Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Người mất ngủ thường xuyên dễ béo phì và dễ mắc bệnh đái tháo đường
Thứ bảy: 09:44 ngày 12/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hỏi: Nữ, 40 tuổi, làm công việc có nhiều áp lực, thường xuyên phải thức khuya, đôi khi mất ngủ. Tôi nghe nói người mất ngủ thường xuyên dễ béo phì và dễ mắc bệnh đái tháo đường nhưng không hiểu vì sao, xin bác sĩ giải thích?

Một bạn đọc

Ðáp: Nói đến insulin, nhiều người nghĩ ngay đến một loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường. Nhưng có thể một số người chưa biết, insulin còn là một nội tiết tố được tuyến tuỵ sản xuất, có vai trò vô cùng quan trọng.

Ở người bình thường, insulin giúp “mở khoá” tế bào, nhờ đó, glucose trong dòng máu “chui vào” được bên trong tế bào, để chuyển hoá thành năng lượng cho hoạt động của mọi tế bào trong cơ thể.

Ở người bệnh đái tháo đường týp 2, cơ thể không sản xuất đủ insulin và/hoặc tế bào tăng đề kháng với insulin, do đó glucose trong máu tăng cao trong khi tế bào thiếu năng lượng để hoạt động.

Hiện nay, béo phì và thiếu hoạt động thể lực được biết là hai nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh đái tháo đường týp 2, chiếm 90-95% tổng số người bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới.

Trong khi đó, mất ngủ thường bị coi nhẹ nhưng lại là yếu tố nguy cơ quan trọng thúc đẩy xuất hiện bệnh đái tháo đường týp 2. Khi bạn mất ngủ, hàm lượng insulin thấp hơn bình thường, trong khi hàm lượng các nội tiết tố gây stress (như cortisol) lại tăng cao, làm cho bạn càng khó ngủ hơn và insulin hoạt động kém hiệu quả đi. Insulin thấp và cortisol cao làm cho hàm lượng glucose trong máu tăng cao, do đó, tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2.

Nghiên cứu cho thấy, hiện tượng này xảy ra khi một người chỉ ngủ được 4- 6 giờ mỗi đêm. Ðó là chưa kể một tác hại khác của thiếu ngủ hay mất ngủ. Ngủ ít đồng nghĩa pha ngủ sâu ngắn đi, và pha ngủ sâu ngắn vừa giảm khả năng phục hồi hoàn toàn sức khoẻ, vừa làm cho tế bào tăng đề kháng với insulin.

Mất ngủ còn làm tăng ngon miệng, giảm chán ăn. Khi mất ngủ, bạn thèm ăn hơn, đặc biệt thèm ăn chất bột đường và thức ăn có đường, do đó, rất dễ tăng cân, béo phì.

Ngoài ra, thiếu ngủ làm cho bạn mệt mỏi, khó duy trì tập thể dục, do đó, khó kiểm soát cân nặng và đường huyết. May mắn là, nếu chỉ mất ngủ hay thiếu ngủ trong vài ngày, các ảnh hưởng kể trên có thể đảo ngược, và hàm lượng insulin thấp có thể cải thiện sau chừng 2 đêm ngủ đủ giấc (10 giờ mỗi đêm).

Bạn không cần phải lo lắng nếu phải thức khuya vài đêm liền để kịp tiến độ công việc hoặc tình huống khẩn cấp của gia đình. Nhưng hình thành thói quen thức khuya là điều không nên. Về lâu dài, tốt nhất bạn nên ngủ đủ 7-9 giờ liên tục mỗi đêm để cơ thể khoẻ khi thức dậy và duy trì hoạt động chức năng tối ưu, đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 và nhiều vấn đề sức khoẻ khác.

Bác sĩ Huỳnh Văn Tú

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh