Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xã hội hoá lĩnh vực văn hoá, thể dục thể thao:
Nhà đầu tư không mặn mà vì lợi nhuận thấp
Thứ sáu: 06:06 ngày 09/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chiều 6.6, Ban Văn hoá - Xã hội của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện xã hội hoá trên lĩnh vực văn hoá, thể dục thể thao thời gian qua.

Đội bóng đá U15 xã Tân Bình, TP. Tây Ninh luyện tập tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Học tập cộng đồng (VHTT&HTCĐ) xã. Ảnh minh hoạ: Đại Dương

Cần đa dạng hoá các hoạt động văn hoá, thể thao

Ông Nguyễn Thành Nhàn, thành viên Ban Văn hoá - Xã hội đề nghị xem xét thấu đáo, cân nhắc kỹ trước khi quyết định rút giáo viên đang biệt phái sang làm Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Du lịch (Trung tâm) trở lại trường học. Ông Nguyễn Tiến Hưng, thành viên Ban VH-XH nêu ý kiến, kinh phí dành cho hoạt động của Trung tâm chỉ 40 triệu đồng mỗi năm, mức chi này cần xem lại. Ông Hưng đặt câu hỏi: làm như thế nào để nâng cao hoạt động của Trung tâm, qua đó tạo nguồn thu? Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Ban VH-XH đề nghị lãnh đạo Sở VH,TT&DL cho biết việc xây dựng thiết chế văn hoá, đời sống văn hoá cho công nhân trong khu công nghiệp.

Ông Trần Anh Minh- Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, việc rút giáo viên tại Trung tâm về trường học chưa thực hiện được. Về vấn đề xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, đặc biệt ở cấp cơ sở không phải chuyện dễ, vì tỷ suất lợi nhuận thấp, nhà đầu tư không mặn mà. Việc cho thuê tài sản ở Trung tâm (để kinh doanh) cũng không dễ thực hiện, vì vướng Nghị định 151 (quy định một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công). Làm gì để thu hút đầu tư vào lĩnh vực văn hoá, thể thao? Trả lời câu hỏi này, ông Minh nói việc kêu gọi đầu tư, một mình ngành Văn hoá cũng khó thực hiện. Vấn đề lớn nhất là chuẩn bị quỹ đất thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực văn hoá - xã hội.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương- Trưởng ban VH-XH của HĐND tỉnh khẳng định, phong trào, nhu cầu thưởng thức văn hoá trong nhân dân không những có mà còn rất cao. Vấn đề là khâu đầu tư, tổ chức của các cơ quan quản lý trong lĩnh vực này, ví dụ, tại sao các thiết chế văn hoá có sẵn nhưng người dân lại ít vào sinh hoạt, vui chơi? “Có hay không chuyện thụ động, trông chờ, ỷ lại trong việc xã hội hoá lĩnh vực văn hoá, thể thao”- bà Nguyễn Thị Xuân Hương đặt câu hỏi.

Trưởng Ban VH-XH đề nghị lãnh đạo Sở VH,TT&DL tích cực hơn nữa trong thực hiện chức năng tham mưu, đồng thời lưu ý Sở cần ưu tiên, quan tâm đến đời sống văn hoá của người dân ở vùng sâu vùng xa, khu công nghiệp, “quản lý nhà nước về kinh doanh lĩnh vực văn hoá, thể thao cần thực hiện đúng hướng, đúng đường lối của Đảng và Nhà nước”.

Tủ sách Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Học tập cộng đồng xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên.

Xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá, thể thao là nhiệm vụ then chốt

Lãnh đạo Sở VH,TT&DL đánh giá, việc triển khai các chính sách xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá, thể thao được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh và ngành Văn hoá xác định đây là nhiệm vụ then chốt để thực hiện thường xuyên, nhằm tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực văn hoá, thể thao, giảm đầu tư ngân sách Nhà nước, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ nhu cầu người dân.

Cụ thể, chính sách về cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất được triển khai từ tỉnh đến cơ sở và đã đạt được những thành quả nhất định. Một số thiết chế văn hoá, thể thao trên địa bàn đã thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và khai thác đi vào hoạt động phục vụ người dân.

Đối với chính sách về công tác cải cách thủ tục hành chính, việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” giữa các cơ quan hành chính trong những năm qua được Sở VH,TT&DL thực hiện nghiêm, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân, tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư vào lĩnh vực văn hoá, thể thao.

Giai đoạn 2019-2022, không có dự án xã hội hoá lĩnh vực văn hoá, thể thao trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện. Nguyên nhân: việc đầu tư vào lĩnh vực văn hoá, thể thao chưa tạo được sức hút về mặt kinh tế để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư. Ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19 gây tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn, do đó, việc đầu tư xã hội hoá vào lĩnh vực văn hoá, thể dục, thể thao ít được các tổ chức, cá nhân quan tâm hưởng ứng.

Riêng dự án cụm thể thao tại đường Hoàng Lê Kha gồm hồ bơi và sân quần vợt (khu thể thao Hải Đăng) đã được doanh nghiệp tiếp tục đầu tư hàng tỷ đồng để nâng cấp. Hiện nay, cơ sở hoạt động rất hiệu quả, tạo sân chơi cho người dân, là nơi phát triển thành tích cao môn quần vợt và môn bơi lội của tỉnh.

Nhiều hạn chế trong thực hiện các chính sách xã hội hoá lĩnh vực văn hoá, thể thao

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 15 doanh nghiệp hoạt động biểu diễn nghệ thuật kết hợp trò chơi dân gian; 2 điểm chiếu phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt do tư nhân đầu tư; 229 câu lạc bộ đờn ca tài tử và hơn 120 tụ điểm hát với nhau; 148 ban nhạc tư nhân, 182 cơ sở kinh doanh karaoke...

Toàn tỉnh có 95 di tích được xếp hạng (gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh). Thực hiện chủ trương xã hội hoá lĩnh vực văn hoá, thể thao, trong giai đoạn 2019-2022, toàn tỉnh vận động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, sửa chữa, tôn tạo hơn 20 di tích các cấp với chi phí xã hội hoá trên 5 tỷ đồng.

Công tác xã hội hoá lĩnh vực thể thao được đẩy mạnh, từ cấp tỉnh đến cơ sở hằng năm đều huy động được nguồn xã hội hoá trong công tác phát triển thể dục thể thao ở địa phương, đơn vị. Tổng kinh phí xã hội hoá cho hoạt động cũng như đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động và phát triển phong trào thể thao trong giai đoạn 2019-2022 đạt trên 98 tỷ đồng, góp phần phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và sức khoẻ của nhân dân.

Những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy triển khai cơ chế, chính sách xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá thể thao, nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Các chính sách ưu đãi về tín dụng, ưu đãi đầu tư; chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng; chính sách miễn giảm tiền thuê đất được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư cũng như việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định. Tuy nhiên, nhu cầu thực tại của người dân chưa cao, việc đầu tư vào lĩnh vực văn hoá, thể thao chưa đem lại hiệu quả kinh tế, khó thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia.

Chính sách về cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn do vướng mắc một số quy định trong Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tính pháp lý tại một số quy định pháp luật chưa rõ ràng, khi triển khai chưa thống nhất, đồng bộ các điều kiện về loại hình, tiêu chí, quy mô tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hoá; công tác quy hoạch và chuẩn bị thu hút đầu tư chưa tốt. Việc giao đất sạch cho nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục, chưa tạo được môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc tiếp cận nguồn đất và triển khai thực hiện.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục