Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
NỮ CHỦ TỊCH HỘI CỰU TNXP XÃ LONG VĨNH (CHÂU THÀNH):
Nguyện nêu gương sáng học tập, làm theo lời Bác Hồ dạy
Thứ hai: 14:12 ngày 02/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều năm qua, người dân xã Long Vĩnh đã quen thuộc với hình ảnh một phụ nữ cao tuổi, chạy xe Chaly tất tả ngược xuôi khắp các nẻo đường lên xã, xuống ấp… Những người dân “cố cựu” ở ấp Long Ðại, tức khu vực Giồng Nần, bờ Tây sông Vàm Cỏ Ðông, gần như không ai không biết người phụ nữ ấy- bà Út Hồng, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Kim Hồng, năm nay sắp bước sang tuổi 70.

Bà Út Hồng chăm sóc cây ăn trái trong vườn nhà

Từ khi Long Ðại còn là ấp Long Ninh, nằm “thoi loi” bên kia sông, thuộc xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành, người ta đã thấy bà Út Hồng làm cán bộ Phụ nữ ấp. Lúc Long Ninh được chuyển giao về huyện Châu Thành, đổi tên thành ấp Long Ðại, thuộc xã Long Vĩnh, bà Út Hồng được chị em tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã suốt 17 năm liền. Ðến khi tổ chức Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) các cấp được thành lập năm 2006, bà đảm trách chức vụ Chi hội trưởng Chi hội cơ sở xã, rồi Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Long Vĩnh cho đến nay. Ðã vậy, nhiều năm qua bà còn đảm nhận chức vụ Chủ tịch các Hội Chữ thập đỏ, Ðông y của xã. 

Tiếp chúng tôi trong căn “Nhà tình nghĩa” do Huyện đội Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xây tặng, bà Út Hồng cho biết, từ 55 năm trước, khi mới 14 tuổi bà đã làm giao liên, rồi du kích tập trung ở xã Tân Thành, huyện Cai Lậy quê bà. Mỗi lần có bộ đội chủ lực về đánh trận, chống càn trong Ðồng Tháp Mười, du kích tập trung và thanh niên các xã vùng giải phóng địa phương lại được vận động xung phong đi dân công hoả tuyến phục vụ chiến đấu.

Lớn lên chút nữa, cô TNXP cơ sở kháng chiến này được các cô chú lãnh đạo ở Cai Lậy bố trí làm cán bộ binh vận, dưới lớp áo “dân thương hồ” chuyên buôn cá mắm bằng đường sông từ miền Tây Nam bộ lên Tây Ninh để thực hiện nhiệm vụ mật. Từ đó, chị Hai Hồng quen biết với anh Út Ô, du kích xã Long Thành, huyện Toà Thánh của tỉnh Tây Ninh ở “lõm căn cứ” Giồng Nần. Ðược các chú Ba Già, Hai Nghệ lãnh đạo xã Long Thành “vun vén”, đầu năm 1975, chị Hai Hồng về làm dâu đất Giồng Nần và được gọi theo “thứ” của chồng là bà Út Hồng cho tới bây giờ.

Những năm đầu mới giải phóng, gia đình bà hết sức khó khăn. Chỉ có 8 công đất cha mẹ cho ở Long Ninh, vừa làm rẫy, làm vườn, vừa ra sức làm mướn, làm thuê đủ thứ việc để tạo thu nhập nuôi 6 đứa con lần lượt ra đời. Vậy mà bà Út Hồng vẫn hết sức tích cực làm công tác xã hội, bắt đầu từ vai trò cán bộ Phụ nữ ấp. Ðến đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi xã mới hình thành trên vùng đất “cái nôi cách mạng” (khu Giồng Nần là nơi hình thành tổ chức Ðảng đầu tiên của tỉnh Tây Ninh từ những năm 1930, hiện nay là khu di tích lịch sử cấp quốc gia) ở quê chồng, bà Út Hồng trở thành người cán bộ tổ chức quần chúng ở cơ sở “nhiều chức, đa năng” nhất ở đây.

Khi được hỏi: Ðộng lực nào đã khiến bà gắn bó mãi với những việc không tên và… không lương ở địa phương cơ sở suốt mấy chục năm qua? Bà Út Hồng không chần chừ nói ngay: Ðó là tôi học và làm theo gương Bác. Học như thế nào và làm ra sao? Bà Út Hồng đáp luôn: Học từ nhỏ và làm tới già… Và bà bắt đầu kể chuyện, hồi trước, khi còn nhỏ ở dưới quê, bà đã được các chú, các anh cán bộ trong vùng giải phóng Ðồng Tháp Mười dạy những bài hát, điệu múa vỡ lòng dành cho thiếu nhi “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng…”.

Lớn lên một chút, tuổi mười ba, mười bốn, cô bé Hồng được phân công làm liên lạc khi vùng quê nghèo bị giặc Mỹ trút bom đạn triền miên. Bước vào tuổi thanh niên, mỗi khi bộ đội vào chiến dịch, cô lại cùng các bạn trẻ hăm hở đi dân công, tải đạn phục vụ bộ đội chiến đấu với tinh thần và nguồn động lực từ lời ca, hình ảnh “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”. Sau đó, khi được phân công làm cán bộ binh vận, cô gái mười tám xuân xanh buôn cá mắm từ miền Tây Nam bộ lên chiến khu Bắc Tây Ninh, nhưng bên dưới các lu mắm là thuốc men, giấy báo được nguỵ trang kỹ lưỡng để vận chuyển “lên R”, cô bắt đầu được học những bài học về đạo đức Bác Hồ về lòng hy sinh, ý chí quyết thắng kẻ thù, giải phóng quê hương.

Mười năm tuổi trẻ hồn nhiên, yêu đời và xung phong phục vụ cách mạng, cô gái miệt vườn Cai Lậy nằm lòng lời dạy của Bác Hồ “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Ðào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Bài thơ bừng bừng khí thế quyết tâm của tuổi trẻ ấy, chính là bài thơ của Bác Hồ muôn vàn kính yêu tặng cho đơn vị TNXP đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp, đúng vào năm bà Út Hồng mới ra đời, giờ luôn được bà Út Hồng nhắc lại để động viên các đồng đội ở Hội Cựu TNXP xã Long Vĩnh cố gắng học tập, làm theo để vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống hôm nay.

Hiện tại, Hội Cựu TNXP xã Long Vĩnh chỉ có 27 hội viên, nhưng con số hội viên này lại là kết quả thực hiện nhiệm vụ làm nhân chứng lịch sử của “chi hội một người” từ lúc ban đầu. Trong đó có 25 người thuộc đối tượng hưởng chế độ theo Quyết định 290, 140, 62 của Thủ tướng Chính phủ cho hội viên kháng chiến chống Mỹ và tham gia bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam, đạt 100% đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ cư ngụ trong xã. Năm 2013, bà Út Hồng đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen trong dịp tổng kết 10 năm thực hiện vai trò nhân chứng lịch sử. 

Trong công tác Hội, điểm nổi bật nhất, có thể nói quyết định chất lượng hoạt động Hội đặc thù ở cấp cơ sở là mỗi tháng một lần, Hội Cựu TNXP xã Long Vĩnh duy trì chế độ họp toàn thể hội viên. Qua các cuộc họp sinh hoạt, BCH Hội tập trung vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên, mà quan trọng nhất vẫn là nội dung học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là việc vận động hội viên tích cực tham gia mọi mặt công tác, mọi phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của địa phương giàu truyền thống cách mạng, nơi thành lập tổ chức cơ sở Ðảng đầu tiên trong lịch sử Ðảng bộ tỉnh nhà.

Trong năm 2019, Hội đã vận động hội viên đóng góp xây tặng 1 căn nhà đồng đội cho hội viên nghèo khó khăn về nhà ở trị giá 37 triệu đồng, trong đó, hội viên đóng góp 22 triệu đồng, bản thân bà Út Hồng, Chủ tịch Hội đóng góp 15 triệu đồng. Từ nguồn đóng góp của hội viên gây quỹ góp vốn xoay vòng được gần 62 triệu đồng, trên cơ sở bình xét công khai, minh bạch, đến nay, BCH Hội đã cho 20 hội viên vay vốn xoay vòng, mỗi hội viên vay 3 triệu đồng với lãi suất nhẹ để sản xuất, chăn nuôi làm kinh tế gia đình.

Bà Út Hồng còn tích cực nêu gương và vận động hội viên Cựu TNXP tham gia vào công tác dân vận tại địa phương như phát quang, tu sửa đường nông thôn và hưởng ứng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bản thân bà Út Hồng và gia đình luôn sống chan hoà tình làng nghĩa xóm, đồng thời vận động bà con láng giềng tích cực tăng gia sản xuất, tránh xa tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, tăng gia sản xuất, ổn định đời sống gia đình để cùng chính quyền, đoàn thể địa phương xây dựng đời sống văn hoá nông thôn mới.

Từ những phấn đấu của bản thân bà Út Hồng đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của tổ chức Hội, kết quả, Hội Cựu TNXP xã Long Vĩnh giữ vững thành tích đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua của Huyện hội Châu Thành, được UBND tỉnh tặng 7 bằng khen từ năm 2013 đến nay. Riêng cá nhân bà được UBND tỉnh tặng 5 bằng khen trong các năm qua, trong đó có bằng khen “Có thành tích xuất sắc trong phong trào Cựu TNXP nêu gương sáng học tập, làm theo lời dạy của Bác Hồ”.

NGUYỄN TẤN HÙNG

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh