Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người mẹ giỏi giang
Chủ nhật: 13:33 ngày 14/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ lâu, người dân ở ấp Xóm Khách đã quen thuộc hình ảnh người phụ nữ nhanh nhẹn, lái chiếc xe lôi khắp các con đường, ngõ xóm để mua ve chai. “Ai ve chai hôn? Chị ơi, hôm nay có đồ gì bỏ bán cho em không?”- giọng nói vui vẻ của chị vang lên trong từng ngõ ngách. Bà con ở đây quen gọi chị là “chị Bệ ve chai”.

Chị Bệ với công việc đi mua ve chai.

Chị Bệ tên đầy đủ là Ngô Thị Bệ, sinh năm 1976, ngụ tại ấp Xóm Khách, xã Long Giang, huyện Bến Cầu. Ấn tượng đầu tiên về chị là người phụ nữ cởi mở, hoạt bát. “Ai cũng chọc em nay lên đời rồi. Bởi ngày nào còn đi chiếc xe đạp cà tàng, giờ đã đổi xe khác, đi mua ve chai bằng cả xe lôi.

Qua trò chuyện với chị, mới biết đằng sau vẻ rắn rỏi, những nụ cười tươi là biết bao thăng trầm, gian khổ. Cuộc đời chị Bệ không được may mắn như nhiều người. Học tới lớp 7, chị phải nghỉ học, bươn chải, tất bật cùng gia đình kiếm cái ăn. Lớn lên, khi lập gia đình riêng, cuộc sống của chị cũng chẳng được tươi sáng hơn là mấy, lắm những gian truân, khổ cực.

Trong gian khổ, khát khao duy nhất của chị là tạo dựng được cuộc sống ổn định. Vì thế, chị cùng chồng cật lực làm lụng, không ngại vất vả. Nhưng cuộc sống đôi khi chẳng như ý muốn, cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám mãi gia đình chị. Ðã vậy, gia đình chị còn lâm cảnh nợ nần do chăn nuôi vịt thua lỗ, phải bán đất trả nợ.

Số phận khéo trêu đùa, trong lúc khốn đốn ấy, chồng chị mắc bệnh nặng rồi qua đời. Chị trở thành trụ cột trong gia đình, gồng gánh nuôi 3 đứa con thơ dại với muôn vàn khó khăn, vất vả. Khó khăn cứ chồng chất, có lúc chị tưởng mình gục ngã, không thể đứng dậy được. Trong lòng người mẹ nghèo cứ dâng lên nỗi trăn trở, con còn quá nhỏ, chị không có công ăn việc làm, biết lấy gì nuôi con. Và điều khiến người mẹ nghèo lo lắng nhất là chuyện học hành của các con. Bởi chị không muốn các con phải thất học, rồi sau này khổ như đời ba mẹ.

Nhìn con thơ sống cảnh khốn khó, học hành thiếu thốn đủ thứ, chị như đứt từng khúc ruột. Chị nghĩ mình không thể xuôi tay phó mặc cho số phận để các con mãi sống trong sự nghèo đói. Vì thương con, người mẹ nghèo quyết định vượt qua mệt mỏi, lo âu, mạnh mẽ đứng dậy đương đầu với những khó khăn, thử thách của cuộc sống.

Nhưng cuộc sống vốn không dễ dàng. Chị trải qua nhiều công việc khác nhau, ai mướn gì làm nấy. Khổ nỗi, công việc vất vả nhưng chẳng kiếm được bao nhiêu, không đủ xoay xở cho cuộc sống hằng ngày. Rồi 3 đứa con đang tuổi học hành, cuộc sống ngày một túng khó. Chuyện cơm áo gạo tiền cứ bao vây lấy người mẹ nghèo. Chị không có được một giấc ngủ ngon, bởi luôn trăn trở tìm một công việc ổn định hơn để kiếm sống.

Trong lúc khốn cùng, chị nghĩ đến nghề đi mua ve chai. Qua tìm hiểu, chị biết được nghề mua ve chai không cần nhiều vốn, chỉ cần chịu cực là được. Chị thầm nghĩ, tiền không có, nhưng cực khổ nào chị cũng trải qua hết rồi, nghề này có ngại chi. Nghĩ là làm, chị quyết định làm thử cái nghề mua ve chai.

Ban đầu không có tiền vốn, chị phải mượn anh em, bà con lối xóm mỗi người một ít. Mấy ngày đầu chưa quen, công việc đi mua ve chai của chị không được thuận lợi, mua không được bao nhiêu phế liệu. Nhưng chị không lấy làm nản, chị có niềm tin rằng mình cố gắng sẽ sống được bằng cái nghề này. Thế là, ngày ngày trên chiếc xe đạp, chị rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm để thu mua ve chai, nhặt nhạnh từng mảnh phế liệu mà người ta bỏ đi. Chẳng nề hà nắng mưa, cực khổ. Và từ đó chị gắn bó luôn với cái nghề đi mua ve chai.

Mua ve chai cũng có bữa đặng bữa ế. Ðể kiếm tiền, chị làm thêm đủ mọi việc. Vừa đi mua ve chai, chị vừa buôn bán thêm cái này cái nọ. Có hôm đi mua ve chai ế, thấy người ta có thuê người bẻ ớt, lặt đậu mướn, chị cũng lao vào làm luôn. Với chị lúc ấy, kiếm được đồng hay đồng đó.

Nhờ sự khéo léo, chịu khó, công việc mua bán ve chai của chị trở nên thuận lợi hơn. Chị mua ve chai ngày càng đắt, có nhiều mối quen. Biết hoàn cảnh của chị, nhiều người có ve chai, phế liệu là để dành bán cho chị. Người ta ngoài thương cho hoàn cảnh của chị, còn thích chị bởi sự thật thà, mua đúng giá. Nhờ đó, chị có thu nhập ổn định.

Không dừng ở đó, chị còn mạnh dạn vay tiền mua thức ăn chăn nuôi, gạo bán tại nhà. Cửa hàng của chị đơn giản nhưng cũng có khá nhiều người mua. Nhưng điều đặc biệt, đến cửa hàng của chị ít thấy khách đến mua hàng. Bởi nhiều năm qua, chị Bệ luôn nhận giao hàng tận nhà cho khách. Với cách làm này, chị lấy được cảm tình của nhiều khách hàng, giúp bán được nhiều hàng hơn.

Là phụ nữ nhưng chị Bệ làm việc nặng nhọc chẳng kém đàn ông. Nhìn chị khiêng vác từng bao gạo, bao cám nặng trịch, hay chở xe ve chai cồng kềnh khiến không ít người cảm phục nghị lực phi thường của chị. Chị Bệ chia sẻ, đi mua ve chai cực, lời không được nhiều, nhưng chịu khó đi mua, chị có được thu nhập đều đặn mỗi ngày. Còn cái nghề buôn bán cám gạo, chị chủ yếu lấy công làm lời, nhờ nó, chị cũng có đồng ra đồng vô lo chuyện cơm gạo hằng ngày.

Ngày nào cũng vậy, sáng chị cần mẫn đi mua ve chai, trưa tất tả chạy về đi bỏ cám, gạo cho khách hàng. Vất vả là vậy, nhưng ít khi thấy chị than vãn. Quan niệm của chị là mình làm cho mình, làm nhiều hưởng nhiều. Chị luôn biết ơn và tự hào về cái nghề mua ve chai, vì nó cho chị công việc ổn định để làm.

Sau bao năm chờ đợi, hai đứa con lớn của chị lần lượt vào đại học. Giai đoạn này, chị vất vả nhiều hơn. Nhưng từ đầu đã quyết tâm, chị không suy nghĩ nhiều nữa, chỉ biết dốc hết sức làm lụng lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Không có tiền, chị đi vay cho các con đóng học phí, không để các con bận tâm rồi ảnh hưởng đến việc học. Chị như cánh chim không mỏi, tần tảo quanh năm suốt tháng với công việc.

Sau bao năm tháng cố gắng, nỗ lực không ngừng, đến nay, chị Bệ tạo dựng được cuộc sống đầy đủ hơn, không còn chạy vạy từng bữa ăn như trước nữa. Thật ra, bây giờ chị Bệ vẫn chưa có dư dả vì chị đổ dồn tất cả mồ hôi công sức nuôi con ăn học. Cô con gái lớn của chị đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Cậu con trai thứ 2 đang học năm 3 đại học. Ðứa con út đang học lớp 7.

Khi hỏi thăm về các con, nét mặt người mẹ rạng ngời hạnh phúc và tự hào. Chị Bệ tâm sự: Nhà nghèo nhưng các con của chị rất chăm ngoan học giỏi. Gia đình chị còn được giấy khen gia đình hiếu học. Vào những ngày được nghỉ học, các con biết phụ mẹ đi mua ve chai và buôn bán. Con cái học hành giỏi giang là niềm tự hào góp thêm động lực giúp chị không ngừng phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Dù bận rộn với cuộc sống mưu sinh, nhưng nhiều năm qua, chị Bệ vẫn nhiệt tình tham gia phong trào của địa phương. Chị hiện là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, tham gia vận động học bổng Trần Thị Sanh giúp học sinh nghèo, xây dựng các mô hình giúp đỡ phụ nữ nghèo.

Sau cuộc trò chuyện, người mẹ giỏi giang lại vội vàng lên xe rong ruổi đi mua ve chai giữa trưa nắng gắt. Chiếc xe ve chai nặng gánh, gánh cả hy vọng của người mẹ tảo tần.

CHÂU PHA - NGỌC THẠCH

Tin cùng chuyên mục