Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhân chứng thảm kịch Afghanistan: 'Thi thể ở khắp nơi'
Thứ năm: 09:49 ngày 23/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Từ thủ phủ tỉnh Paktika, Karim Nyazai vội vã về làng sau khi nghe tin có trận động đất lớn. Nhưng ngôi làng đổ nát đón anh bằng tin dữ: 22 người họ hàng của Nyazai đều đã chết.

“Tôi ở xa gia đình. Họ sống ở một ngôi làng hẻo lánh tại quận Gyan. Tôi lập tức tới đó ngay khi có thể bắt được xe vào sáng sớm”, anh Nyazai nói với Guardian hôm 22/6.

“Toàn bộ ngôi làng bị chôn vùi. Những người có thể thoát ra ngoài trước khi mọi thứ sụp xuống đang cố gắng đưa thi thể người thân ra khỏi đống gạch đá vụn. Khắp nơi là thi thể được bọc trong chăn”, Nyazai kể lại. “Tôi mất 22 người trong gia đình, bao gồm chị gái và ba anh em trai. Hơn 70 người trong làng đã thiệt mạng”.

22 người thân của Nyazai nằm trong số ít nhất 1.000 nạn nhân bị cướp đi sinh mạng trong trận động đất 6,1 độ tại tỉnh Paktika ở miền Đông vào ngày 22/6. Đây là thảm họa mới nhất giáng vào người dân Afghanistan.


Người đàn ông Afghanistan ngồi gần ngôi nhà của mình đã bị trận động đất phá hủy ở quận Spera, phía tây nam tỉnh Khost hôm 22/6. Ảnh: AP.

Động đất xảy ra giữa đêm

Trận động đất xảy ra ngay sau lúc 1h30, thời điểm mọi người trong khu vực còn đang ngủ. Tâm chấn nằm ở tỉnh Paktika, cách thành phố Khost khoảng 50 km về phía tây nam, theo Phòng Khí tượng học của nước láng giềng Pakistan.

Người dân ở các nước giáp ranh Afghanistan cũng cảm thấy rung chuyển, với “những đợt xóc mạnh và dài” ở thủ đô Kabul, một cư dân viết trên website của Trung tâm Địa chấn học Địa Trung Hải - châu Âu.

Cơn địa chấn với cường độ 6,1 độ có thể gây ra thiệt hại nặng nề tại khu vực mà nhà cửa và các kiến trúc khác được xây dựng kém chất lượng. Độ sâu của tâm chấn - được giới chuyên gia ước tính chỉ ở mức 10 km - có thể là một yếu tố nữa làm gia tăng mức độ tàn phá.

Trong bản cập nhật mới nhất, hãng thông tấn Bakhtar của Afghanistan cho biết ít nhất 1.000 người thiệt mạng và hơn 1.500 người khác bị thương trong vụ động đất được cho là chết chóc nhất trong 20 năm qua tại quốc gia này.

Một số khu vực chịu ảnh hưởng nhất của trận động đất nằm ở khu vực hẻo lánh và khô cằn gần biên giới Pakistan. Ở đây có ít hoặc gần như không có phương tiện liên lạc nên công tác ghi nhận đầy đủ thương vong gặp nhiều khó khăn.

Vị trí tâm chấn. Đồ họa: BBC.

Paktika là một trong những tỉnh thưa dân và nghèo nàn nhất của Afghanistan. Ở đây, người dân một số khu vực vẫn sống trong nhà đất. Với địa hình gồ ghề và ít diện tích bằng phẳng cho canh tác, nhiều người sống lay lắt trong các khu rừng và cưa trộm cây làm củi đem bán.

Mohammad Almas, người đứng đầu chương trình cứu trợ của Qamar, một tổ chức từ thiện tại Afghanistan, cho biết số lượng người chết dự kiến còn tăng cao, theo New York Times. Nguyên nhân là khu vực gặp nạn cách xa bệnh viện và trận động đất xảy ra giữa đêm.

Một gia đình có tới 17 người cùng chết trong một làng khi căn nhà của họ sụp đổ, ông Almas nói. Chỉ còn một đứa bé sống sót. Hơn 25 ngôi làng gần như bị phá hủy hoàn toàn, bao gồm trường học, nhà thờ và nhà ở.

Đống đổ nát sau vụ động đất xảy ra lúc nửa đêm tại tỉnh Paktika, miền Đông Afghanistan. Ảnh: AP.

Đi đâu cũng nghe tiếng than khóc

Video từ Paktika ghi lại cảnh người dân được khiêng lên trực thăng để đi chữa trị. Một số người khác được điều trị ngay tại hiện trường. Trong video còn là cảnh một cư dân được truyền nước khi ngồi trên ghế nhựa bên ngoài đống đổ nát, trong khi la liệt xung quanh là người nằm trên cáng.

“Chúng tôi đều đang ngủ và căn phòng cứ thế sập xuống”, Gul Faraz nói trong lúc được điều trị vết thương tại bệnh viện ở tỉnh Paktika. Một số thành viên trong gia đình anh đã chết. “Mọi căn nhà trong vùng chúng tôi ở bị phá hủy. Không phải chỉ một căn mà toàn bộ khu vực”.

Hiện chưa rõ còn bao nhiêu người mắc kẹt dưới những đống đổ nát và ở các khu vực xa trung tâm, theo Reuters.

“Đi tới con phố nào tôi cũng nghe thấy tiếng than khóc người thân đã chết”, một nhà báo ở tỉnh Paktika nói với BBC.


Binh sĩ và quan chức của tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ tại tỉnh Paktika hôm 22/6. Ảnh: AFP.

Nỗ lực cứu hộ những vùng gặp nạn được cho là sẽ rất phức tạp vì nhiều tổ chức cứu trợ đã rời khỏi Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền vào năm 2021. Nhiều quốc gia đã áp lệnh trừng phạt lên chính quyền mới và cắt đứt hàng tỷ USD viện trợ phát triển cho nước này.

Công tác cứu hộ còn đòi hỏi trực thăng do các khu vực chịu ảnh hưởng nằm ở vùng đồi núi, theo Abdul Wahid Rayan, Tổng giám đốc hãng thông tấn Bakthar. Nhưng Afghanistan cũng đang thiếu trực thăng.

Ngay sau thảm họa, Bilal Karimi, phó phát ngôn viên cho chính quyền Taliban, kêu gọi các cơ quan cứu trợ chung tay trong nỗ lực giải cứu khẩn cấp.

Đáp lại, nhiều tổ chức và nhà nước đã đề nghị được trợ giúp.

“Chúng tôi đã triển khai các đội đánh giá liên ngành tới một số vùng bị ảnh huởng”, Văn phòng Liên Hợp Quốc về vấn đề nhân đạo tại Afghanistan thông báo trên Twitter.

Đặc phái viên của EU về Afghanistan cũng cho biết EU đang giám sát tình hình và sẵn sàng cung cấp hỗ trợ.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cũng xin chia buồn và cho biết sẽ cung cấp trợ giúp cho người Afghanistan. Tại Vatican, Giáo hoàng Francis gửi lời cầu nguyện tới mọi nạn nhân chết và bị thương.

Nguồn zingnews

Tin cùng chuyên mục