Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người phụ nữ hơn 20 năm thu nhặt ve chai
Chủ nhật: 14:02 ngày 28/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Khi tôi bước vào căn nhà nhỏ ở ấp Bến, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu thì người phụ nữ ấy cũng vừa trở về. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ là cái bao nhựa chứa đựng mớ ve chai, phế liệu.

Chị Mỹ với chiếc xe ve chai và các cháu ngoại.

Đón chị là tiếng reo vui của 3 đứa cháu ngoại. Gương mặt còn đẫm ướt mồ hôi, người phụ nữ có thân hình nhỏ nhắn vẫn vui vẻ, nhanh nhẹn gọi các cháu lấy ghế mời khách ngồi. Thật ra chị không phải chỉ có 3 mà là 5 đứa cháu ngoại.

 Chị tên Nguyễn Thị Mỹ, quê tại xã An Thạnh. Thời trẻ, chị lập gia đình với một người cùng cảnh nghèo như mình. Đôi vợ chồng nghèo ra riêng, sống cùng nhau trong căn nhà tranh nhỏ hẹp cất trên miếng đất gia đình chia cho tại ấp Bến, đến nay đã hơn 25 năm. Nhà không đất sản xuất, vợ chồng chị Mỹ sinh sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Anh Xây- chồng chị làm đủ thứ việc như: nhổ cỏ lúa, đắp bờ ruộng, phụ hồ… ai mướn gì làm nấy. Còn chị ngày ngày ra đồng nhổ rau hẹ, rau bợ…  đem ra chợ bán kiếm tiền.

Dần dần, các loại rau ngoài đồng ruộng trở nên khó tìm hơn do ảnh hưởng của các loại thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật... Chị Mỹ không khỏi lo lắng, bởi gia đình vẫn đang trong cảnh nghèo khó, con cái lại đông. Nhìn bầy con nheo nhóc, cuộc sống thiếu thốn từng ngày, chị biết mình không thể ngồi yên nhưng vốn liếng làm ăn không có biết làm thế nào? Ngẫm đi ngẫm lại chị thấy chỉ có cái việc thu nhặt ve chai, phế liệu là dễ làm nhất, vì nó không cần vốn, không cần suy tính gì, cũng không làm phiền ai, miễn chịu khó là được. Thế là chị bắt tay vào cái nghề đi thu nhặt ve chai.

Ngày nào cũng vậy, chị Mỹ đều thức dậy sớm, lo cơm nước cho các con lót dạ xong rồi thì trời cũng rựng sáng. Chị liền quang gánh lên vai, rảo chân khắp các nẻo đường gần đường xa, kiếm tìm các thứ bọc mủ, ve chai, nhôm thau, sắt vụn… những thứ mà người ta vứt vào đống rác, bên vỉa hè… Chị mải mê thu nhặt đến khi nào được số lượng vừa sức thì gánh về nhà, rồi còn phải bỏ công lựa ra từng loại, từng nhóm trước khi đem bán.

 Công việc như vậy chị đã làm suốt hơn 20 năm qua. Từng ấy thời gian chị trải qua mưa nắng tảo tần, phụ chồng nuôi con. Cặm cụi thu nhặt, dành dụm tích luỹ từ tiền bán ve chai, chị sắm được chiếc xe đạp cũ kỹ để đỡ chân. Nhờ nó, chị đã có thể đi xa hơn, tới tận bến xe cửa khẩu Mộc Bài hoặc xa hơn nữa. Số lượng ve chai nhặt được ngày một nhiều hơn nên chị cũng kiếm được tiền nhiều hơn.

Chị Mỹ chia sẻ, làm nghề thu nhặt ve chai phế liệu coi vậy cũng nhiều niềm vui và thú vị. Làm nghề này lâu năm, chị cũng được nhiều người biết đến. Chỉ cần thoáng thấy bóng chị cọc cạch xe đạp ngang qua là họ gọi vào cho mớ ve chai, bọc mủ dành sẵn. Ngày nào được nhiều người gọi vào cho không như thế, chị rất vui mừng vì đỡ phải đi xa, đỡ nhọc nhằn kiếm tìm, thu nhặt từng miếng sắt vụn, từng cái bọc rách đâu đó...

Vào năm 2002, gia đình chị Mỹ được địa phương trao tặng một căn nhà đại đoàn kết. Thoát cảnh nhà tranh vách đất tạm bợ, vợ chồng chị Mỹ an tâm, càng nỗ lực lao động. Niềm vui của họ là được thấy các con ngày một lớn khôn, tất cả đều đã có gia đình. Cô con gái lớn hiện có 5 đứa con. Cả con, cháu, dâu, rể của chị Mỹ đều ở chung nhà và đều sống bằng nghề làm thuê, làm mướn.

Chị Mỹ năm nay 43 tuổi, ngày ngày vẫn tảo tần nhặt ve chai kiếm sống và phụ nuôi cháu ngoại. Chị nuôi mơ ước sẽ có ngày đủ tiền phụ con gái lớn cất căn nhà để nó ra ở riêng, vì trong nhà bây giờ  có đến 13 miệng ăn. Ban đêm, mọi người đều ngủ dưới nền nhà, chỉ ưu tiên cho 5 đứa cháu ngủ trên hai chiếc giường nhỏ bằng cây tạp. 

Anh Xây, chồng chị Mỹ, năm nay 47 tuổi, ngoài công việc lao động kiếm sống hằng ngày, anh còn tham gia các phong trào hoạt động tại địa phương. Anh là người rất hăng hái tham gia hiến máu nhân đạo. Tính từ trước đến nay, anh đã hiến máu nhân đạo 21 lần. Anh từng được UBND cấp huyện và cấp tỉnh tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Ngoài việc tự nguyện hiến máu, anh còn vận động cậu con trai là Võ Văn Nhân, năm nay 21 tuổi cũng tham gia hiến máu như mình. Và cậu con trai đã làm theo cha được 4 lần.

Đến thăm nhà của vợ chồng chị Mỹ, chúng tôi không khỏi ái ngại khi chứng kiến cảnh 13 con người phải sống chen chúc nhau trong căn nhà nhỏ bé. Và càng ái ngại hơn khi thấy chị Mỹ- người phụ nữ đã hơn 20 năm rong ruổi khắp nơi tìm nhặt từng mẩu ve chai, phế liệu, giờ đây vẫn phải tiếp tục bươn chải nhọc nhằn, không toan tính thiệt hơn chỉ vì thương con, thương cháu.

THUỲ DUNG

Tin cùng chuyên mục