Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhà tôi làm nón lá học trò
Thứ sáu: 01:07 ngày 05/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Là chiếc nón lá bình thường, nhưng được làm nhỏ gọn hơn dành cho các em học sinh độ tuổi tiểu học, nên gọi là nón lá “học trò”. Trước kia, cùng với làm ruộng, rất nhiều bà con quê tôi còn có nghề chằm nón lá, trong đó có gia đình tôi.

Nhà tôi làm nón lá học trò

Là chiếc nón lá bình thường, nhưng được làm nhỏ gọn hơn dành cho các em học sinh độ tuổi tiểu học, nên gọi là nón lá “học trò”. Trước kia, cùng với làm ruộng, rất nhiều bà con quê tôi còn có nghề chằm nón lá, trong đó có gia đình tôi.

Nón lá quê tôi.

Nói đến nón lá thì ai cũng biết, vì từ lâu, hình ảnh chiếc nón lá đã gắn liền với hình ảnh người Việt Nam. Ngày nay, vẫn còn nhiều người đội nón lá, nhất là những người đi làm đồng hay ra chợ. Nhưng nói nón lá “học trò” thì chắc ít người biết, vì bây giờ đâu có học sinh tiểu học nào đội nón lá đi học.

Là chiếc nón lá bình thường, nhưng được làm nhỏ gọn hơn dành cho các em học sinh độ tuổi tiểu học, nên gọi là nón lá “học trò”. Trước kia, cùng với làm ruộng, rất nhiều bà con quê tôi còn có nghề chằm nón lá, trong đó có gia đình tôi.

Xưa kia, ở thôn quê, phương tiện giao thông cá nhân như xe đạp rất ít, còn xe gắn máy thì thuộc dạng quý và hiếm. Ngay từ lúc còn học tiểu học, hầu hết trẻ em không được cha mẹ đón đưa, mà tự đi bộ đến trường. Do đó, nhiều phụ huynh mua nón lá cho con em mình đội.

Một chiếc nón lá bình thường có 16 vành (tính từ đỉnh đầu nón ra đến bìa ngoài cùng). Vành ngoài cùng được gọi vành nhất, kế đến là vành nhì, ba, tư… đến vành nhỏ nhất ở chóp nón gọi là vành út.

Chiếc nón 16 vành là vừa tầm cho người lớn, còn đối với trẻ em tiểu học thì quá khổ, trẻ em đội lên đầu và đi giống như “chiếc nấm di động”. Để vừa tầm với trẻ em, theo nhu cầu của phụ huynh, thương lái đặt thợ làm nón quê tôi làm chiếc nón nhỏ gọn hơn, bằng cách bỏ bớt hai vành ngoài cùng, chỉ còn 14 vành và được gọi là nón lá “học trò”.

Mẹ tôi mất sớm, chị tôi mới hơn mười tuổi đã đảm nhận việc lo cơm nước cho gia đình. Mỗi ngày, xong việc nhà, chị lại sang nhà hàng xóm tập tành nghề chằm nón, trước hết là học chằm nón học trò vì nhỏ gọn, vừa tầm của chị.

Để chằm được nón lá, dụng cụ không thể thiếu là chiếc mô (khung làm bằng gỗ hình nón), kim, kéo (cắt lá, cắt chỉ), mẻ chảo (để úp lại vuốt lá), thúng (đựng lá); còn vật liệu bắt buộc phải có là lá chằm nón (lá cây mật cật non phơi khô), vành nón (làm bằng trúc), chỉ (bằng vải, hoặc ni-lông)…

Muốn làm được một chiếc nón lá (kể cả nón học trò) phải qua rất nhiều công đoạn. Để giảm bớt chi phí đầu vào, không mua vành người ta vót sẵn, tranh thủ những ngày không đi làm mướn, ba tôi tìm mua cây trúc già về làm vành nón.

Tối nào cũng vậy, cơm nước xong, chị tôi quét sạch nền nhà (nền đất) rồi trải tấm đệm giữa nhà. Sau đó chị đốt cây đèn ống khói (đèn dầu lửa có ống khói bằng thuỷ tinh trong suốt, vừa che gió, vừa phát sáng) để lên chiếc ghế đẩu, ở giữa tấm đệm. Ba tôi ngồi một góc cưa trúc chẻ vành, vót vành, hoặc chẻ ép lép.

Chị ngồi một góc cột vành (cột hai đầu cọng vành lại thành hình tròn để gắn vào cái khớp trên chiếc mô nón), hoặc chằm nón, hai góc còn lại chừa cho anh em tôi. Học bài xong là chúng tôi ngồi vạch lá (lá mật cật non phơi khô, trước khi vuốt thẳng phải xoè ra).

Vuốt lá là một trong những công đoạn khó, lúc mới ra nghề chị chưa biết nên ba làm giúp. Hằng ngày, khoảng 4 giờ sáng là ba thức giấc nhóm lửa, kê mẻ chảo vuốt lá, đến hơn 5 giờ sáng mới xong việc.

Còn chị tôi, quét dọn nhà cửa xong thì ngồi lựa lá (do ba đã vuốt) và xếp lá (lá tốt nằm mặt ngoài gọi là lá mặt, lá bên trong gọi là lá trái) và kết lại thành từng xấp, rồi xếp thứ tự vào trong thúng.

Sau đó, chị ngồi chằm nón. Công đoạn cuối cùng trước khi sang bán của người thợ làm nón là nức nón (cạp miệng vành nón). Nức nón dễ và nhanh hơn chằm nón. Công việc này do anh tôi làm.

Để nức được nón phải có ép lép. Ép lép là những thanh trúc tươi chẻ thật nhỏ, mỏng và dài, cặp vào bìa nón. Ép lép khó chẻ, phải khéo tay như ba mới làm được. Mỗi vành nón cần kết ba cọng ép lép, gồm hai cọng phía ngoài và một cọng phía trong.

Rồi lấy kim xỏ chỉ (vải hoặc ni-lông) kết dính ép lép vào bìa nón. Hồi đó, anh tôi nức nón rất giỏi. Ngoài nức nón nhà do chị chằm, anh còn đi nức nón mướn, nhờ vậy có thêm chút đỉnh tiền mua sắm dụng cụ đi học.

Hình ảnh đêm đêm bốn cha con ngồi bốn góc trên nền nhà, chính giữa là cây đèn ống khói toả sáng làm nón lá học trò của gia đình tôi trong thời niên thiếu mãi mãi thuộc về quá khứ. Quê tôi hiện nay vẫn còn một vài người làm nghề chằm nón lá, nhưng chằm nón lá "học trò" thì gần như không còn.

T.L

Tin cùng chuyên mục