Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Điện mặt trời:
Nguồn năng lượng tương lai
Thứ sáu: 00:35 ngày 26/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những năm gần đây, số hộ gia đình sử dụng điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) tăng cao. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.054 khách hàng sử dụng loại năng lượng sạch này, tăng 250,95% so với cùng kỳ năm trước.

Lau rửa panel năng lượng mặt trời (ảnh: Lê Văn Hải)

Gia đình chị Hồ Minh Nguyệt, ngụ phường 2, thành phố Tây Ninh là một ví dụ. Gia đình chị mở công ty tại nhà, sân tráng bê tông xi măng, nóng bức vào những lúc nắng nóng. Khi tìm hiểu, thấy nhiều người sử dụng ĐMTAM vừa làm mát không khí trong nhà, vừa có điện sử dụng quanh năm, không sợ ảnh hưởng công việc do bị cúp điện, vừa có thể “kiếm thêm” bằng cách bán lại số điện dư thừa cho ngành Điện lực, vợ chồng chị đầu tư hơn 100 triệu đồng dựng mái che trước sân và đặt hệ thống ĐMTAM trên mái. “Thấy sử dụng ĐMTAM hiệu quả kinh tế, sắp tới em định đầu tư lắp đặt thêm loại điện này trên mái nhà để kinh doanh”- chị Nguyệt cho hay.

Ông Đỗ Anh Dũng- Phó Giám đốc Điện lực Tây Ninh cho biết, việc lắp đặt điện mặt trời góp phần giúp ngành Điện tăng sản lượng phục vụ khách hàng, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, góp phần tiết kiệm điện, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và giảm áp lực cho ngành Điện- đặc biệt là vào mùa nắng nóng.

ĐMTAM có những lợi ích thiết thực như: chống nóng hiệu quả cho công trình nhà ở; giảm chi phí tiền điện hằng tháng của các hộ gia đình, doanh nghiệp; tăng thu nhập nhờ bán lại phần sản lượng điện không sử dụng cho Điện lực; không tốn diện tích đất khi lắp đặt; được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu nên giảm áp lực đầu tư lưới điện truyền tải, đạt hiệu quả quanh năm, chi phí bảo trì rất thấp và góp phần bảo vệ môi trường.

Hiện tại, giá thành đầu tư một hệ thống năng lượng mặt trời đã giảm rất nhiều so với trước đây. Cụ thể, nếu hộ gia đình đầu tư một bộ với công suất là 3kWp, có giá khoảng 40 triệu đồng và ước tính thời gian hoàn vốn sau 4 - 5 năm, thời gian sử dụng bộ sản phẩm khoảng 25-30 năm.

Đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ giúp người dân tiết kiệm chi phí tiền điện phải trả hằng tháng, do giảm bớt sử dụng nguồn điện lưới. Hiện nay, trình tự thủ tục đấu nối và mua điện mặt trời rất đơn giản, khi chuẩn bị đầu tư lắp đặt, chủ đầu tư có nhu cầu bán điện chỉ cần liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam qua số điện thoại 19001006 hoặc 19009000 hoặc website chăm sóc khách hàng sẽ được hỗ trợ tư vấn, kiểm tra miễn phí điều kiện hoà lưới, lắp đặt điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời.

Nhà dân ở phường 2, thành phố Tây Ninh sử dụng ĐMTAM.

Mặc dù phải mua điện từ các nguồn ĐMT với giá cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành, nhưng xuất phát từ lợi ích chung của xã hội và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích ĐMTAM.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 (xét triển vọng đến năm 2030), đến năm 2020, tổng công suất nguồn điện quốc gia cần đạt 60 ngàn MW, tới năm 2025 là 96 ngàn MW và năm 2030 là 130 ngàn MW.

Tuy nhiên, hiện nay, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống của nước ta mới đạt 45 ngàn MW. Do đó, trong quy hoạch đã xác định việc ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời, sẽ nâng công suất đặt từ 6-7 MW năm 2017 lên 850 MW vào năm 2020 và khoảng 12 ngàn MW vào năm 2030, tương đương với 1,6% và 3,3% tổng công suất của cả nguồn điện.

Chính vì vậy, để tận dụng diện tích mặt bằng mái lớn tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng điện lưới đầy đủ, thuận tiện trong việc nối lưới, điện mặt trời áp mái được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay.

Ngoài ra, phát triển ĐMTAM đem lại lợi ích cho Nhà nước và người sử dụng điện. Đó là có thêm nguồn năng lượng sạch với sản lượng khá cao (nếu được khuyến khích đầu tư), giảm tối đa nguồn vốn ngân sách đầu tư vào các công trình nguồn phát và lưới truyền tải điện.

Theo ước tính, chỉ cần khoảng hai triệu nóc nhà tại Việt Nam lắp đặt ĐMTAM với công suất 10 kW/mái nhà sẽ giúp giảm tương ứng khoảng 16 triệu tấn than/năm dùng cho nhiệt điện than. Hệ thống điện mặt trời hoạt động trên nguyên lý hiệu ứng quang điện, biến quang năng thành điện năng, về lý thuyết và thực tế là tuyệt đối an toàn.

Theo các nghiên cứu của châu Âu, chưa có phát hiện nào về vấn đề sức khoẻ do điện mặt trời. Hiện nay, các hộ gia đình, nhà xưởng, nhà máy, trung tâm thương mại… đa phần lắp đặt hệ thống điện mặt trời hoà lưới.

Nguyên lý hoạt động của mô hình này là tấm pin hấp thụ ánh sáng mặt trời tạo ra điện 1 chiều, điện 1 chiều đi qua bộ hoà lưới chuyển thành điện xoay chiều cùng pha, cùng tần số với điện lưới, rồi đi đến tủ điện để cung cấp cho các thiết bị điện.

Điện dư sẽ được đưa lên hoà chung với điện lưới quốc gia. Các thiết bị trong hệ thống như tấm pin năng lượng mặt trời, bộ hoà lưới (inverter), tủ điện (DC/AC)… đều được các hãng sản xuất bảo đảm chất lượng và an toàn cho người sử dụng.

Việc đấu nối với lưới điện, lắp đặt công-tơ 2 chiều cũng được Điện lực kiểm tra nghiêm ngặt trước khi đưa hệ thống vào sử dụng. Vì vậy, mọi người có thể bỏ qua mối lo sử dụng điện mặt trời có nguy hiểm không.

Hệ thống ĐMTAM của gia đình chị Nguyệt.

Kể từ năm 2014, để tuân thủ chỉ thị chung của Liên minh châu Âu (EU), tất cả các quốc gia thành viên của EU đã đưa ra quy định riêng của đất nước mình về vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý rác điện tử, trong đó có các tấm pin mặt trời.

Theo đó, các nhà sản xuất được yêu cầu khi các tấm pin mặt trời lắp đặt cho các hộ dân hết thời hạn sử dụng thì các nhà sản xuất phải thu gom, vận chuyển, xử lý. Quy định này ràng buộc và tăng trách nhiệm của các nhà sản xuất với vấn đề bảo vệ môi trường, gắn sự tham gia của nhà sản xuất vào cả vòng đời của hệ thống. Đối với các hộ gia đình, cuối vòng đời hệ thống họ không phải tốn chi phí để xử lý.

Ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ, khi nhà đầu tư có nhu cầu sẽ được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát. Sau khi có kết quả sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các thủ tục, hồ sơ có liên quan đến dự án. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tiếp tục thực hiện việc tiết kiệm điện.

Trong đó, các cơ quan, công sở quan tâm chỉ đạo việc tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống cấp nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện năng. Việc mua bán điện giữa người dân và ngành điện đã có hành lang pháp lý chặt chẽ và cơ chế giám sát bảo đảm quyền lợi các bên.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh