Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo từ điển thành ngữ tiếng Việt, “nhắm mắt nói liều” là một ai đó do bị khiếm thị bẩm sinh hay giả đui hoặc cố tình nhắm mắt để không nhìn thấy, không biết rõ sự việc gì đã hoặc đang diễn như thế nào, nhưng họ vẫn cứ nói năng lung tung mà không nghĩ đến hậu quả và tác hại có thể xảy ra với chính mình.
Thậm chí có kẻ còn liều lĩnh tuôn ra những nhận định, phán xét vô căn cứ nhằm bôi nhọ, phá hoại người khác. Nguy hiểm hơn, trong thế giới phẳng hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước đang sử dụng các website, blog, mạng xã hội để tăng cường chống phá, xuyên tạc các chủ trương của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước bằng thủ đoạn nhắm mắt nói liều. Và kẻ đứng đầu trong danh sách đen này là Phêrô Nguyễn Văn Khải - linh mục Dòng Chúa cứu thế đang sống bên trời Tây.
Cảnh sát Mỹ sử dụng thiết bị “bắn” tốc độ
Thời gian qua, cộng đồng mạng xã hội ở trong nước, nhất là TikTok gây xôn xao, lùm xùm trong một số vụ việc Cảnh sát giao thông (CSGT) xử lý những người vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, trong đó có vụ hai CSGT vào tận quán ăn đo nồng độ cồn của thực khách. Trong đoạn clip được phát tán trên mạng có hai cảnh sát đang yêu cầu một người đàn ông ngồi trong quán ăn với biểu hiện say rượu thổi vào máy đo nồng độ cồn. Thế nhưng người đàn ông này chẳng những cố tình không hợp tác mà còn cãi chày cãi cối nhằm phủ nhận tình trạng say rượu của bản thân. Nhiều cư dân mạng chẳng hiểu rõ đầu đuôi sự việc nhưng ngay sau khi xem xong clip liền chỉ trích lực lượng CSGT quá lộng quyền. Vì theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định rõ về việc CSGT được phép dừng phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn trong máu đối với: “Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu”.
Điều này cũng có nghĩa là CSGT không được phép kiểm tra nồng độ cồn đối với người không điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, sự thật của vụ việc nói trên chỉ thể hiện một phần trong nội dung clip được phát tán trên trang Facebook cá nhân với nick Phêrô Nguyễn Văn Khải, với tựa đề “Tận cùng của trơ trẽn, vô sỉ và vô pháp”. Đây quả là sự bịa đặt, vu khống đạt đến trình độ thượng thừa của sự bỉ ổi. Bởi vì, nội dung của đoạn clip này đã bị cắt xén phần đầu và phần cuối của sự việc, mà chỉ giữ lại một số lăng hình phản ánh việc trao đổi giữa hai cảnh sát và một người đàn ông ngồi trong một quán phở. Không phải mới đây, mà từ nhiều năm nay, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã và đang ra sức thúc đẩy chiến lược “diễn biến hoà bình” bằng thủ đoạn trích dẫn cắt xén, thêm bớt nội dung; thậm chí bịa đặt thông tin rồi mập mờ coi đó là “nguồn tin riêng”, “nguồn tin từ nội bộ” để chống phá chính quyền. Tinh vi và xảo quyệt hơn, có kẻ còn sử dụng phần mềm photoshop để chỉnh sửa, cắt, lắp ghép các bức ảnh để bẻ lái sự việc theo ý đồ đen tối và xấu xa của chúng.
Cảnh sát bang California, Mỹ kiểm tra nồng độ cồn
Nguy hại hơn, ngay sau khi đoạn clip trên Facebook có nick Phêrô Nguyễn Văn Khải được phát tán, tổ chức khủng bố Việt Tân đã sao chép nguyên xi nội dung và đính kèm theo đó là lời bình luận sặc mùi phản động - “Quá vô lý: CSGT vào tận quán ăn bắt dân phải đo nồng độ cồn”. Và đã có người nhẹ dạ cả tin rồi hiểu lầm rằng CSGT quá lộng quyền. Thế nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược, vì trên kênh YouTube Lecan News ngày 9.12.2023, đã đăng tải clip với tựa đề “Clip cắt cảnh sát giao thông vào tận quán ăn đo nồng độ cồn gây hiểu lầm”. Nội dung của clip này cho biết, “Những người có mặt tại quán ăn khi đó cho hay, người đàn ông kia đã uống say và đang điều khiển xe mô tô tham gia giao thông. Khi CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn thì người này chẳng những không chấp hành theo hiệu lệnh, mà còn rú ga bỏ chạy. Ngay sau đó, lực lượng CSGT truy đuổi và người đàn ông này đã giấu xe rồi chạy vào quán phở giả làm thực khách. Lúc công an đến yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, thì người đàn ông kia cố tình cãi bừa và dứt khoát không hợp tác”.
Như vậy, với sự việc xảy ra ở Việt Nam, thế nhưng ở tận bên trời Tây, facebook nick Phêrô Nguyễn Văn Khải bằng việc phát tán clip đã cắt xén tung hoả mù, cố tình bẻ lái sự việc theo chiều hướng tiêu cực. Bởi thực tế không hề có quy định nào cho phép CSGT tự dưng vào kiểm tra nồng độ cồn của người dân khi họ đang ngồi trong quán ăn, thậm chí là đang uống rượu bia. Vì thế, sự việc mà Facebook với nick Phêrô Nguyễn Văn Khải nêu ra chỉ lừa bịp được những người nhẹ dạ cả tin. Sau khi biết rõ nội dung sự việc, nhiều cư dân mạng đã tỏ rõ thái độ đồng tình với việc làm của hai cảnh sát trong clip trên. Đặc biệt, có nhiều người còn thẳng thắn cho rằng, việc làm này là cần thiết vì nếu không sớm ngăn chặn thì người đàn ông kia có thể gây tai nạn cho chính mình hoặc cho những người xung quanh.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, ở Việt Nam mỗi năm ước tính có 24.970 người thương vong do va chạm giao thông đường bộ, cùng với đó là khoảng 499.400 ca thương tích trầm trọng, dẫn đến thiệt hại khoảng 3 tỷ USD so với tổng thu nhập quốc dân. Điều đáng lo ngại là trong số thương vong nói trên, có tới 34% số ca tử vong do va chạm giao thông đường bộ liên quan đến rượu bia và con số này tăng cao vào các ngày lễ, tết. Chỉ tính trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, CSGT trong cả nước đã phát hiện và xử lý 29.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn, tăng hơn 21.000, tương đương 277% so với Tết Nguyên đán 2023. Do đó, việc xử lý quyết liệt đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ là vô cùng cần thiết, giúp mọi người tạo cho mình một thói quen tốt “đã uống rượu bia thì không tham gia giao thông”.
Là một người Công giáo, hơn nữa lại là một linh mục, thiết nghĩ Facebooker Nguyễn Văn Khải không nên đưa tin, bồi bút bằng những câu chuyện cực đoan như vậy. Bởi lẽ, những nội dung mang tính cực đoan, xuyên tạc đó chẳng khác nào là vết bùn đang vấy bẩn lên chiếc áo linh mục và con người của chính ông ta.
Nhật Minh
Theo số liệu thống kê của Cục An toàn giao thông quốc lộ Mỹ (NHTSA) vào năm 2023, mỗi ngày, tại nước này, có khoảng 37 người chết vì tai nạn khi lái xe trong tình trạng say rượu - tức là cứ 39 phút lại có một người chết. Chỉ riêng năm 2022, có 13.524 người chết do say rượu lái xe khi tham gia giao thông.