Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người trẻ Việt đã biết cách ứng xử trên mạng?
Chủ nhật: 12:09 ngày 16/10/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong một tác phẩm biên khảo văn học, tôi dịch câu thơ cổ của Trung Quốc “Tà phong, tế vũ bất tu quy” ra thành “Gió chéo, mưa bay chẳng đặng về ”.

Chữ “tà” có nghĩa là nghiêng nghiêng (chéo, xéo); chữ “tế” có nghĩa là nhỏ, nhẹ. Tế vũ là mưa bay bay, nhỏ, không làm ướt tóc trong những ngày cuối đông. Ai sống ở miền Trung, miền Bắc vào những ngày cuối đông cũng biết được gió mùa đông bắc thổi khiến những giọt mưa bay nghiêng nghiêng gây cảm giác lạnh tê buốt.

Tôi nghĩ đó là một câu thơ dịch nghiêm túc, đủ nghĩa. Thế nhưng, có một bạn đọc cho rằng dịch như vậy là sai! Theo bạn, câu thơ ấy phải dịch ra một cách giản dị là “Mưa gió chẳng đặng về”, nghĩa là bạn bỏ đi hai chữ “tà” và “tế” trong nguyên tác câu thơ cổ.


VIDEO: Thiếu nữ Khánh Hòa bị ép đem xăng đến đốt ở trường học 

Ý kiến này được đưa vào trang “Facebook Vũ Đức Sao Biển” - một fanpage do các bạn đọc yêu thích các bài viết của tôi lập ra. Tự tôi, tôi chưa bao giờ lập trang Facebook, không viết blog, không lập trang web.

Nhiều người hỏi tôi tại sao không phát biểu để cải chính về chuyện trên, tôi thật tình thú nhận là tôi không muốn tranh cãi và cũng không biết phải phát biểu vào đâu!

Mạng internet là thành tựu của công nghệ thông tin tiên tiến và cực kỳ rộng lớn trong thế kỷ 21. Đặc biệt, trang Facebook là một sự sáng tạo quá nhanh nhạy, tạo điều kiện cho mọi người giao lưu, phát biểu ý kiến, chia sẻ tâm tình, trao đổi kiến thức… quá hay.

Thế nhưng, do cách hiểu và cách phát biểu có khi còn nhầm lẫn của từng cá nhân, Facebook nhiều khi lại mất đi cái hay của nó; trở thành một diễn đàn để cá nhân đưa những kiến thức sai lệch, công kích lẫn nhau, xâm hại danh dự và nhân phẩm của nhau một cách vô tội vạ nhằm kiếm được nhiều like (lượt thích) và nhiều share (lượt chia sẻ).

Hai bạn gái T.V (Tân Phú, TP.HCM) và T.V (Dĩ An, Bình Dương) cùng chơi Facebook, đã dùng Facebook để mạt sát nhau. Rồi cả hai bạn thách đố cùng hẹn giờ G, ngày N ra phố đi bộ Nguyễn Huệ “nói chuyện phải quấy”.

Cùng đi với hai bạn còn có những người ủng hộ và những người hiếu kỳ. Sẽ có việc gì xảy ra nếu cuộc “nói chuyện” ấy trở thành cuộc xô xát? Điều may mắn là Công an phường Bến Nghé, quận 1 và anh em bảo vệ phố đi bộ đã kịp thời ngăn chặn, không cho họ đánh nhau. Vụ việc khép lại, không có điều gì đáng tiếc.

Một lứa đôi yêu nhau, từng ăn ở với nhau, sau đó cô gái muốn chia tay người bạn trai. Chuyện yêu nhau rồi xa nhau trên đời là chuyện bình thường của cuộc sống. Vậy mà anh bạn trai trở mặt, đưa hết những hình ảnh nhạy cảm về cảnh ân ái giữa hai người lên Facebook, kèm theo đó là những lời mạt sát cay nghiệt người bạn gái cũ.

Cô gái không biết kêu cứu vào đâu, đành phải khởi kiện người thanh niên ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm. Vụ việc có dấu hiệu phạm tội theo điều 121 bộ luật Hình sự nhưng vì chưa có chế định việc đưa hình ảnh nhạy cảm lên Facebook là nằm trong tội danh làm nhục người khác nên cô chỉ khởi kiện dân sự và tòa án cũng chỉ giải quyết vụ án dân sự. Hành vi đó được pháp luật hình sự định nghĩa là “Xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác”.

Tôi đưa ra hai ví dụ để bàn với các bạn như thế này: Trong cả hai trường hợp trên, nếu bấm like dù chỉ một lần thôi thì có nghĩa là đã góp phần cổ vũ cho bạo lực (đánh nhau, chửi nhau) hoặc muốn cho người thanh niên tiếp tục đưa những hình ảnh quan hệ tình dục lên mạng. Nếu bạn share một cái thì có nghĩa là muốn quảng bá cho sự sai quấy. Vậy thì thật đáng tiếc nếu bạn like và share như vậy bởi vì cả hai động tác tuy đơn giản ấy lại biến mỗi chúng ta trở thành người ủng hộ sự sai trái.

Bạn ngồi trước trang mạng là ngồi trước một thực tế ảo, một thế giới ảo. Bởi không có ai bên bạn nên bạn tự cảm thấy mình không bị ràng buộc, muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Tâm thế “một mình một chợ” ấy nhiều khi dẫn đường cho bạn phát biểu điều đáng tiếc. Mạng là thế giới ảo nhưng tác hại của nó lên cuộc đời thì rất thật.

Trong trường hợp hai bạn gái ở Tân Phú và Dĩ An thì tác hại ấy là làm rối an ninh trật tự công cộng; trong trường hợp vụ án dân sự thì tác hại của nó là làm tổn thương phẩm giá người phụ nữ. Mà tôi thì rất tin và luôn luôn tin rằng các bạn không bao giờ muốn gây ra những tác hại nào, dù rất nhỏ, cho cuộc sống của chúng ta.

Có bao giờ bạn tát nhầm vào mặt một người vô tội chưa nhỉ? Tôi nghĩ rằng chưa bao giờ bạn làm vậy và nếu đã lỡ làm vậy thì bạn sẽ vô cùng xót xa, hối hận, chỉ muốn chạy đến gặp người ấy nói lời xin lỗi chân thành nhất.

Thế nhưng trên trang mạng xã hội, nhiều khi chúng ta có thể lầm lỡ nói oan, nói sai, nói không đúng bản chất về một sự kiện, một con người. Thông tin của chúng ta nhanh chóng truyền đi, không ít bạn hưởng ứng theo. Một cái tát dù nặng đến bao nhiêu cũng không nặng bằng mấy dòng chữ mà ta lỡ viết sai trên mạng.

Báo chí đã có bài viết phê phán những hành vi ứng xử lạ lùng, kỳ quái trên mạng như tắm phân vào người hay dọa sẽ tự thiêu để câu like. Báo chí cũng đã có những bài viết phê phán những lời chửi bới, lăng mạ, văng tục nhau giữa một số người chơi Facebook.

Vào trang Facebook, nhiều khi người ta hết sức ngạc nhiên khi thấy người này, người khác đưa những thông tin sai lạc, dựng chuyện lên than thở mình bị mất trộm, bị phụ tình, bị tống tiền. Một loại hình thông tin cá nhân nhanh nhạy, kết nối thông minh đã bị sử dụng để đưa ra những điều kỳ quái, làm một diễn đàn cãi vã và giật gân bằng những thông tin sai sự thật.

Khi mỗi chúng ta sở hữu một máy tính nối mạng hay một chiếc điện thoại thông minh thì chúng ta đã sở hữu một công ty truyền thông đa phương tiện. Chúng ta có thể đưa thông tin bằng chữ viết, hình ảnh, clip, âm thanh đến với bất cứ người nào. Những thao tác đưa thông tin lên mạng lại quá đơn giản, ai cũng có thể sử dụng được.

Vì vậy mà vấn đề trách nhiệm đối với cộng đồng và cơ quan pháp luật lại được đặt ra nếu người đưa thông tin ngụy tạo, dựng đứng lên những điều không thật hay bôi nhọ, xúc phạm những người khác hoặc đưa những hình ảnh nhạy cảm về đời tư cá nhân.

Nhà trường phổ thông có chương trình giảng dạy các em học sinh sử dụng máy tính để đáp ứng nhu cầu học tập. Căn bản, các em sử dụng máy tính khá thành thạo và rất thích chơi Facebook.

Rất mong ngành giáo dục và các nhà trường dạy thêm cho các em cách ứng xử từ tốn, vừa phải, có văn hóa trên những trang mạng xã hội này. Phải dạy cho các em biết rằng những hành vi kỳ quái, những lời hứa giật gân, những hình ảnh phản cảm, những lời lăng mạ là tuyệt đối không nên có và không thể có trên mạng xã hội.

Nguồn TNO

Tin cùng chuyên mục