Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải:
Người tâm huyết với Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục
Thứ tư: 04:42 ngày 21/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sinh thời, cố Thủ tướng Phan Văn Khải nhiều lần về Tây Ninh công tác. Dấu ấn đậm nhất là những lần trăn trở và chia sẻ với lãnh đạo tỉnh trong việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên).

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cùng con cháu đến tham quan Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam vào ngày 26.12.2010. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

 “Nặng nợ” với Khu di tích Trung ương Cục

Trong kháng chiến chống Mỹ, Tây Ninh là nơi đứng chân của các cơ quan đầu não cách mạng miền Nam như Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam… Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, các căn cứ trên được Bộ VH,TT&DL xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tuy nhiên, do khu di tích chưa được quy hoạch tổng thể nên các công trình được phục chế, tôn tạo một cách đơn lẻ, tự phát, chưa thể hiện được tầm vóc, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan. Do vậy, việc tu bổ, tôn tạo khu di tích thành một điểm tham quan du lịch có tính giáo dục truyền thống cách mạng cao trở thành yêu cầu cấp thiết.

Ông Phan Thanh Nhàn- Giám đốc Ban Quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam tỉnh Tây Ninh cho biết, sau khi nghỉ hưu, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải dành rất nhiều tâm huyết cho công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích lịch sử này.

Ông Nhàn nhớ lại, ban đầu, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có ý tưởng phục dựng lại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, làm bức tranh hoành tráng và viết cuốn Hồi ký về Trung ương Cục. Lúc đó, dự kiến bức tranh hoành tráng được vẽ bằng sơn dầu, khổ nhỏ và sẽ treo trong Nhà trưng bày khu di tích.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thuê một nhóm hoạ sĩ vẽ hai bản phác thảo về bức tranh hoành tráng. Sau đó, ông góp ý sửa chữa bằng cách gộp cả hai bản phác thảo này thành một bức tranh hoàn chỉnh. Vì nhiều lý do, nhóm hoạ sĩ này không gộp hai bức tranh lại, mà tách ra, phác hoạ thành 3 bức khác nhau.

cancu1.JPG

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (thứ 7 từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Sau khi ông Võ Văn Kiệt qua đời, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được đề cử thay thế để tiếp tục những phần việc còn dang dở ở Khu di tích. Ông Phan Văn Khải tham mưu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh thành lập Hội đồng nghệ thuật để xét duyệt công trình bức tranh hoành tráng.

Qua xem xét kích cỡ, nội dung và chất liệu, Hội Đồng nghệ thuật góp ý nên thay đổi chất liệu, từ sơn dầu thành gốm sứ cho phù hợp với độ ẩm khá cao ở Khu di tích; đồng thời thay đổi kích cỡ và vị trí đặt bức tranh: từ kích cỡ trung bình, treo trong nhà trưng bày thành bức tranh khổng lồ đặt ngoài trời.

Nhờ những nỗ lực của ông mà công trình bức tranh hoành tránh Trung ương Cục với chủ đề “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước” được hoàn thành và khánh thành vào ngày 4.12.2015.

Bức tranh có chiều dài 42m, cao 5m, chất liệu là gốm nung, từ mặt sân hành lễ bước lên bệ đỡ tranh có 9 bậc, được đặt tại vị trí trung tâm trong mặt bằng tổng thể khu di tích, là điểm nhấn quan trọng thu hút du khách đến tham quan, nội dung cô đọng, thể hiện khá đầy đủ chiến công hiển hách, chói lọi của dân tộc Việt Nam trong lịch sử 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Việc viết cuốn Hồi ký về Trung ương Cục miền Nam cũng phát sinh. Ban đầu dự kiến chỉ phát động viết hơn 50 bài, nhưng cuối cùng nhận được đến hơn 100 bài. Với số lượng bài vở quá nhiều, ông Phan Văn Khải đề nghị thành lập Hội đồng Cố vấn, do ông giữ vai trò Chủ tịch, thành lập Ban Chỉ đạo, do bà Lê Thị Bân- nguyên Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban.

Ban Tổ chức bản thảo, do ông Phan Thanh Nhàn- Phó Giám đốc Ban Quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam tỉnh Tây Ninh (lúc bấy giờ) làm Trưởng ban. Đến tháng 9.2010, quyển Hồi ký có tên “Căn cứ địa Bắc Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước” hoàn chỉnh, dày 908 trang, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành với số lượng 1.500 cuốn, tập hợp nhiều bài viết sinh động, chân thực, chứa nhiều giá trị lịch sử quý, do chính tay những người từng sống, chiến đấu ở Căn cứ Trung ương Cục viết.

Chấp bút lời giới thiệu cho quyển hồi ký này, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải viết: “Đây cũng mới chỉ là những tập hợp ban đầu và cũng chỉ ghi lại một phần nhỏ những gì diễn ra trong căn cứ Xứ uỷ Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam. Rõ ràng chưa đáp ứng đầy đủ như mong muốn của nhiều bạn đọc, tuy nhiên, đây là những tư liệu quý, đáng trân trọng.

Mong rằng tiếp theo, sẽ có nhiều tác phẩm viết về Xứ uỷ Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam để giúp bạn đọc, nhất là lớp trẻ hôm nay và mai sau hiểu và lấy truyền thống lịch sử vẻ vang này làm sức mạnh cho công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước”.

Về việc Tây Ninh quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị và phát triển du lịch Khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải dành nhiều thời gian, công sức đến dự các cuộc hội thảo về vấn đề này.

Tại buổi hội thảo do UBND tỉnh tổ chức sáng 7.8.2011 tại hội trường Khu di tích, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải góp ý: “Tôn tạo nơi ở của các đồng chí lãnh đạo phải lâu dài, có thể làm bằng bê tông giả gỗ, nhưng phải giữ lại những hố bom dọc theo các giao thông hào, nếu không mất hết ý nghĩa. Cải tạo đất rừng ở đây để trồng cây lâu năm như sao, dầu, trắc v.v… vì những cây này sống lâu, rất đẹp cho rừng mà không tốn kém bao nhiêu”.

Ông cũng đồng ý với chủ trương khôi phục khu di tích song song với phát triển du lịch, nhưng ông yêu cầu: “Những nơi bán thức ăn, nghỉ ngơi, bán hàng lưu niệm không được chen vào khu di tích. Trong đề án khôi phục khu di tích không nên xây dựng những nhà ở của các tỉnh, thành. Những nhà này ai ở, đừng hình thức, quy mô, phô trương, nên thiết thực”, nguyên Thủ tướng nhấn mạnh.

“Bác Sáu” trong hồi ức những nhân viên Tổ di tích

Đối với những nhân viên Tổ Di tích Trung ương Cục miền Nam (gọi tắt là Tổ Di tích), cố Thủ tướng Phan Văn Khải rất mộc mạc, gần gũi, họ thường gọi là “bác Sáu” mỗi khi ông về thăm khu du tích. Anh Cao Hoài Phương- Tổ phó Tổ Di tích kể lại, dù chưa từng hướng dẫn đoàn tham quan của cố Thủ tướng, nhưng cũng có lần được tiếp xúc với bác.

Cuối tháng 11.2017, tình cờ trong lúc anh em trong tổ đang nghỉ trưa, bác Sáu cùng năm bảy người bạn học ghé vào Nhà đón tiếp khách Trung ương Cục. Lúc đó, nhà đón tiếp khách đang trong quá trình sửa chữa, cây cối ngổn ngang, không có chỗ ngồi, anh em trong Tổ rất lúng túng.

Trong lúc chưa biết xử lý như thế nào, bác Sáu đến vỗ nhẹ vào vai anh, nhắc nhở: “Trung ương Cục miền Nam là di tích đặc biệt quốc gia, có ý nghĩa rất quan trọng nên anh em cố gắng giữ gìn cho an toàn, sạch sẽ”. Nói xong, bác Sáu quay qua chuyện trò, giới thiệu sơ lược về Khu di tích với những người bạn học.

Sau một lúc ở đây, bác Sáu và những người khách trong đoàn lên xe ra về. Trước khi về, anh nghe bác sĩ riêng của bác đến gần hỏi ý kiến: “Sắp đến giờ ăn trưa rồi, đoàn mình định dùng cơm ở đâu ạ?”. Bác Sáu trả lời: “Mình tìm một quán cơm nào đó ở chợ Tân Biên ăn được rồi”.

Anh Phương nhớ lại: “Đoàn của bác ghé lại đây trong thời gian ngắn quá, chúng tôi chưa kịp chuẩn bị để đãi khách. Tôi có mời đoàn của bác ở lại dùng cơm và hối anh em chuẩn bị, nhưng bác bảo là do đoàn thích đi âm thầm như vậy, anh em đừng lo lắng. Lúc đó, sức khoẻ của bác có vẻ đã yếu. Tôi thấy phải có người dìu, bác Sáu mới bước lên xe được”. Đến nay, hình ảnh vị nguyên thủ quốc gia rất đỗi bình dân, giản dị vẫn còn đọng lại trong lòng anh em ở đây.

cancu2.JPG

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (đi đầu) đến dự lễ công bố thành lập thành phố Tây Ninh vào chiều 14.2.2014, tại sân vận động Tây Ninh.

Anh Lê Trung Hiếu- Tổ phó Tổ Di tích vinh dự được một lần hướng dẫn nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tham quan Căn cứ Trung ương Cục. Theo lời anh Hiếu, vào tháng 10.2015, bác Sáu cùng cận vệ riêng, bác sĩ và ba người cháu đến đây tham quan.

Anh vui mừng nhận nhiệm vụ hướng dẫn, giới thiệu về lịch sử căn cứ với đoàn. Đoàn đi tham quan đến nhà bảo vệ của Căn cứ Trung ương Cục, bác Sáu hóm hỉnh bảo: “Thôi, để cho bác ở đây làm nhân viên bảo vệ”. Bác ngồi lại đó, nghỉ ngơi một lúc rồi các nhân viên đưa bác ra. Những người cháu của Bác tiếp tục tham quan hết khu di tích.

Mấy ngày nay, nghe tin bác vĩnh viễn ra đi, tất cả cán bộ, nhân viên trong Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục đều buồn. Hẳn nhiên, không phải ai cũng từng được trực tiếp tiếp xúc hay hướng dẫn, nhưng hình ảnh ông cụ đội nón tai bèo thân thương và gần gũi ngày nào, sẽ mãi mãi được gìn giữ trong ký ức mỗi người.

Đại Dương - Thái Hoà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục