Theo dõi Báo Tây Ninh trên

Báo khác tạp chí lý luận chỗ nào?
Tháng 3-2000.
Tôi hoàn tất chương trình nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ với số điểm tuyệt đối. Nhà xuất bản Sự thật Hà Nội nhận tu chỉnh và in luận án này. Tôi mời ông viết lời giới thiệu cuốn sách theo gợi ý của nhà xuất bản. Ông xem và rất mừng, nhất là khi xem danh mục 40 công trình khoa học liên quan tới luận án đăng trên các tạp chí trong nước và nước ngoài. Ông cười: Thế này nhuận bút các bài đăng trên các tạp chí đã dư để trang trải thủ tục bảo vệ và liên hoan rồi còn gì.
Và, ông chợt hỏi: Sao họ không tính công trình đăng các báo làm điều kiện bảo vệ luận án khoa học nhỉ?
Tôi nhìn ông: Dạ. Anh thử em. Có tới cả mười lý do ấy ạ. Chẳng hạn, công trình trên tạp chí đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại, được lưu trữ và nhận diện ở quốc gia hoặc quốc tế. Lại chẳng hạn, công trình lan tỏa kết quả nghiên cứu đến với nhiều người và lâu dài, khẳng định vị trí tác giả trong bản đồ các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Nhưng, xét trên phương diện báo chí - cao hứng, tôi nói một hơi - nếu báo khám phá trước hết và phản ánh sự thật đó là gì, nó như thế nào và cho một ngày thì tạp chí khám phá và phải trả lời tại sao sự thật lại thế, tại sao nó không thể và không phải là cái khác và chờ ngàn ngày để xem sự vận động những sự thật cùng loại và cùng thuộc tính của chúng. Nếu nói cho thật hình ảnh, báo thì phát hiện và phản ánh, tạp chí thì tìm những mối liên hệ hay mâu thuẫn bên trong và bên ngoài mang tính hệ thống và tổng kết, hẹp là quy luật, rộng hơn là tính quy luật. Được gọi là công trình khoa học và tính điểm hay không giữa báo và tạp chí chính là ở đó ạ!
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 - Ảnh: Trí Dũng (TTXVN)
Ông cười: Triết lý quá - và chợt lắng xuống - Lý luận là ở đó! Các cụ bảo, nói có lý có lẽ cũng là vì đó! Người làm tạp chí lý luận đi xa được hay không là ở chính chỗ này đây! Em ạ!
Và, ông nhận viết lời giới thiệu cuốn sách chuyển từ luận án cho tôi và hẹn 3 ngày sau ông gửi!
Y hẹn, tôi sung sướng nhận từ tay ông bản đánh máy lời giới thiệu.
Và sững lại: Anh ơi, sao anh không ghi đầy đủ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương mà chỉ ghi: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng?
Ông tủm tỉm cười: Thế là vừa đủ! Anh đang ngại, không biết có nói cho xứng đáng về cuốn sách với tác giả của nó không đây!
Triết lý hay kỹ năng quan trọng hơn?
Tháng 7-2016.
Đại hội lần thứ XII của Đảng bế mạc ít tháng, tôi lên chúc mừng ông tái cử Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ thứ 2. Và, biếu ông cuốn sách thứ 6: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản lần thứ 2.
Điều khiến tôi cảm kích, ông đứng dậy lấy 5 cuốn mang riêng tên tôi từ một ngăn nhỏ trên giá sách dành cho hơn 20 cuốn sách tôi viết riêng hay tuyển chung do các nhà xuất bản ấn hành, đặt lên bàn, vuốt cho tới thật vuông vắn và nhìn tôi: Em đã lớn rồi!
Và, ông cười: Lên xe, nghe đài cũng thấy em; tới cơ quan, mở báo ra cũng thấy em; tối về, bật tivi lên lại thấy Nhị Lê! Khiếp, viết và nói khắp thế, chắc nhiều nhuận bút lắm, tiền để đâu cho hết!
Tôi ngượng nghịu: Em để dành nó làm phần thưởng cho các cháu ngoại học giỏi, mừng các em, các cháu bảo vệ luận văn, luận án và phát lộc dịp tết hay nhân năm học mới cho một số cháu là con các cô chú thân tình ở cơ quan cho vui! Nhuận bút cả cuốn sách mà còn thua một bài báo ý!
Chợt ông trầm ngâm: Lạ thế! Chế độ nhuận bút gì mà lạ thế! Ông nói tiếp: Nhuận bút anh viết cho báo chí, giao cho chú Thư ký giữ và dồn lại để làm quà cho anh chị em văn phòng vào các dịp lễ, tết! Chịu khó viết lắm, nhưng nhuận bút thế này thì chả được bao nhiêu.
Và, ông im lặng hồi lâu, rồi hỏi tôi: Đến giờ, em viết được mấy trăm bài báo rồi nhỉ? Tôi khép nép: Dạ, chỉ độ ngàn bảy, ngàn tám gì đó thôi ạ! Em chưa thống kê hết, còn từ năm 1981 hồi ở bộ đội nữa!
Tôi cười: Anh ạ! Em đọc anh nghe câu vè dân gian về nhà báo nhé. Và, thả từng tiếng một: Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà đài/ Bốn nhà cộng lại bằng hai nhà nghèo!
Và, chúng tôi cùng cười!
Rồi, bất chợt ông hỏi: Qua mấy chục năm ở tạp chí, em nghĩ gì?
Tôi im lặng và nhìn ông.
- Thì cứ nói thử anh nghe xem nào! - ông động viên.
Tôi thưa: Anh ạ! Một câu khó hết chuyện. Em chỉ là thầy bói xem voi mà anh lại sai trói voi bỏ rọ.
- Rào đón mãi! Thì cứ nói anh nghe xem nào!
- Dạ! Có thể gói gọn trong 3 câu: Một là, không có triết lý thì kỹ năng báo chí kia chỉ là mẹo mực vụn vặt. Hai là, không sáng tạo được ý tưởng và ngôn từ của riêng mình thì thôi nên đi làm việc khác. Ba là, không có bạn đọc của riêng mình thì viết bao nhiêu, nói bao nhiêu cũng chỉ là công việc của anh thợ chữ, thợ nói hạng xoàng.
Ông chăm chú và hỏi lại rất nhanh: Em vừa nói đến cái triết lý. Nó thế nào nhỉ?
Đang hăng hái, tôi thưa: Triết lý là căn bản, còn kỹ năng là quan trọng. Triết lý là linh hồn, còn thuật kia là thể xác. Nắm lấy nó thì không gì không bao hàm đồng thời không gì bị bỏ sót. Hơn 32 năm làm ở tạp chí lý luận, em chỉ có sáu chữ làm triết lý cầm bút mà thôi!
- Sáu chữ gì?
- Dạ! Thế nước - Lòng dân - vận Đảng!
Ông đứng dậy, với tay vào đống bút nằm trên bàn, chọn cây bút nước màu mực xanh và tặng tôi.
Phẩm chất của người viết tạp chí lý luận
Tháng 10-2018.
Ông hẹn tôi lên Văn phòng Tổng Bí thư, giúp một số việc liên quan tới báo chí, chuẩn bị cho việc đón xuân Kỷ Hợi 2019.
Tôi bước vào phòng trợ lý của ông, hàm ý vừa thăm vừa như để trình báo công việc với Tổng Bí thư!
Vừa rót nước mời, anh trợ lý vừa nói: Cái cặp kia là của chú đấy. Tôi hỏi: Cặp nào ạ? Cặp để đầu bàn làm việc của anh đấy! Thủ trưởng giao, hằng tuần, anh lấy tất cả những bài viết, bài nói của chú để vào cặp đó. Đều đặn, Thủ trưởng sang lấy và mang về đọc.
Tôi bất ngờ và ngạc nhiên!
Công việc với Tổng Bí thư xong xuôi, đương lúc trà dư tửu hậu, chợt ông hỏi: Em về tạp chí sắp 35 năm rồi nhỉ? Ông hỏi tiếp: Giờ, nói gọn về phẩm chất người làm tạp chí, anh nghe nào.
Tôi cao hứng: Anh dạy em khi mới về tạp chí rồi, một rằng, có quyết tâm cao và hai rằng, có phương pháp đúng, thì việc gì dù khó mấy cũng sẽ làm được.
- Lạc đề, anh hỏi em về tư chất kia mà - ông nhìn tôi - Chỉ được cái vụng chèo khéo chống! Và, ông cười!
Tôi “cãi” lại: Quyết tâm và phương pháp chả nhẽ nằm ngoài tư chất lý luận ư anh?
- Thôi! Thử nói gọn lại anh nghe xem nào - ông chân tình.
- Em… thử thôi, anh nhé! Em ngẫm, cả đời cố theo cho đủ tối thiểu 12 từ dành cho tự kỷ. Tôi ngừng lại, rót thêm nước trà mời ông. Và, tôi “mặc cả”: Của em thôi nhé! Ông giục. Và, tôi thủng thỉnh buông hai tiếng một: Thưa anh, ấy là, lắng nghe, trung thực, sáng tạo, dũng cảm, trách nhiệm, khiêm cung.
Và, tôi xòe bàn tay, nhấn từng ngón, hăng hái: Em nói một cách hình ảnh, làm lý luận là phải biết nghe tất cả; giữa hỗn mang, phải nhìn thấy những điều sẽ đến mà chưa ai nhìn thấy; phải dám viết, dám nói những vấn đề chưa ai dám nói, dám viết; phải không sợ sệt khi bảo vệ và cổ vũ thực hiện chúng; phải chịu trách nhiệm về những điều mình nói, mình viết; và, khi thành công, phải biết lẳng lặng bỏ chúng… mà đi!
Tôi buông câu cuối cùng trong mạch hăng hái: Không được như thế, thì thôi, em không làm lý luận chính trị nữa!
Ông trìu mến, nắm chặt tay tôi, động viên: Giờ, lớn rồi, tiếng tăm rồi, phải giữ gìn thật cẩn thận. Nghiệp rồi! Nhớ đừng để sơ sểnh nhé, chỉ một tý thôi, là mua danh ba vạn bán danh ba đồng đấy, em!
Tôi ám ảnh mãi về câu nói sau cùng của ông!
“Nhớ đừng để sơ sểnh nhé, chỉ một tý thôi, là mua danh ba vạn bán danh ba đồng đấy, em”!
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, xin nhà báo Nguyễn Phú Trọng, được kể ra một chút về ông, ngõ hầu để mãi học theo ông, để những mong thay nén tâm nhang nghiệp báo mà tôi đa mang hơn 40 năm, cung kính dâng ông đang ngự trên trời… Và, như vẫn thấy đôi mắt và nụ cười ông lấp lánh đang… tỏa xuống!
Nguồn baobinhphuoc