Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước hồ Dầu Tiếng
Thứ hai: 01:11 ngày 21/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại hội nghị kiểm tra hệ thống công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà trước mùa mưa, lũ vào ngày 11.5.2018 vừa qua, hầu hết các đại biểu đều có ý kiến thể hiện sự lo ngại vì nguồn nước trong hồ Dầu Tiếng có biểu hiện đục kéo dài, không còn trong xanh như trước đây, đặc biệt vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 5.

Tàu hút cát trong hồ Dầu Tiếng.

Hồ nước Dầu Tiếng là công trình thuỷ nông lớn nhất nước ta. Hồ có diện tích mặt nước khoảng 270km2 ứng với mực nước dâng bình thường +24,4m trong đó có khoảng 45,6km2 đất bán ngập, dung tích chứa 1,58 tỷ m3 nước, được thiết kế để phục vụ đa mục tiêu, cung cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, TP. Hồ Chí Minh... Bên cạnh đó, hồ Dầu Tiếng còn có tiềm năng du lịch nhờ vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu trong lành, nguồn nước xanh trong.

Tuy nhiên, nhiều người dân và cán bộ quản lý đang lo lắng vì môi trường và chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng có dấu hiệu bị ô nhiễm. Tại hội nghị kiểm tra hệ thống công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà trước mùa mưa, lũ vào ngày 11.5.2018 vừa qua, hầu hết các đại biểu đều có ý kiến thể hiện sự lo ngại vì nguồn nước trong hồ Dầu Tiếng có biểu hiện đục kéo dài, không còn trong xanh như trước đây, đặc biệt vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 5.

Tàu khai thác cát NHIỀU HƠN số lượng cho phép

Ðược biết, hiện trên lòng hồ Dầu Tiếng có 14 đơn vị được cấp phép khai thác cát, trong đó có 12 giấy phép do tỉnh Tây Ninh cấp, còn lại do tỉnh Bình Dương và Bình Phước cấp, với tổng cộng khoảng 90 tàu đăng ký, tổng công suất 600.000m3/năm. Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Hùng- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, thực tế, số lượng tàu thuyền đang hoạt động tại đây vượt quá số lượng tàu thuyền được đăng ký cấp phép, chưa kể phát hiện thêm một số đơn vị khai thác không có giấy phép, mà chỉ có hợp đồng gia công khai thác cát với các đơn vị được UBND các tỉnh cấp giấy phép.

Ông Hùng cho biết, ngay từ đầu mùa khô, công ty đã phối hợp với các sở, ngành chức năng của 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước kiểm tra lấy mẫu nước ở tất cả các điểm xả thải, kiểm đếm số lượng tàu thuyền, trữ lượng khai thác để kịp thời báo cáo Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh để phối hợp chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát không đúng quy định.

Ðối với hiện tượng nước trong hồ bị đục, hiện tượng này thường xảy ra vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm, khi có dòng chảy về hồ mang theo một lượng đất bị rửa trôi từ lưu vực. Tuy nhiên, vào cuối mùa khô mà nước trong hồ vẫn còn bị đục là bất thường. Theo ông Hùng, việc xả nước thải của các nhà máy mì, cao su, trang trại chăn nuôi... và hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn thả gia súc trên vùng đất bán ngập, khai thác cát, nuôi cá lồng bè, đánh bắt thuỷ sản đều tác động trực tiếp đến môi trường nước hồ Dầu Tiếng, nhưng việc khai thác cát trong lòng hồ như hiện nay là nguyên nhân cơ bản gây nên hiện tượng nước hồ bị đục.

Ông Nguyễn Tiếp Tân- Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà cũng thừa nhận, khoảng 2 năm nay, môi trường nước trong hồ Dầu Tiếng bị đục. Ông đánh giá, do nguồn nước mặt rút xuống vào mùa khô, người dân “tranh thủ” cày xới, trồng cây trên đất bán ngập, và việc khai thác cát ảnh hưởng đến nguồn nước hồ chứa…

Bên cạnh đó là tình hình canh tác sản xuất nông nghiệp, chăn thả gia súc trên đất bán ngập, nuôi cá lồng bè, đánh bắt thuỷ sản trên hồ. Tất cả các hoạt động kinh tế trên tác động trực tiếp đến môi trường nước hồ Dầu Tiếng, gây khó khăn trong công tác quản lý hồ của công ty. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm nguồn nước trong hồ là hoạt động khai thác cát không đúng công suất được cấp phép, tàu thuyền đủ loại kích cỡ qua lại thường xuyên trên hồ.

Ông Tân cho biết, công ty đã gửi văn bản báo cáo, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện phối hợp với công ty để tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh ngay các hoạt động và quy trình khai thác cát trong lòng hồ theo đúng quy định.

CẦN CÓ GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ

Ðiều đáng mừng là theo kết quả kiểm tra các chỉ tiêu hoá lý của “chủ hồ”- Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, đến đầu tháng 3.2018, nước trong lòng hồ đều đạt chỉ tiêu, chỉ riêng tại vị trí cống lấy nước số 3 (cống đầu kênh Tân Hưng), 9/10 chỉ tiêu đạt, chỉ tiêu tổng chất rắn lơ lửng (TSS) bằng 63mg/l vượt 1,26 lần so QCVN08:2015/BTNMT. Ðến nay, tại vị trí này, hàm lượng TSS đã giảm xuống còn 1,18 lần và vẫn bảo đảm để phục vụ nhu cầu dùng nước cho 3 tỉnh Tây Ninh, Long An và TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Hùng, để bảo vệ tốt nguồn tài nguyên và môi trường nước hồ, cần phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát trong lòng hồ; giữa đơn vị quản lý hồ và các sở, ngành chức năng các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, giám sát. Ông đề nghị, các đơn vị khai thác cát phải đăng ký kế hoạch khai thác cụ thể hằng tuần, hằng tháng và số lượng tàu thuyền hợp pháp với Sở TN&MT các tỉnh và Công ty để theo dõi, giám sát hoạt động cho phù hợp, đặc biệt vào mùa khô khi mực nước hồ xuống thấp dần về mực nước chết.

Với địa hình lưu vực phức tạp, nhiều nhánh sông suối, chu vi lòng hồ lại rộng lớn, để kiểm soát tốt nguồn nước trong hồ, phục vụ mục tiêu cấp nước, trước mắt, cần có quy chế phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với UBND các tỉnh; giữa sở, ngành địa phương với “chủ hồ” trong công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động theo đúng quy định của pháp luật về khai thác cát trong môi trường hồ chứa, xử lý nghiêm đơn vị khai thác cát trái phép, đơn vị khai thác không đủ điều kiện và vượt công suất năm theo giấy phép được cấp. 

Với diện tích lưu vực hồ 270km2 và tỷ lệ thảm phủ thực vật như hiện nay, hằng năm, tốc độ bồi lắng trong hồ khoảng 2 triệu m3/năm, trong đó, dung tích chết 470 triệu m3 và tuổi thọ công trình 100 năm. Nếu kiểm soát tốt hoạt động khai thác cát trong hồ, bảo đảm độ sâu, công suất khai thác, không gây ra các hệ luỵ về sạt lở và môi trường nước sẽ làm tăng dung tích của hồ, tận thu được vật liệu cát xây dựng, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội các địa phương.

Một góc hồ Dầu Tiếng.

CÔNG TÁC XỬ LÝ PHẢI “NHANH, GỌN”

Phát biểu tại hội nghị kiểm tra hệ thống công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà với đại diện lãnh đạo cơ quan của Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành phố, ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Trưởng Ban PCLB&TKCN công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, yêu cầu Công ty TNHH MTV KTTL Dầu Tiếng - Phước Hoà, tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thuỷ văn trên lưu vực, sửa chữa ngay các hạng mục công trình xung yếu để bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình trong mùa mưa lũ 2018; ông còn yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, công ty phối hợp giám sát chặt chẽ các hoạt động trong hồ để bảo đảm an ninh trật tự, môi trường, an toàn tuyệt đối hệ thống công trình hồ Dầu Tiếng.

Ông lưu ý, Công ty TNHH MTV KTTL Dầu Tiếng - Phước Hoà là đơn vị có trách nhiệm quản lý các công trình, các hoạt động trong hồ, cần kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm của các cá nhân, đơn vị có liên quan để xử lý theo đúng thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cho cấp trên xử lý.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, công tác kiểm tra xử lý phải “nhanh, nhạy”. Các tỉnh ven hồ phải có kế hoạch phối hợp với công ty để tăng cường kiểm tra giám sát ngày, đêm. Ðối với vấn đề khai thác cát, UBND tỉnh đã kiểm tra, chấn chỉnh, đặc biệt là trong năm 2017, và đã có nhiều giải pháp xử lý.

Sắp tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, tổ chức cuộc họp chuyên đề về khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng để chỉ đạo quyết liệt, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn công trình và chất lượng nguồn nước trong hồ. Ông cũng yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra bảo vệ các hạng mục công trình đầu mối, phối hợp với Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, các địa phương ven hồ để kiểm tra, tuần tra, bảo vệ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về an toàn của công trình hồ. Công ty TNHH MTV KTTL Dầu Tiếng - Phước Hoà cần làm tốt công tác tuần tra kiểm tra, phối hợp các địa phương xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm đất trong hành lang bảo vệ công trình, các hành vi xả thải, vứt xác động vật, xả rác bừa bãi… vào hồ và vào các tuyến kênh thuộc hệ thống công trình, đặc biệt xử lý dứt điểm tình trạng tàu thuyền ra vào trái phép lòng hồ. Có như vậy mới bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ Dầu Tiếng.

Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh