Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người tiêu dùng chưa mặn mà với rau sạch
Thứ sáu: 06:02 ngày 05/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phần lớn người tiêu dùng còn chưa hiểu, cũng như chưa chứng kiến quy trình trồng, chăm sóc rau sạch nên chưa tin tưởng về chất lượng rau sạch đang được bán trên thị trường.

Người tiêu dùng mua rau tại Cửa hàng rau an toàn Long Mỹ (Hoà Thành). Ảnh: Thanh Nhi

Ngại giá cao

Thời gian gần đây, dù nhu cầu được dùng rau sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng, tuy nhiên, rau sạch được bán ở các cửa hàng hay siêu thị lại có giá khá cao, người mua không khỏi “ngại ngùng”. Ngoài ra, thông tin phân biệt rau an toàn và rau chưa an toàn chưa đầy đủ cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng chưa mạnh dạn đến với rau sạch.

Theo các cửa hàng kinh doanh rau sạch, nhiều mặt hàng đã có giá cao từ đầu vào, cộng thêm khâu bảo quản, sơ chế, đóng gói... nên rau sạch có giá khá cao.

Chị Nguyễn Hà Linh, công nhân ở Khu công nghiệp Chà Là cho biết, một suất ăn của gia đình 4 người chỉ gói ghém trong khoảng 60 ngàn đồng/ngày. Dù rất muốn mua thực phẩm sạch nhưng do giá cao nên chị đành chịu.

Một thực trạng đáng chú ý là rau sạch nhưng không có thông tin chứng minh về nguồn gốc sản phẩm. Chẳng hạn như rau, củ, quả bán tại một cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP. Tây Ninh, được giới thiệu là sản phẩm sạch, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thế nhưng, hầu hết các mặt hàng đều không có nhãn mác, xuất xứ hay bất cứ thông tin nào để người tiêu dùng nhận biết là “sạch”.

Mặt khác, phần lớn người tiêu dùng còn chưa hiểu, cũng như chưa chứng kiến quy trình trồng, chăm sóc rau sạch nên chưa tin tưởng về chất lượng rau sạch đang được bán trên thị trường.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành nhiều vùng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP và được các cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép, xác nhận tính an toàn của sản phẩm. Đây chính là nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng. Dù vậy, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch phải gắn đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc sản phẩm... để tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại cửa hàng Nam Trạng- TP. Tây Ninh (ảnh: Thanh Nhi).

Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Cửa hàng bán rau an toàn Long Mỹ (khu phố 4, thị trấn Châu Thành) hoạt động từ hơn tháng nay nhưng thưa thớt khách. Anh Nguyễn Văn Nghiệp (SN 1989), chủ cửa hàng, đồng thời cũng là thành viên của Hợp tác xã rau sạch Long Mỹ (xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành) cho biết, hợp tác xã (HTX) có 7 ha trồng các loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sản phẩm của HTX đang bán cho 17 trường mầm non ở huyện Hoà Thành. HTX cũng mở cửa hàng bán rau sạch tại bến xe Hoà Thành, đường Sân Cu với giá bình dân và khá đông khách.

Gần đây, anh Nghiệp lên thị trấn Châu Thành mở cửa hàng rau an toàn Long Mỹ. Để thu hút khách, ngoài rau sạch, cửa hàng còn bán thêm một số mặt hàng thực phẩm khác. Tuy nhiên, bình quân mỗi ngày cửa hàng chỉ bán được khoảng 20kg rau, củ, quả. Nguyên nhân chính là đa phần người tiêu dùng chưa nhận thức đủ về rau an toàn, thực phẩm an toàn.

“Trong cửa hàng có treo giấy chứng nhận rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, bằng khen của UBND tỉnh nhưng nhiều người vẫn thiếu niềm tin với rau an toàn vì cho rằng không thể phân biệt được rau an toàn với rau không an toàn chỉ bằng cảm quan”, anh Nghiệp nói.

 Bà Nguyễn Thị Mai (55 tuổi, ngụ ấp Tam Hạp, xã Thái Bình)- người thường xuyên mua rau tại cửa hàng Long Mỹ chia sẻ: “Đa số người dân khi đi chợ vẫn giữ thói quen cố hữu tiện đâu mua đấy, ưu tiên cho địa chỉ gần nhà hoặc chỗ quen. Đây cũng là nguyên nhân khiến rau an toàn có cửa hàng bán hẳn hòi mà vẫn khó tiêu thụ. Trong khi đó, các sạp, quầy, xe bán rau củ quả không rõ nguồn gốc vẫn đông đúc người mua”.

Theo ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, trong thời điểm hiện nay, để bảo đảm an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần nâng cao trách nhiệm của mình, kiên quyết tẩy chay những thực phẩm bẩn, chỉ nên mua thực phẩm ở những cơ sở được công bố thực phẩm an toàn.

Chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa để người dân hiểu đầy đủ về rau an toàn; giới thiệu các địa chỉ kinh doanh rau an toàn đã được chứng nhận để người dân tìm đến. Đồng thời, các nhà quản lý cần kiểm soát chặt chẽ các cửa hàng rau sạch, xử lý nghiêm các sai phạm để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

NHI TRẦN - QUANG HÀ

Tin cùng chuyên mục