản phẩm trí tuệ tập thể cao nhất của Đảng ta, nhưng trong tập thể lãnh đạo bao giờ cũng có cá nhân phụ trách. Đối với hai sản phẩm trí tuệ có tính chất “phép màu” đối với nền nông nghiệp hiện đại nước ta, cá nhân phụ trách việc đề xuất, nghiên cứu, soạn thảo và triển khai thực hiện trong thực tiễn nền kinh tế quốc dân chính là ông Võ Chí Công, người mà cả nước ta vừa tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 vào ngày 7.8.2022 vừa qua đấy.

Ông Võ Chí Công xây dựng Chỉ thị 100 lúc ông đang là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và chủ trì soạn thảo Nghị quyết 10 khi ông đang là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, tức là chức danh Chủ tịch nước ngày nay.

Nhưng ông cũng nên biết là giai đoạn 1980-1992, theo Hiến pháp 1980 thì mặc nhiên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước cũng thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Quốc hội, vì lẽ nhiệm vụ Hội đồng Nhà nước bao gồm nhiệm vụ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Cho đến khi Hiến pháp năm 1992 ban hành mới tách riêng nhiệm vụ của hai cơ quan cao cấp nhất của Nhà nước ra. Và đặc biệt hơn nữa, Hiến pháp năm 1992, “luật mẹ” của thời kỳ đổi mới cũng do ông Võ Chí Công là người đứng đầu cơ quan dự thảo Hiến pháp ấy.

- À, như vậy, nhà lãnh đạo ấy thực sự là “người lính tiên phong” của Đảng, Nhà nước ta rồi ông hả.

-Đúng vậy, nhưng Bàn Dân cũng xin bổ sung thêm thành tích trước đó của “người lính tiên phong” ở một lĩnh vực quan trọng nữa, đồng thời bổ thêm một vế vào cụm từ về “danh xưng” ông vừa gọi đó nghen.

-Ông ấy còn thành tích gì trước đó ở lĩnh vực nào ông vui lòng nói luôn đi?

-Đó là thành tích, phải nói là công trạng của ông Võ Chí Công trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc. Đó là khi ông đang là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam - Bí thư Khu uỷ Khu 5, ông đã lãnh đạo quân dân miền Trung - Tây nguyên đánh trận thăm dò ở Thượng Đức-Quảng Nam rồi đánh nghi binh theo lối “dương Đông kích Tây”, dàn trận ở Pleiku nhưng lại tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột khiến đối phương là quân Sài Gòn bị bất ngờ, tháo chạy tán loạn bỏ cả Tây Nguyên, miền Trung. Trong khi đó, đại quân ta thần tốc tiến công suốt dọc chiều dài đất nước, tiến về Sài Gòn giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30.4.1975 đấy ông ạ.

-Ôi, vậy là tôi biết rồi, ông định bổ sung cho hoàn chỉnh cụm từ danh xưng “Người lính tiên phong của Đảng tiên phong” đó chứ gì!

Bàn Dân

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh