Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
"Không chỉ giỏi về chuyên môn mà tinh thần trách nhiệm của cán bộ tòa phải thể hiện sự tận tâm, tận tụy với công việc, không kéo dài tình trạng căng thẳng của người dân và dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình”, đó là những lời Thẩm phán Vũ Văn Khanh-thẩm phán TAND huyện Dương Minh Châu luôn chia sẻ, dặn dò cán bộ trong đơn vị.
Xuất thân từ ngành công an, năm 1996, chính thức bước chân vào nghề “cầm cân, nảy mực” và trải qua nhiều đơn vị công tác, năm 2007, thẩm phán Vũ Văn Khanh được phân công về công tác ở TAND huyện Dương Minh Châu.
Sự tận tụy trong công việc, tự tích lũy và xây dựng cho mình kỹ năng, phương pháp giải quyết vụ án một cách chính xác, phát hiện vấn đề mấu chốt còn tiềm ẩn, dự kiến những diễn biến có thể xảy ra tại phiên tòa để có kế hoạch thẩm vấn phù hợp là những kinh nghiệm được ông Khanh đúc kết quá trình công tác của mình.
Ông chia sẻ, có thể nói công việc của một thẩm phán ở cơ sở như “bác sĩ đa khoa”, khi phải xét xử tất cả các loại án từ dân sự, hình sự, đến hành chính, hôn nhân gia đình... Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, người Thẩm phán phải không ngừng học hỏi, trao dồi kiến thức ở nhiều ngành, lĩnh vực để có thể giải quyết tốt nhất công việc của mình.
Với thẩm phán Khanh, mỗi một vụ việc là một trăn trở, là một bài toán mà ông đóng vai trò trung gian, phải giải quyết để tình và lý luôn được trọn vẹn ở mức độ cao nhất có thể.
Trong hai năm đây, thẩm phán Khanh được sự phân công giải quyết các loại án về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình và kinh doanh thương mại. Dù ở mảng công việc nào, ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thẩm phán Vũ Văn Khanh.
Những vụ việc được phân công, ông đều đảm bảo thời gian tố tụng theo quy định của pháp luật, kết quả giải quyết án khách quan, toàn diện, phản ánh đúng tính chất nội dung sự việc; không để xảy ra oan sai và đảm bảo quyền lợi và lợi ích chính đáng của các bên đương sự.
Theo ông Khanh, hoạt động xét xử là hoạt động “với con người” và “vì con người”, vì vậy khi nhân danh Nhà nước thực thi công lý, Thẩm phán phải có hiểu biết về đạo đức, tâm sinh lý của từng đối tượng, đánh giá sự việc trong hoàn cảnh cụ thể trên nền tảng đạo đức để xử lý những vấn đề pháp lý liên quan đến từng số phận con người một cách thấu tình, đạt lý.
Đối với việc giải quyết các vụ án dân sự, nhiều trường hợp mâu thuẫn sâu sắc, hai bên không thể nói chuyện được với nhau nên ngoài việc nghiên cứu kỹ hồ sơ, xác định đúng quan hệ tranh chấp, phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn của các đương sự.
Không những vậy, bản thân ông còn kiên trì hòa giải để các đương sự tự thỏa thuận với nhau nhằm giải quyết vụ án được nhanh chóng, không tốn kém tiền của của đương sự và Nhà nước, góp phần củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, thuận lợi hơn trong quá trình thi hành án.
Tương tự như án dân sự, các lĩnh vực khác cũng được ông tìm hiểu lắng nghe kỹ càng để có những quyết định đúng đắn, hạn chế thấp nhất tình trạng oan sai có thể xảy ra do lỗi của chủ quan của bản thân mình.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy-Chánh án TAND huyện Dương Minh Châu cho biết, Thẩm phán Vũ Văn Khanh là một cán bộ có kinh nghiệm trong thực tiễn giải quyết các vụ án, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thực và liêm chính.
Khi phân công vụ việc, bản thân bà rất yên tâm tin tưởng cao với cán bộ của mình, qua đó góp phần quan trọng cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm qua.
Với những nỗ lực của bản thân, nhiều năm liền, ông Vũ Văn Khanh đều đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở và được Chánh án TAND tối cao tặng Bằng khen nhằm ghi nhận những nỗ lực của ông.
Bên cạnh trình độ chuyên môn giỏi, Thẩm phán Khanh còn có kiến thức sâu rộng về xã hội, khoa học…Hàng này, ông luôn chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, vốn hiểu biết về cuộc sống đến đồng nghiệp bằng thơ ca. Những câu thơ luôn gần gũi, dễ nhớ và không kém phần độc đáo qua đó tạo sự gắn kết, đoàn kết của đơn vị để tiếp tục nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Xuân Thanh