Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo một cuộc thăm dò mới đây của Reuters/Ipsos, chưa đầy một nửa người Mỹ được hỏi tin tưởng Facebook đang tuân thủ luật bảo mật cá nhân của Mỹ. Điều này cũng có nghĩa, hơn một nửa người Mỹ đang mất niềm tin vào mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
Kết quả này phần nào phản ánh tâm lý thất vọng của nhiều người sau vụ bê bối để lộ thông tin cá nhân của người dùng mới đây.
Cuộc thăm dò được tiến hành trong hai ngày cho thấy, người Mỹ đang ngày càng mất niềm tin vào Facebook so với các công ty công nghệ khác cũng thu thập dữ liệu người dùng như Google, Amazon, Microsoft và Yahoo.
Kết quả thăm dò người dùng về niềm tin với các mạng xã hội.
Kết quả từ cuộc thăm dò tiết lộ, chỉ có 41% người Mỹ tin tưởng Facebook đang tuân thủ luật bảo vệ thông tin cá nhân. Tỷ lệ này khá thấp so với các công ty khác như Amazon là 66%, Google là 62%, Microsoft đạt 60% và Yahoo là 47%.
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, cuộc thăm dò được triển khai theo hình thức trực tuyến với quy mô rộng khắp nước Mỹ. Tổng cộng đã có khoảng 2.237 người tham gia.
Công ty sở hữu mạng xã hội lớn nhất hành tinh đang rất nỗ lực lấy lại niềm tin của người dùng. Sau khi vụ bê bối liên quan đến 50 triệu tài khoản vỡ lở, đích thân Mark Zuckerberg đã lên tiếng xin lỗi toàn thể cộng đồng gần 2 tỷ người dùng.
Ngoài ra, CEO Mark Zuckerberg cũng cam kết sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn với các nhà phát triển cố tình làm sai luật. Mark cũng không ngần ngại khẳng định sẽ ra điều trần trước quốc hội Mỹ và đứng ra giải quyết khủng hoảng lần này.
Người dùng Facebook đang mất tin tưởng vấn đề bảo mật thông tin cá nhân của mạng xã hội lớn nhất hành tinh này
Tất nhiên, dù thành tâm xin lỗi và hứa sẽ có biện pháp khắc phục nhưng vụ việc một lần nữa khiến sự tín nhiệm của người dùng với Facebook ngày càng giảm sút.
Mới tuần trước, cổ phiếu của Facebook đã giảm 14%. Trong khi đó, từ khóa #DeleteFacebook cũng gây sốt cộng đồng mạng do ngày càng có nhiều kêu gọi tẩy chay Facebook.
Facebook không đáng tin tưởng vì đâu?
Một trong những lý do dấy liên mối tranh cãi giữa người dùng và Facebook chính là nguồn dữ liệu cá nhân bị thu thập. Đa số dữ liệu này được bán lại cho các nhà quảng cáo nhằm tạo ra quảng cáo đích, hướng tới cung cấp sản phẩm dịch vụ cho những khách hàng tiềm năng.
Với khoảng gần 2 tỷ người hoạt động hàng tháng hiện nay, doanh thu từng quảng cáo là tương đối lớn. Năm ngoái, Facebook đã thu về được khoảng 40,6 tỷ USD doanh thu quảng cáo.
Facebook thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng.
Mặc dù vậy, có rất ít người dùng hiểu sâu sắc về thuật ngữ "targeted advertising" hay "quảng cáo hiển thị theo ngữ cảnh". Đây là loại quảng cáo dựa vào dữ liệu cá nhân của người dùng, từ đó phân tích và lọc ra các nhóm khách hàng tiềm năng để gửi quảng cáo qua Facebook.
Có khoảng 63% khẳng định, họ muốn thấy ít quảng cáo đích hơn. Trong khi 90% nói họ muốn nhiều hơn những quảng cáo dạng này. Khi được yêu cầu so sánh loại hình quảng cáo này với quảng cáo truyền thống, 41% cho rằng, chúng tệ hơn và 21% phản kháng lại chúng tốt hơn.
Maria Curran, 56 tuổi, một người dân tại Manchester, New Hampshire chia sẻ: "Tôi nghĩ có nhiều giả định không đúng cho lắm. Giống như kiểu tôi quan tâm nhiều hơn tới chế độ ăn uống lành mạnh thì đa phần các quảng cáo lại hướng tôi tới việc kiểm soát cân nặng và tập thể dục làm sao để giảm cân".
Bà Curran cũng cho biết thêm, các cửa hàng trực tuyến như Amazon cũng thu thập thông tin của bà và người dùng để tung quảng cáo hiển thị theo ngữ cảnh. Tuy nhiên bà khẳng định, chúng ít gây rắc rối và phiền toái hơn vì đơn giản Amazon là một trang mua sắm chứ không phải là không gian cá nhân như Facebook.
Một người tham gia cuộc thăm dò khác có tên Kamaal Greene, 26 tuổi lại cho rằng, quảng cáo dạng này tốt hơn so với truyền thống vì nó có thể cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ mà anh đang tìm kiếm.
Hay như Greene, một lính cứu hỏa tại Detroit chia sẻ: "Một thời gian trước đây, tôi có tìm kiếm một loại găng tay chuyên dụng. Tôi có để nó trong giỏ hàng Amazon thế mà lại quên khuấy mất. Sau đó, bất ngờ quảng cáo về loại găng tay đó xuất hiện trên Facebook và tôi chợt sực nhớ ra phải mua nó".
Như vậy có thể thấy, bản chất việc Facebook thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng không hề xấu, đôi khi chúng còn đem lại nhiều lợi ích hơn thế. Tuy nhiên thứ Facebook còn thiếu chính là việc chưa có một chính sách bảo mật đủ chặt để ngăn các bên tham gia thu thập dữ liệu cá nhân khai thác vì mục đích xấu.
Để giải quyết tình trạng này, nhiều người dùng mong muốn Chính phủ phải đóng vai trò lớn hơn trong việc giám sát những dữ liệu cá nhân do các công ty công nghệ nắm giữ.
Đó cũng là lý do có tới 46% người tham gia cuộc thăm dò khẳng định, họ muốn nhìn thấy nhiều quy định quản lý dữ liệu hơn từ phía Chính phủ trong thời gian tới.
Nguồn Vnreview