Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines cùng các đồng phạm ra hầu tòa
Thứ năm: 12:45 ngày 16/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sáng 16/2, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines).

Bị cáo Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Các bị cáo phải ra trước vành móng ngựa trong vụ án này gồm: Trần Văn Liêm (sinh năm 1955, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines), Trần Văn Khương (sinh năm 1951, nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines), Giang Kim Đạt (sinh năm 1980, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines) cùng bị xét xử về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278 - Bộ luật hình sự. 

Riêng bị cáo Giang Văn Hiển (sinh năm 1950, ở tại quận 2, TP Hồ Chí Minh, bố đẻ bị cáo Giang Kim Đạt) bị đưa ra xét xử về tội “Rửa tiền” theo quy định tại Điều 251 - Bộ luật hình sự. 

Ba bị cáo bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” bị bắt tạm giam, riêng bị cáo Giang Văn Hiển được tại ngoại. 8 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo đều có mặt tại phiên xử. 

Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Nguyễn Quốc Thành (Chánh Tòa hình sự, Tòa án nhân dân TP Hà Nội) làm chủ tọa phiên tòa. 

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát công bố tại phiên tòa: Từ tháng 7/2006 đến tháng 3/2007, Trần Văn Liêm đã ký hợp đồng mua ba tàu Vinashin Summer, Vinashin Island và Vinashin Phoenix, đồng thời giao cho Giang Kim Đạt thực hiện đàm phán mua các con tàu này. 

Quá trình thỏa thuận, Đạt thống nhất với công ty môi giới là Marvin Shipping LTD mua tàu Vinashin Sumer (của Panama) với giá 6,25 triệu USD và Vinashinlines sẽ được hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng mua bán tàu. Trong số 2% đó, công ty môi giới được giữ lại 10%, số tiền còn lại hơn 1,9 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển. 

Tương tự, chiếc tàu Vinashin Island được mua với giá 5,95 triệu USD của Croatia; trong đó, Đạt thỏa thuận với Marvin Shipping LTD để được hưởng 3,75% và cũng trích lại 10% trên tổng số tiền “hoa hồng” cho đối tác. Số tiền lần này được chuyển vào tài khoản của bố đẻ bị cáo là hơn 3 tỷ đồng. 

Đối với tàu Vinashin Phoenix được mua với giá 21,55 triệu USD của Hy Lạp, Đạt cũng thỏa thuận để hưởng lợi bất chính 2% theo giá trị hợp đồng. Số tiền Marvin Shipping LTD chuyển vào tài khoản của Giang Văn Hiển ở lần thứ ba này là gần 6,5 tỷ đồng. 

Với kiểu “làm ăn” nêu trên của Giang Kim Đạt, bị cáo Giang Văn Hiển đã nhận được tổng cộng gần 11,5 tỷ đồng tiền bất chính từ những hợp đồng mua bán các con tàu của Vinashinlines. 

Ngoài ra, từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2008, thông qua các công ty môi giới, Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt và Trần Văn Khương đã thỏa thuận, đàm phán với các chủ tàu để gửi giá cước trong hợp đồng thuê mướn 9 con tàu và đã chiếm đoạt 249 tỷ đồng của doanh nghiệp Nhà nước. 

Cáo trạng truy tố đã cho rằng, quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, Liêm cùng đồng phạm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của Vinashinlines hơn 260 tỷ đồng; trong đó, bị cáo Liêm chiếm hưởng 3,1 tỷ đồng, Đạt hưởng hơn 255 tỷ đồng và Khương chiếm đoạt 110.000 USD. 

Viện Kiểm sát cũng xác định, sau khi nhận được tiền chuyển vào tài khoản, bị cáo Giang Văn Hiển đã rút ra đưa cho con trai là Giang Kim Đạt, đồng thời mua 40 bất động sản và mua đi bán lại 13 ô tô đứng tên bị cáo cũng như những người thân khác trong gia đình. 

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 4 ngày.

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục