Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhà báo của nông dân thì phải biết lao động như nông dân
Thứ ba: 16:30 ngày 22/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Là “tay ngang” viết báo, nên tôi tích cực học tập kinh nghiệm của những người đi trước, tự nghiên cứu thêm tài liệu về báo chí, cách viết báo và những lời dạy của Bác đối với người làm báo- nhất là câu nói: “Nhà báo của nông dân thì phải biết lao động như nông dân thì viết mới đúng được”.

Muốn viết đúng về nông nghiệp, nhà báo phải xuống đồng ruộng cùng nông dân. Ảnh tư liệu

Khoảng ba mươi năm trước, tôi may mắn được làm cộng tác viên trẻ của tờ báo tỉnh nhà. Rồi sau đó, tên tôi được điền vào biên chế chính thức của toà soạn. Khi nghỉ hưu, tôi vẫn tiếp tục làm cộng tác viên của bổn báo.

Là “tay ngang” viết báo, nên tôi tích cực học tập kinh nghiệm của những người đi trước, tự nghiên cứu thêm tài liệu về báo chí, cách viết báo và những lời dạy của Bác đối với người làm báo- nhất là câu nói: “Nhà báo của nông dân thì phải biết lao động như nông dân thì viết mới đúng được”.

Lời Bác nói, trong lần về tham gia chống hạn ở Hà Ðông. Khi đến cánh đồng, Bác bảo mọi người giúp dân tát nước. Rồi Bác chỉ một thanh niên ăn mặc bảnh bao cùng tham gia với Bác.

Thấy vậy, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Ðông đỡ lời: “Thưa Bác, đồng chí này là nhà báo ạ”. Bác cười và nói: “Nhà báo của nông dân thì phải biết lao động như nông dân thì viết mới đúng được”.

Lời dạy của Bác đối với anh nhà báo trẻ đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Một bài học quý cho những người làm báo. Muốn viết cho đúng (chưa nói là phải hay) về lĩnh vực nào đó thì phải nghiên cứu cho thật kỹ, nếu cần thiết phải tham gia thực tế về lĩnh vực đó.

Ðiều này rất đúng với trường hợp của tôi. Bài báo đầu tiên tôi tham gia cộng tác với Báo Tây Ninh viết về gương một nông dân sản xuất giỏi. Người nông dân ấy làm ruộng kế bên ruộng của tôi, tôi học hỏi rất nhiều kinh nghiệm về lao động sản xuất của ông.

Một nông dân trẻ, có chút chữ nghĩa làm cộng tác viên viết bài về nông dân sản xuất giỏi, mà mình thường xuyên gặp gỡ thì tất nhiên viết đúng rồi. Nhờ vậy mà bài báo cộng tác đầu tiên của tôi được đăng.

Chắc ai cũng biết nỗi vui sướng của một người được đăng bài báo đầu tiên. Cũng từ đó, tôi sẵn đà lấn tới nghề báo. Một nông dân tham gia viết báo, tất nhiên tôi quanh quẩn về đề tài nông nghiệp, nông dân và nông thôn…

Ðược biết, sinh thời, dù bận trăm công ngàn việc, Bác Hồ vẫn dành thời gian để viết và đọc báo. Những năm hoạt động cách mạng ở Pháp, Bác cùng một số hội viên Hội Liên hiệp Thuộc địa xuất bản tờ báo Người Cùng Khổ, do Bác làm chủ bút, kiêm chủ nhiệm.

Bác viết nhiều, có số tới hai, ba bài. Sau này khi đã là lãnh đạo cao nhất, Bác vẫn viết nhiều bài báo, với nhiều bút danh khác nhau. Có năm Bác viết hàng trăm bài. Cách viết báo của Bác đến ngày nay vẫn là bài học cho những người làm báo. Một đoạn, trong một bài viết ngắn của Bác: “ ...

Ở Bắc: Ông bà Nguyễn Ðinh Thiện hiến hơn 2.000 mẫu. Ông bà Ðỗ Thúc Bách 600 mẫu, v.v... Ở Trung: Tôi không biết rõ, xin đồng bào và cán bộ cho biết. Ở Nam: 300 đồng bào điền chủ đã hiến 24.500 mẫu, trong đó miền Tây nhiều hơn.

Theo báo cáo số ruộng hiến cộng tất cả đã đến 40.000 mẫu...”. Ðọc một đoạn ngắn này cho thấy phong cách làm việc, cách viết báo của Bác để ta học tập. Việc gì Bác biết chính xác, Bác mới viết.

Việc gì Bác biết gián tiếp, Bác viết “theo báo cáo”. Việc gì Bác không biết rõ, Bác “xin đồng bào và cán bộ cho biết”. Bác xin “đồng bào” trước, xin “cán bộ” sau. Ðây cũng là cách tiếp cận thông tin mà những người làm báo cần phải học tập.

Tôi cũng hết sức tâm đắc về một câu hỏi của Bác với một nhà báo cách đây hơn bảy mươi năm. Theo lời kể của nhà báo này, trong chiến dịch biên giới Thu Ðông năm 1950-1951, ông là phóng viên Báo Cứu Quốc tại mặt trận. Sau khi quân ta thắng lợi ở Thất Khê, ông viết một bài “Thắng lợi tại Thất Khê”.

Trong bài viết, ông có dùng những từ ngữ rất “kêu”. May mắn cho nhà báo này là lúc ấy Bác Hồ cũng đến chỉ đạo mặt trận. Bác Hồ, nhà báo cố gắng tìm gặp Bác và đưa bản thảo bài viết cho Bác xem giúp. Dù bận rất nhiều việc, Bác vẫn tranh thủ đọc. Ðọc xong, Bác cười và hỏi tác giả: “Chú viết báo cho ai đọc?”.

Nhà báo này trả lời ngay: “Thưa Bác, cháu viết cho nhân dân lao động đọc ạ!”. Nghe vậy, Bác mỉm cười nói: “Chú viết cho nhân dân lao động thì nhân dân lao động đọc và phải hiểu được. Vì thế, chú nên hỏi các ông Ké, bà Bủ trong bản".

Qua lời dạy của Bác, nhà báo trẻ này nhận ra trong bài báo của mình đã dùng quá nhiều từ khó hiểu. Làm theo lời Bác dạy, ông đem bản thảo bài báo vào bản đọc cho các cụ già nghe. Quả như lời Bác chỉ bảo, có rất nhiều từ mà các cụ già ở đây nghe chẳng hiểu gì cả. Tác giả bài viết phải giải thích cặn kẽ, các cụ mới hiểu. Rồi nhà báo này kịp thời thay những từ khó hiểu bằng những từ thông dụng hơn.

Cùng với viết báo, Bác Hồ hết sức quan tâm đến việc đọc báo. Công việc quá nhiều, không có đủ thời giờ đọc hết các báo, Bác nhờ người giúp Bác hằng ngày đọc các báo Nhân Dân, Quân Ðội Nhân Dân, Cứu Quốc...

Khi đọc, thấy các báo nêu thành tích của nông dân, công nhân thì ghi tóm tắt vào sổ. Hằng ngày, đúng 7 giờ, người giúp Bác đọc báo đưa sổ ghi chép lên cho Bác xem. Từ 7 giờ đến 7 giờ 15 phút Bác đọc quyển sổ ghi tóm tắt các bài báo viết về người tốt, việc tốt.

Theo lời kể của ông Lê Huy Bảo, một kỷ niệm in đậm trong trí óc của ông là lần ông đọc báo Nhân Dân và ghi vào sổ: “Tổ sản xuất Dân Chủ sản xuất đinh, tháng 1 sản xuất được 50 vạn chiếc đinh, tháng 2 nhờ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật sản xuất được 60 vạn chiếc đinh”.

Ðọc xong Bác lấy bút mực đỏ gạch bỏ 2 chữ “đinh” ở cuối câu, rồi nói: “Chú viết một câu ngắn mà có 3 chữ “đinh”. Phải biết tiết kiệm giấy mực, công sức và thời gian. Ðọc 2 chữ “đinh” mất một giây, cả triệu người thì hết bao nhiêu thời gian...

Không chỉ viết báo, mà trong các văn bản báo cáo, Bác rất quan tâm đến việc cần phải viết ngắn gọn, dùng từ ngữ đơn giản, nhưng đầy đủ ý nghĩa. Cụ thể như, vào mùng Một Tết Nguyên đán năm 1956, Bác đến “xông đất” một cơ quan, thấy có một người trực và đang viết báo cáo tổng kết công tác năm.

Xem qua báo cáo, Bác góp ý ngay: “Chú viết ngắn thôi. Kết luận là: “Toàn đội hết lòng bảo vệ Trung ương Ðảng và Chính phủ được an toàn. Không nên nói: Bảo vệ Hồ Chủ tịch, vì trong Trung ương Ðảng và Chính phủ là có đủ mọi người rồi”.

Tôi tự nguyện với mình, ngày nào còn mạnh khoẻ, trí óc còn minh mẫn thì còn tham gia viết báo. Ngày nào còn viết báo là còn cố gắng học tập và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách của Bác, đặt biệt là học tập cách viết báo và những lời dạy của Bác đối với người làm báo.

T.L

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh