Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhạc sĩ viết nhiều giao hưởng nhất Việt Nam qua đời
Chủ nhật: 16:04 ngày 17/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào rạng sáng 17/5. Ông ra đi vì tuổi cao, sức yếu, hưởng thọ 88 tuổi.

Theo nguồn tin của Zing, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam qua đời vào lúc 5h50 ngày 27/5 tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi. Sự ra đi của ông khiến gia đình, đồng nghiệp và học trò thương tiếc.

Trên trang cá nhân, đạo diễn Thanh Hiệp gửi lời chia buồn tới gia quyến.

Ông chia sẻ: "Thầy Nguyễn Văn Nam là tấm gương sáng cho thế hệ học trò tiếp bước trên con đường âm nhạc. Thầy là người viết giao hưởng nhiều nhất Việt Nam hiện nay. Tôi còn nhớ thầy nói về nhạc trẻ hôm nay, đó là thị hiếu không cấm cản với số đông hướng đến nhạc thị trường.

Có người nghe thì có người viết, nhưng đã mang danh nhạc sĩ, thì hãy nhớ trong đầu, thời kỳ khởi điểm của tân nhạc Việt, các tiền nhân đã chắt chiu, tìm kiếm lời ca rất đẹp để đưa vào sáng tác của mình".

Đạo diễn Thanh Hiệp (trái) quý trọng nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam (phải) về tình yêu với âm nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1932) tại Vĩnh Kim, Châu Thành, Tiền Giang. Năm 1947, ông tham gia kháng chiến, hoạt động trong Ban tuyên truyền tỉnh Mỹ Tho. Đến năm 1954, nhạc sĩ tập kết ra Bắc và làm việc tại đây 5 năm.

Ông học sáng tác nhạc tại trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Nhạc viện Hà Nội sau này). Nhạc sĩ sinh năm 1932 tốt nghiệp loại xuất sắc và được cử đi học tại Nhạc viện Leningrad, nay là Nhạc viện Sankt-Peterburg (Nga) vào năm 1966. Ông hoàn tất chương trình học và tốt nghiệp vào năm 1973.

Năm 1991, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam về Việt Nam, ông tham gia công tác giảng dạy bậc đại học và cao học chuyên ngành sáng tác, lý luận tại Nhạc viện TP.HCM. Trong 26 năm làm việc tại đây, ông được phong hàm Giáo sư vào ngày 20/11/2015 vì những đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam.

Các tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như giao hưởng số 5 Mẹ Việt Nam, Tưởng nhớ, Liên khúc mùa xuân (1994), số 6 Kỷ niệm Sài Gòn 300 năm (1998), số 7 Chuyện nàng Kiều, overture Vầng trời đông đón chào ngày mới (2000) và số 8 Quê hương đất nước tôi với lời đề tặng đất mẹ Tiền Giang (2002)... Ngoài ra ông còn viết kịch múa, nhạc thính phòng, hợp xướng, ca khúc nghệ thuật…

Sinh thời, ông sống trong một chung cư cũ ở quận 1 (TP.HCM) do Nhà nước cấp. Cuộc sống vất vả nhưng người nghệ sĩ già vẫn luôn yêu đời và tâm huyết với sự nghiệp sáng tác.

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục