Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhà có 5 Đảng viên
Chủ nhật: 19:48 ngày 31/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ở khu phố 2, phường 1, TP.Tây Ninh, nhiều người biết đến gia đình ông Chàm Mít không chỉ vì tinh thần vượt khó hiếu học, mà còn bởi đây là gia đình đảng viên tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc Chăm nơi đây.

Các chị SiNa, Mây Ghiêm và Thị SaFi trao đổi công việc cùng nhau.

Vượt khó cho con đến trường

Ông Chàm Mít năm nay đã gần 70 tuổi, được biết đến là người có tư tưởng tiến bộ trong đồng bào dân tộc Chăm ở khu phố 2 này. Gần 40 năm trước, cuộc sống khi đó vẫn còn đầy khó khăn, gian khổ nhưng ông thà chấp nhận nghèo khó nhưng quyết không để các con mình phải bỏ học.

“Ngày xưa nhà ai cũng nghèo lắm, người ta chỉ lo tới cái ăn thôi, không có mấy nhà cho con đi học đâu. Tôi cho con đi học, trong xóm cười chê dữ lắm. Người ta nói, nghèo mà cho đi học làm chi, cho con đi chăn trâu đi, một năm cũng kiếm được một con nghé”, ông Chàm Mít trầm tư nhớ lại.

Nhưng, mặc ai nói gì thì nói, ông Chàm Mít và vợ là bà Thị SaRó nhất quyết vẫn cho con đến trường. Lúc đó, ông làm công an viên phụ trách khu vực khu phố 2, Phường 1. Còn vợ ông, nhận làm mướn các việc đồng án, rồi đi giúp việc nhà cho các gia đình trong khu phố.

Đến năm 2009, khi có quy định mới về công an viên ở phường, ông nghỉ việc và làm bảo vệ dân phố cho đến nay. Dù làm việc gì, ông bà Chàm Mít cũng luôn cố gắng, với tâm niệm không để con phải nghỉ học giữa chừng. Cứ vậy, lần lượt từ đứa con gái lớn đến cậu con trai út đều được đi học.

Thậm chí, khi đó, số người được đi học chữ đã ít, riêng ông Chàm Mít còn cho con đi học cả trường mẫu giáo. Ông Chàm Mít nói “Tôi luôn căn dặn tụi nhỏ: chỉ có học mới cho các con cuộc sống tốt hơn. Bản thân tôi cũng vì trình độ hạn chế, cuộc sống mới khó khăn. Đó là động lực giúp vợ chồng tôi làm lụng, cho dù nhiều công việc rất vất vả”.

Kể về cuộc sống gia đình, chị Thị SaFi chia sẻ, ngày xưa, người dân tộc Chăm không cho con gái tới trường đâu. Chỉ con trai mới được đi học thôi. Nhưng, ba của chị lại không suy nghĩ vậy. Do tất cả các con đều đi học, nên nỗi lo cơm áo đè nặng lên vai ông bà Chàm Mít. Rất may các con  của ông bà đều ý thức được những lo toan của ba mẹ, nên mỗi khi đi học về, cả 6 chị em đều chia nhau làm việc nhà, đỡ đần cho mẹ. Chị lớn làm việc lớn, em nhỏ phụ việc nhỏ.

Những năm nhà nhận nuôi bò rẻ, chị em chia nhau, người cắt cỏ, người dắt bò đi ăn, người cho bò uống nước; hay chị nấu cơm, em rửa chén… Tuy nhiên, cũng có lúc, thấy ba mẹ vất vả, chị SaFi từng nghĩ đến việc nghỉ học, ở nhà đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình.

“Lần đó, tôi đã nghỉ học 1 buổi, tính ở nhà luôn để phụ ba mẹ nuôi các em. Nhưng, cả hai ba mẹ đều quyết không cho nghỉ. Tôi còn bị ba đánh vì tội bỏ học. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi bị ba đánh đòn. Từ đó, bản thân tự hứa với lòng sẽ không bao giờ có ý định nghỉ học nữa, nhất định phải học cho giỏi để sau này có việc làm, có thể lo cho gia đình chu đáo”, chị Thị SaFi xúc động kể lại.

Còn chị Ên Ha SiNa lại giúp ba mẹ theo kiểu riêng của mình. SiNa vốn tháo vát nên ngay từ nhỏ, chị đã có thể kiếm tiền bằng cách bán những món trái cây trong vườn của mình cho bạn bè trong trường. Lớn hơn chút, SiNa tự chế biến những món ăn vặt để bán, lấy tiền trang trải việc học.

“Khoảng năm lớp 10, tôi đi học một buổi, còn một buổi tôi ở nhà nấu các loại nước mát, đổ rau câu dừa, rồi làm bánh tráng trộn mang ra đầu đường bán cho học sinh trường Tiểu học Lê Văn Tám. Tôi còn mua thêm trái cây ở những nhà trong xóm, mang ra bán. Thức ăn mình tự làm, không có hoá chất nên nhiều phụ huynh rất thích, mua ủng hộ. Có hôm, chỉ một buổi, tôi bán được hơn 200 hũ rau câu dừa. Nhờ đó, tôi học hết cấp 3 và tiếp tục học lên Trung cấp”, chị SiNa kể.   

Những đảng viên ưu tú

Nghe lời dạy của ba, thấu hiểu vất vả của ba mẹ, 6 người con của ông Chàm Mít đều chăm chỉ học hành, tất cả đều có trình độ từ hết PTTH đến đến cao đẳng, đại học. Điều đáng quý hơn, khi 4 người con gái của ông giờ đã có việc làm ổn định và là đảng viên, có những đóng góp tích cực trong xã hội.

“Tôi là đảng viên được kết nạp vào năm 1998. Lúc đó, có người hỏi, thấy sao mà xin vào Đảng. Tôi chỉ nói, tôi thấy đường lối, chính sách đúng đắn thì tôi chấp hành, tôi xin vô. Bây giờ, tôi cũng hay dặn tụi nhỏ, đừng làm gì sai với pháp luật. Tôi nhắc các cháu phấn đấu rèn luyện bản thân để được làm đảng viên. Mấy đứa nhỏ chịu nghe, lại nhờ địa phương tạo điều kiện nên nay cả 4 đứa con gái đều vô Đảng hết rồi. Thằng con út đang làm xã đội, cũng đang chuẩn bị được kết nạp vào Đảng. Con nó được vậy tôi mừng lắm”, ông Chàm Mít xúc động nói.

Khi nói về các cô con gái, ông Chàm Mít không giấu vẻ tự hào. Ông kể, đứa con gái lớn Thị SaLyHas hiện đang là giáo viên của trường Tiểu học Lê Văn Tám. Nhiều năm liền chị là chiến sỹ thi đua cơ sở, được chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chị Thị SaFi là cán bộ của văn phòng Đảng uỷ Phường 1, chị từng là đảng viên tiêu biểu của thành phố. Tới đây, chị vinh dự là đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Tây Ninh nhiệm kỳ 2020-2025. Đứa con gái út Ên Thị Mây Ghiêm hiện đang là điều dưỡng ở bệnh viện Lao và Bệnh Phổi của tỉnh, hằng ngày chị tận tuỵ chăm sóc và điều trị bệnh cho các bệnh nhân nơi đây.

Chị SaLyHas trò chuyện cùng ba mẹ.

Đặc biệt, ông Chàm Mít nói nhiều về cô con gái thứ 4 của ông - Ên Ha SiNa. Bởi SiNa có nhiều hoạt động gắn liền với người dân trong khu phố như ông đang làm. Chị SiNa trước đây từng làm kế toán cho một công ty tư nhân. Nhưng khi thấy địa phương cần người hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, chị SiNa đã không ngần ngại nghỉ việc, về địa phương tham gia công tác xã hội.

Với sức trẻ và sự quyết tâm, chị Ên Ha SiNa được bầu làm Bí thư Chi đoàn Khu phố 2. Càng làm việc, chị càng thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự tháo vát của mình nên chị dần được tin tưởng, giữ vai trò là Trưởng Ban công tác MTTQ khu phố 2, Bí thư đoàn Thanh niên khu phố 2, Chi uỷ viên Chi bộ khu phố và còn là uỷ viên Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh. SiNa đã được lãnh đạo tỉnh, thành phố khen thưởng về những thành tích trong công tác tôn giáo, hoạt động chăm lo cho cộng đồng.  

Ngồi cạnh cha, chị SiNa chia sẻ thêm về công việc của mình. Chị nói, cứ đi đến đâu, chị cũng lân la, bắt chuyện với bà con để tạo sự gắn kết rồi tuyên truyền, vận động mọi người chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, chị rất quan tâm đến việc học của các em nhỏ. “Khi có trường hợp trẻ bỏ học, khi đến vận động, tôi thường đưa câu chuyện gia đình mình ra để làm ví dụ, có cố gắng sẽ vượt qua. Nhờ đó, nhiều trường hợp đã cho con em đi học lại”, chị SiNa vui mừng kể.

Ông Nguyễn Văn Non – Bí thư Chi bộ khu phố 2, Phường 1 cho biết, trong một nhà có đến 5 đảng viên như gia đình ông Chàm Mít là trường hợp tiêu biểu, đặc biệt. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng và phát triển tổ chức Đảng ở cơ sở, cũng như công tác cán bộ của địa phương. Mỗi đảng viên trong gia đình ông Chàm Mít đều  là cầu nối giữa cấp uỷ, chính quyền với bà con dân tộc Chăm, cùng nhau tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Chi bộ, trong khu phố.   

Tự hào với cuộc sống hiện tại, ông Chàm Mít, các chị SaLyHas, SaFi, SiNa, Mây Ghiêm đang không ngừng phấn đấu, ngày càng nỗ lực vươn lên trong công tác. Mỗi người một việc. Mỗi việc đều mang lại những lợi ích riêng cho cộng đồng. Đó là lý tưởng, là trách nhiệm của người đảng viên mà họ đã nguyện làm theo.

Ngọc Diêu – Phương Thảo

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh