Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chính sách dành cho giảm nghèo đa chiều:
Nguồn lực còn phân tán, nhỏ lẻ
Thứ tư: 00:15 ngày 03/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đánh giá chương trình giảm nghèo đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra việc làm cho người dân. Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm rất mạnh, thuộc nhóm hàng đầu cả nước. Tuy vậy, hạn chế, tồn tại chưa phải đã hết.

Nghề tráng bánh tráng giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Sau khi thực hiện đợt giám sát ở một số địa phương và các sở, ban ngành liên quan, chiều 1.6, HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giám sát UBND tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020  trên địa bàn tỉnh. Thông tin tại buổi làm việc cho thấy, công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 dù đạt được nhiều kết quả cụ thể nhưng cũng còn không ít vấn đề được đặt ra.

Tỷ lệ hộ nghèo thấp hàng đầu cả nước

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, năm 2015, Tây Ninh có 12.584 hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2019, Tây Ninh còn 5.269 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,69% tổng số hộ gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo chung (hộ nghèo và hộ cận nghèo chuẩn Trung ương) giảm 2,63% so với năm 2015. Số hộ nghèo hiện còn 1.930 hộ, giảm 4.187 hộ, số hộ cận nghèo là 3.339 hộ, giảm 3.128 hộ.

Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ trên địa bàn tỉnh, theo kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 là 4,32%, thấp hơn so với ước tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước là 15,1%. Việc xác định chỉ tiêu tỷ lệ giảm hộ nghèo hằng năm (1,3%/năm) chưa chính xác, do thời điểm này chưa có kết quả chính thức của việc tổng điều tra, rà soát hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, mà căn cứ vào ước tính sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (khoảng 6,57%).

Đa dạng hoá sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo được các địa phương quan tâm thực hiện, góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho người nghèo; tạo cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định thông qua thực hiện các dự án như hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ sinh kế, bảo hiểm y tế, giáo dục…

Cụ thể, chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, giai đoạn 2016-2020 có gần 7.000 hộ nghèo được vay vốn sản xuất, kinh doanh, buôn bán, chăn nuôi. Tuy vậy, hiệu quả phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm tại một số địa phương chưa cao, làm cho hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách cũng còn hạn chế.

Chính sách hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ về y tế cho người nghèo được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và Đề án hỗ trợ trâu bò sinh sản từ Uỷ ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội, số liệu tổng hợp cho thấy, đã có hàng ngàn căn nhà được xây cho người nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Giai đoạn 2016-2019, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ trâu, bò sinh sản, giải ngân hỗ trợ 1.003 con trâu, bò sinh sản với số tiền gần 24 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện, từ năm 2017-2019, đã hỗ trợ cho 30.316 lượt hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này chưa thật sự tác động đến cuộc sống của người nghèo. Theo xu hướng xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng các dịch vụ công ích, viễn thông của người nghèo ngày càng cao, mức sử dụng điện năng của các hộ gia tăng, mức hỗ trợ hiện nay không còn phù hợp.


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm phát biểu tại buổi giám sát.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn 2016-2019, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giới thiệu việc làm cho 339 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (dự kiến năm 2020 hỗ trợ cho 123 người). Các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia học nghề ít là do không muốn học nghề mà muốn đi làm thuê để có tiền lo cho gia đình hằng ngày.

Kết quả thực hiện các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững- trong đó có tiểu dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng các xã biên giới, các địa phương triển khai thực hiện dự án đầu tư 163 công trình. Khởi công mới 103 công trình, công trình chuyển tiếp, quyết toán nợ, bảo dưỡng công trình... 60 công trình. Các dự án ưu tiên thực hiện công trình giao thông nông thôn, trường học, kênh mương hoá nội đồng.

Tiểu dự án thứ hai là hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135. Dự án này tập trung phát triển chăn nuôi bò, gà, cung cấp trang thiết bị nông nghiệp như máy phun thuốc trừ sâu, máy cắt cỏ để người dân tìm kế sinh nhai.

Tiểu dự án thứ 3 là nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở ở các xã biên giới. Năm 2017, các cơ quan liên quan đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho 365 học viên là già làng, người uy tín, cán bộ cơ sở và cộng đồng của 16 xã thụ hưởng Chương trình 135 thuộc 5 huyện biên giới là: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu và Trảng Bàng. Văn phòng UBND tỉnh, đơn vị chủ trì dự án tổ chức đoàn già làng, người uy tín đồng bào dân tộc thiểu số tham quan, học tập kinh nghiệm lao động sản xuất.

Về những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, UBND tỉnh đánh giá, công tác ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án và quyết định phân bổ vốn các năm đầu giai đoạn còn chậm, một số địa phương còn chậm phân bổ nguồn vốn cho xã để triển khai các dự án. Dự án chăn nuôi heo, gà tỷ lệ chết còn ở mức cao, gây thiệt hại cho người chăn nuôi, giá cả đầu ra chưa ổn định, hiệu quả chưa cao.

Đối với dự án chăn nuôi bò, giai đoạn 2014-2017, do phải thành lập nhóm hộ (từ 4-5 hộ nuôi chung 1 con bò, hình thức nuôi bò mẹ bắt bê con) dự án kéo dài, chậm thoát nghèo. Dự án hỗ trợ mua máy phun thuốc, hộ nghèo thực hiện dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng thiếu khả năng cạnh tranh với các máy móc, thiết bị hiện đại nên ít được thuê, thu nhập không ổn định.

Các hộ nghèo tham gia dự án còn gặp nhiều khó khăn như thiếu đất canh tác, thiếu vốn đầu tư, nhận thức còn kém trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để chuyển đổi cây con giống có chất lượng cao.

Một số ban chỉ đạo ở địa phương hoạt động chưa hiệu quả. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa nhịp nhàng, đồng bộ, cho rằng việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo là trách nhiệm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Các đơn vị được phân công, thực hiện từng dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình nhưng giữa các cơ quan còn thiếu sự phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện. Vốn ngân sách Trung ương giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đối với các xã ngoài Chương trình 135 còn hạn chế, chủ yếu từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, mức hỗ trợ thấp.

Cần đánh giá hiệu quả của các dự án

Tại buổi giám sát, bà Kim Thị Hạnh, Phó Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh nêu những vấn đề về chính sách giảm nghèo, đơn cử như chuyện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người thuộc diện hộ nghèo tham gia không nhiều.

Bà Hạnh cho rằng không nên thực hiện đa dạng hoá sinh kế bằng cách giao bò giống cho những người cao tuổi nuôi. Thực tế, những người này sau khi nhận bò phải chuyển cho con cháu nuôi. Mặt khác, mô hình nuôi bò không thành công như trông đợi, nhiều hộ nghèo được giao bò đã bán ngay sau khi nhận.

Ông Mai Văn Hải, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị đánh giá kỹ hơn về những trường hợp hộ nghèo có thái độ trông chờ, ỷ lại, không có ý thức vươn lên để xây dựng cuộc sống. Ông Hải cũng đề nghị trong quá trình thực hiện cần nghiên cứu, đề xuất thêm các mô hình giảm nghèo, vì ngoài các mô hình đã có, chưa thấy xuất hiện mô hình mới.

Về sử dụng đồng vốn, ông Hải đề nghị đánh giá hiệu quả của các dự án, tính đến nay, nguồn vốn dành cho hộ nghèo, cận nghèo vay đã hơn 240 tỷ đồng hiệu quả tới đâu, cần được đánh giá khách quan. Chính sách miễn, giảm học phí có hiệu quả vì giảm, miễn trực tiếp cho học sinh. Nhưng chính sách hỗ trợ giáo dục chưa đánh giá hết được, vì không phải gia đình nào cũng sử dụng đúng mục đích khoản tiền hỗ trợ.

Ông Phạm Hùng Thái, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ đề nghị rà soát lại những nội dung của chính sách giảm nghèo, nội dung nào không phù hợp với địa phương thì có thể kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi. Ông Thái cũng bình luận, nguồn lực, chính sách giảm nghèo hiện nay còn bị phân tán, nhiều khoản hỗ trợ nhỏ lẻ. Đối với công tác thông tin tuyên truyền, ông Thái đề nghị đánh giá hiệu quả của công tác thông tin, giảm nghèo thông tin để dần thay đổi ý thức của người dân.

Đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nêu, giảm nghèo đòi hỏi một thời gian rất dài, giảm nghèo thật sự còn gian nan hơn nhiều, “giao cho người nghèo một con bò, một đàn gà không thể giảm nghèo bền vững, đó thực ra chỉ là giải quyết thời gian nhàn rỗi của nhà nông”- đại diện UBMTTQ nêu. Ông Huỳnh Thanh Phương, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh đề nghị làm rõ thêm thông tin về chính sách giảm nghèo ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định, chính sách giảm nghèo hướng tới số đông, những trường hợp không chịu nỗ lực vươn lên trong cuộc sống cũng có nhưng không nhiều, chỉ là cá biệt.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách giảm nghèo như một số chính sách giảm nghèo nhiều lúc chỉ mới mang tính động viên như tặng quà, xây nhà đại đoàn kết. Về tham gia học nghề của nhóm đối tượng hộ nghèo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu, không phải người dân không muốn học nghề, vấn đề cần đặt ra là xem lại cách thức dạy nghề cũng như hiệu quả sau đào tạo.

Một hộ dân ở huyện Trảng Bàng thoát nghèo bằng nghề chăn nuôi dê.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đánh giá chương trình giảm nghèo đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra việc làm cho người dân. Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm rất mạnh, thuộc nhóm hàng đầu cả nước.

Tuy vậy, hạn chế, tồn tại chưa phải đã hết. Trong đó, hiệu quả thông tin tuyên truyền chưa đạt yêu cầu như trông đợi, từ đó dẫn đến người nghèo vẫn chưa muốn thoát nghèo, còn trông chờ vào Nhà nước. Một số dự án, tiểu dự án cần được quan tâm đánh giá cụ thể hơn về tính hiệu quả. Một số mô hình giảm nghèo vẫn còn bất cập, nhiều hộ nhận bò giống nhưng nuôi không thành công hoặc không nuôi được.

Việc huy động các nguồn lực để thực hiện dự án cũng còn bất cập, hạn chế dẫn đến nguồn lực bị phân tán. Công tác đào tạo nghề cho người nghèo hiệu quả thấp, số người thuộc diện hộ nghèo không tham gia hoặc có tham gia học nghề nhưng số lượng rất ít, không đáng kể. Công tác rà soát hộ nghèo chưa có sự đồng bộ giữa các địa phương, từ đó dẫn đến một thực tế là có sự chênh lệch về mức sống giữa các hộ nghèo.

Từ thực tế đó, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo về giảm nghèo bền vững, trong đó mặc dù vẫn là ban chỉ đạo chung nhưng có các bộ phận chuyên trách để phụ trách những đầu mối, lĩnh vực cụ thể. HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh sớm tổ chức tổng kết để đánh giá hiệu quả của công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh