Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Một gia đình có 8 người, trong đó 4 người bị bệnh tật, 3 người không làm ra tiền, chỉ còn lại người đàn bà ốm yếu một mình nai lưng gánh vác mọi chuyện.
Gia đình của ông Hùng đang trong cơn khốn cùng.
Một gia đình có 8 người, trong đó 4 người bị bệnh tật, 3 người không làm ra tiền, chỉ còn lại người đàn bà ốm yếu một mình nai lưng gánh vác mọi chuyện.
Chúng tôi đến thăm hộ gia đình kém may mắn ấy vào chiều ngày 13.6 vừa qua. Nơi trú ngụ của họ là một căn nhà nhỏ nhắn, nằm nép mình bên vườn cao su trong xóm vắng, thuộc ấp Bàu Dài, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu. Nhìn bên ngoài, căn nhà giống như một bệnh viện thu nhỏ. Ngoài hiên, một thanh niên đang nằm gần như bất động trên võng. Đôi mắt anh lim dim, đầu cạo trọc để lộ một vết sẹo dài từ sau ra trước. Ngồi cạnh đó chăm sóc anh là một phụ nữ tay ẵm đứa trẻ sơ sinh. Kế bên là một cô gái, chân phải bị cụt gần tới đầu gối. Có vẻ vết thương nơi đầu gối cô chưa lành, vì còn dán bông băng trắng toát. Gần đó, có một bé gái và một cậu con trai nhỏ, đầu cũng trọc lóc, thân hình xanh xao, tiều tuỵ.
Chủ gia đình ấy là ông Võ Văn Hùng- một người đàn ông 49 tuổi, da mặt vàng chạch, gương mặt sưng phù, đi đứng, nói năng chậm chạp. Ông nhắc mấy chiếc ghế nhựa cho chúng tôi ngồi ngoài sân rồi buồn rầu kể chuyện…
Trước đây, gia đình ông Hùng sống tạm bợ trên phần đất bán ngập ở ấp 6, xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Hằng ngày, cả vợ chồng con cái cùng nhau đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Cuộc sống ngày càng khó khăn, năm 2010, cả gia đình ông Hùng kéo nhau về nơi ở hiện tại. Cũng nhờ may mắn có người thương tình bán cho một phần đất nho nhỏ với giá 17 triệu đồng và còn cho trả góp.
Ông Hùng cất một căn chòi lụp xụp làm chỗ nương thân cho gia đình. Thấy hoàn cảnh ông khó khăn, năm 2013, Xã đoàn Phước Ninh đã vận động nhà hảo tâm xây cất cho gia đình ông một căn nhà nhân ái. Có nơi ở đàng hoàng cũng nhẹ bớt mối lo phần nào nhưng chuyện cái ăn cái mặc vẫn còn là gánh nặng của gia đình. Hằng ngày, vợ chồng ông Hùng hết đi nhổ mì thuê đến đi làm cỏ mướn để kiếm tiền mua gạo.
Không biết có phải do lao động quá sức hay không mà những năm gần đây, ông Hùng bắt đầu đổ bệnh. Gương mặt ông sưng phù, da mặt vàng chạch, không lao động nặng được nữa. Từ đó, ông ngày càng ít được người ta thuê mướn, dần dần từ một trụ cột gia đình, ông Hùng biến thành người thất nghiệp. “Không có tiền nên đến nay tôi vẫn chưa đi khám bệnh lần nào, chỉ ở nhà hốt thuốc nam uống đỡ thôi”- ông Hùng nói.
Ông Hùng đổ bệnh, gia đình chưa hết rầu lo thì lại thêm một phen bàng hoàng khi cô con gái thứ tư tên Võ Thị Duyên, mới 18 tuổi bị tai nạn lao động. Cũng như các thành viên khác trong gia đình, hằng ngày Duyên đi nhổ mì thuê kiếm sống.
Tháng 10.2016, trong lúc Duyên đang ngồi trên xe máy cày chở củ mì, chẳng may chiếc xe này cọ quẹt với một chiếc máy cày khác và gây ra tai hoạ cho cô gái trẻ- chân Duyên bị nghiến đứt một bên. Sau một thời gian dài nằm bệnh viện, cô gái được xuất viện trở về với đôi nạng gỗ.
Từ đó đến nay, Duyên chỉ quanh quẩn trong nhà không thể làm gì ra tiền để phụ giúp gia đình. Vừa qua, Trung tâm Phục hồi chức năng TP. Hồ Chí Minh có tặng cho Duyên một chiếc chân giả nhưng vì cô chưa quen sử dụng nên nó vẫn nằm trong góc nhà. Ông Hùng chia sẻ: “Vợ chồng tôi tính cho nó đi học một nghề nào đó để sau này có thể tự nuôi sống bản thân nhưng không có tiền nên cũng chưa chọn được nghề nào cả”.
Cái câu “hoạ vô đơn chí” thật trùng khớp với gia đình của ông Hùng. Hơn một tháng trước, lại tới cậu con trai thứ ba trong nhà tên là Võ Văn Tình, 23 tuổi bị tai nạn giao thông. Tình đã có vợ và có hai đứa con nhỏ. Trước đây, anh chỉ biết đem sức lao động ra làm lụng để nuôi vợ con. Tai nạn bất ngờ đã làm anh bị chấn thương sọ não, phải mổ. Nay, tuy đã xuất viện trở về nhà nhưng Tình vẫn phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Hầu như suốt ngày anh chỉ nằm im trên võng, chưa tự đi đứng được, cứ ngồi dậy là bị nhức đầu. Cứ cách khoảng 10 ngày, gia đình lại phải đưa Tình đến Bệnh viện Đa khoa Củ Chi để rút máu tụ trong não ra một lần. “Mỗi lần như thế, tiền thuê xe và các khoản chi phí khác cũng hơn 1 triệu đồng”- ông Hùng cho biết. Vợ anh Tình mới sinh con được ba tháng, hiện còn nghỉ hộ sản chưa lao động được.
Vợ chồng ông Hùng còn có cậu con trai út tên Võ Văn Tài, 12 tuổi, mắc bệnh bẩm sinh. Không ai biết cậu bé bị bệnh gì, chỉ biết từ khi sinh ra đến nay, tóc trên đầu em không mọc nổi, cứ ra được một chút là bị gãy ngang. Theo ông Hùng, có thể do trước đây, gia đình ông sống ở Suối Dây, gần nơi bị nhiễm chất độc hoá học để lại từ thời chiến tranh chống Mỹ. Ông Hùng chỉ là dân thường, không tham gia kháng chiến nên con trai không được hưởng chế độ dành cho đối tượng nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. “Tội nghiệp thằng bé, nó học giỏi nhưng không biết mắc bệnh gì, sau này ra sao?”- ông Hùng thở dài.
Tất cả mọi chi phí thuốc thang, cơm nước cho các thành viên trong gia đình ông Hùng giờ đây dồn hết lên đôi vai gầy guộc của vợ ông- bà Trần Thị Ngọc, 48 tuổi. Bản thân bà Ngọc cũng chẳng có nghề nghiệp ổn định. Hằng ngày, bà phải chạy đôn chạy đáo khắp làng trên xóm dưới tìm việc làm. Có ai thuê bất kỳ công việc gì- nhổ mì, chặt mía, giẫy cỏ… bà đều nhận làm.
“Ngày nào có việc làm, còn kiếm được trăm ngàn đồng. Ngặt không phải ngày nào cũng có việc để làm. Nhiều khi hai ba bữa không có ai thuê ”- bà Ngọc than thở. Mấy tháng nay, cả gia đình hai, ba thế hệ của ông Hùng sống được là nhờ vào nguồn trợ cấp của Hội Nông dân xã; Hội đã vận động mạnh thường quân tặng gia đình ông mỗi tháng 10kg gạo cùng với một số nhu yếu phẩm khác như đường, bột ngọt, mì gói. Chuyện ăn uống coi như tạm ổn nhưng chuyện làm sao kiếm ra tiền để chữa trị bệnh cho cả bốn người trong nhà vẫn còn là vấn đề nan giải.
Ông Thi Khắc Huy- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết: “Trước hoàn cảnh khốn cùng của gia đình ông Hùng, mỗi khi xã có tổ chức tặng quà, giúp đỡ người nghèo, chúng tôi đều ưu tiên dành cho gia đình ông một suất. Năm trước, chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện cho gia đình ông Hùng được trợ vốn không lãi suất với số tiền 18 triệu đồng để mua một con trâu về nuôi. Thế nhưng khi con trai ông Hùng bị tai nạn giao thông, họ đã phải bán con trâu, lấy tiền chữa trị”.
Gia đình ông Hùng thực sự đang rơi vào cảnh khốn khó, chỉ còn biết trông chờ vào sự dang tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm mới mong vượt qua được đại hoạ.
Đại Dương- Thái Hoà