Theo dõi Báo Tây Ninh trên
30 năm qua, lượng tiêu thụ thịt của người Việt tăng 6 lần trong khi ăn rau xanh chỉ đạt một nửa so với mức khuyến nghị.
Chia sẻ tại một hội thảo về dinh dưỡng mới đây, Phó giáo sư Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện Dinh dưỡng nhấn mạnh khẩu phần ăn của người Việt hiện nay thay đổi rất nhiều. Mức tiêu thụ gạo giảm và tăng lương thực khác như bánh mì, bột mì. Các thực phẩm truyền thống có chất bột từ khoai củ giảm 10 lần.
Đặc biệt mức tiêu thụ thịt của người Việt tăng mạnh. Năm 1985 trung bình mỗi người một ngày tiêu thụ dưới 14 g thịt, năm 2010 đã tăng đến 85 g. Mức tiêu thụ thịt của người dân ở nông thôn bằng 2/3 người thành thị. Người dân khu vực đồng bằng sông Hồng ăn thịt nhiều nhất.
Người Việt cần ăn 400 g rau xanh, quả chín mỗi ngày. Ảnh: M.D.
Người Việt ngày nay cũng ít ăn cá mặc dù các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích. Năm 1985 trung bình mỗi người một ngày tiêu thụ khoảng 40 g cá, sau 25 năm chỉ tăng lên đến 60 g. Lượng trứng, sữa ăn tăng gấp 20 lần, song phần lớn là người già, trẻ nhỏ dùng.
Người Việt ăn nhiều quả chín hơn trước nhưng vẫn rất ít, chỉ 64 g một người mỗi ngày. Lượng tiêu thụ rau xanh mỗi người chỉ ăn khoảng 200 g một ngày, giảm so với vài chục năm trước và chỉ đạt một nửa so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hơn một số dân số trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến cáo. Nam giới lười ăn rau xanh hơn phụ nữ.
Điểm bất hợp lý nữa trong khẩu phần ăn của người Việt là chưa coi trọng dinh dưỡng từ các loại hạt. Thực tế người dân nông thôn ít bị bệnh tim mạch, ung thư ruột già, đái đường, táo bón hơn so với dân thành thị. Lý do vì họ ăn nhiều thực phẩm có chất xơ, còn người thành thị ăn nhiều thịt và mỡ, ít thực phẩm có chất xơ.
Theo phó giáo sư Bạch Mai, thói quen ăn uống này liên quan trực tiếp đến nguy cơ béo phì, gia tăng bệnh huyết áp, tim mạch. Ăn đủ rau xanh, trái cây giúp phòng bệnh ung thư, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác. Một người ăn hơn 400 g rau xanh và quả chín mỗi ngày có thể giảm 2 lần nguy cơ mắc bệnh tim mạch, mỡ máu.
Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), cần 14 g chất xơ cho mỗi 1.000 kcal khẩu phần. Có thể đảm bảo nhu cầu chất xơ đối với người từ 24 tháng tuổi trở lên bằng cách mỗi ngày ăn 2 lần các loại quả, 3 lần hoặc hơn các loại rau. Số lượng mỗi lần ăn cần phù hợp với lứa tuổi.
Với người Việt Nam, nhu cầu chất xơ khuyến nghị tối thiểu 18-20 g một ngày (khoảng 300 g rau và 100 g quả chín). Nếu ăn quá nhu cầu chất xơ sẽ gây đầy hơi, chướng bụng, kém hấp thu một số chất vi khoáng. Nhu cầu khuyến nghị chất xơ cho người thừa cân béo phì là bằng nhu cầu của người bình thường cộng thêm 14 g nữa.
Nguồn VNE