Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhận diện và phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề hoà hợp, hoà giải dân tộc
Thứ sáu: 16:26 ngày 15/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên không chỉ tỉnh táo khi tiếp cận những thông tin này trên mạng xã hội mà còn trang bị cho mình kiến thức hệ thống, khoa học, thực tiễn để nhận biết và có khả năng phản bác hiệu quả các thông tin xuyên tạc.

Tổng thống Mỹ George W. Bush trong chuyến thăm tới Việt Nam năm 2006. Ảnh: Bloomberg

Trong những năm qua, các thế lực thù địch đã không từ bất cứ thủ đoạn nào để xuyên tạc và chống đối, trong đó có xuyên tạc về hoà hợp, hoà giải dân tộc ở Việt Nam. Chúng sử dụng mạng xã hội tuyên truyền, kích động, chống phá đại đoàn kết dân tộc và xuyên tạc chủ trương, chính sách về hoà hợp, hoà giải dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Về luận điệu cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đề cao đấu tranh giai cấp nên không quan tâm đến hoà hợp, hoà giải dân tộc

Có thể thấy, hoà hợp, hoà giải dân tộc là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ngay khi bước vào đàm phán hoà bình ở Hội nghị Paris, hoà giải và hoà hợp dân tộc đã được cả Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đặt ra như một yêu cầu tiên quyết để giải quyết vấn đề chấm dứt chiến tranh cũng như xây dựng lại sau khi chiến tranh kết thúc. Ngày 8.5.1969, tại phiên họp lần thứ 19 Hoà đàm Paris, Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Trần Bửu Kiếm đã công bố “Giải pháp hoà bình 10 điểm”, trong đó có nội dung: “Thực hiện việc hoà hợp dân tộc, đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân và các đường lối chính trị (1)”. Ngày 6.6.1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam được thành lập. Ngày 17.9.1970, Bộ trưởng, Trưởng phái đoàn Cộng hoà miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình công bố đề nghị 8 điểm, trong đó có nội dung thành lập Chánh phủ liên hiệp 3 thành phần để “thi hành chánh sách ngoại giao hoà hợp dân tộc (2)”. Tinh thần nhất quán về hoà giải và hoà hợp dân tộc đã được Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Cộng hoà miền Nam Việt Nam theo đuổi cho tới khi Hiệp định Paris được ký kết. Điều 11 khẳng định: “Ngay sau khi ngưng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ: Thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc, xoá bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia… (3)”.

Kể từ sau ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về hoà hợp, hoà giải dân tộc. Ngay từ năm 1993, Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 17.11.1993 của  Bộ Chính trị “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất” đã khẳng định: “Chấp nhận những điểm khác nhau, không trái với lợi ích chung của dân tộc, cùng nhau xoá bỏ định kiến, mặc cảm, hận thù, hướng về tương lai, xây dựng tinh thần đoàn kết, cởi mở, tin cậy lẫn nhau... (4)”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước (5)”.

Về cái gọi là “Đảng Cộng sản Việt Nam nói không đi đôi với làm trong hoà hợp, hoà giải dân tộc, chỉ nói mà không làm”

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy việc thực hiện hoà hợp, hoà giải dân tộc đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện ngay từ những ngày đầu khi đất nước thống nhất. Ngày 30.4.1975, sau khi Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn là Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Quân giải phóng, tối 5.5.1975, tại dinh Độc Lập đã diễn ra buổi lễ trả tự do cho nội các Dương Văn Minh. Tại buổi lễ này, Chủ tịch Uỷ ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định Trần Văn Trà đã phát biểu: “Trong cuộc chiến đấu lâu dài này không có ai là kẻ thắng ai là kẻ bại… Toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng (6)”. Sau tuyên bố này, vị Chủ tịch Uỷ ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định cũng tuyên bố trả tự do cho toàn bộ 16 thành viên của Chính phủ Dương Văn Minh và cho phép họ được tự do trở về nhà.

Nhiều người, trong đó có những người đã từng đảm nhiệm các cương vị quan trọng trong chế độ cũ đã được chính quyền Việt Nam trọng dụng và sử dụng theo khả năng và sở trường. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, người hai lần làm Quyền Thủ tướng chế độ Sài Gòn đã trở thành cố vấn cho nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của TP. Hồ Chí Minh như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt và ông đã được bầu làm đại biểu Quốc hội. Luật sư Nguyễn Văn Huyền- Chủ tịch đầu tiên của Thượng viện Sài Gòn, Phó Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn đã được mời tham gia Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam với tư cách nhân sĩ tự do và sau đó đã được bầu giữ chức Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá IV cho đến ngày qua đời. Trong bài viết “Bao dung và chung thuỷ”, luật sư Nguyễn Văn Huyền cho biết sau ngày miền Nam giải phóng, khi lòng ông đang trăm mối ngổn ngang thì luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã tìm đến ông, thăm ông và sau đó mời ông tham gia MTTQ Việt Nam. Ông viết: “Tháng 8 năm 1994, trước thềm Đại hội lần thứ tư MTTQ Việt Nam, anh viết thư mời tôi tham gia Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương. Tôi sẵn sàng nhận lời vì tôi tin rằng những người cách mạng chân chính luôn luôn là những người bao dung và chung thuỷ (7)”.

Ông Nguyễn Hữu Có là trung tướng của chế độ Sài Gòn, người đã từng đảm nhiệm vị trí Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của chính quyền Sài Gòn, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Sài Gòn giai đoạn 1965-1967, sau năm 1975, ông ở lại đất nước và được mời tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sinh thời, ông đã viết: “Từ sau ngày đất nước thật sự độc lập và thống nhất đã có rất nhiều chuyển biến, không phải chỉ là một mặt mà ở nhiều mặt, không phải chỉ ở một phía, mà nhiều phía. Tôi ra đường, ra phố bây giờ ai cũng gọi tôi là anh, là bác. Đó là kết quả của những chuyển biến tích cực của xóm, phường, của chế độ và của chính tôi... Tôi đã chọn ở lại với quê hương, với dân tộc và tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc... (8)”.

Để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, đã có một số người xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam về hoà giải, hoà hợp dân tộc. Thế nhưng, chính các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, chính những thành tựu không thể phủ nhận của đất nước đã hoàn toàn bác bỏ các luận điệu phi lý này. Đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định: “Xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc (9)”. Năm 2007, nhận lời mời của ngài George Bush - Tổng thống Mỹ, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã có chuyến thăm 5 ngày tới nước Mỹ. Trong buổi gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống ở Mỹ, Chủ tịch nước nhắc lại quan điểm này: “…Không có thành kiến đối với những người có cử chỉ bất đồng (…). Đảng và Nhà nước Việt Nam không bao giờ thành kiến đối với những người khác biệt với mình. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng đối thoại và mong tất cả đều có nhiệt tình, thiện ý xây dựng đất nước Việt Nam hoà bình, vững mạnh, muốn tạo ra sự đoàn kết nhất trí của mọi người dân Việt Nam (10)”. Lúc sinh tiền, ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Thủ tướng, cựu Phó Tổng thống của chính quyền Sài Gòn, một người nổi tiếng chống cộng, khi về nước, tận mắt chứng kiến những đổi thay tốt đẹp nhiều mặt của đất nước, ông đã có những phát biểu thật sự thẳng thắn và tích cực về tình hình đất nước. Khi ấy, ông Nguyễn Cao Kỳ đang ở Việt Nam song biết có cuộc gặp mặt này ông đã bay về Mỹ. Tại đây, ông đã phát biểu những lời đầy chân tình: “Trở về Việt Nam nhiều lần trong ba năm vừa qua (…) đã đến lúc chúng ta phải vì đất nước. Ở đây không có vấn đề thắng, thua, chỉ có Việt Nam (11)”. Trước hiện tượng một số người ở nước ngoài, nhất là ở Hoa Kỳ còn nuôi tư tưởng cực đoan, hằn thù, ông Nguyễn Cao Kỳ đã cực lực lên án và khẳng định: “Nếu họ thật sự yêu nước thì họ phải biết ngồi im và biết suy nghĩ chứ đừng đi theo một lũ côn đồ, hám danh, hám lợi, lừa gạt mọi người (12)”.

Có thể thấy, việc xuyên tạc về hoà hợp, hoà giải dân tộc ở Việt Nam trên không gian mạng hiện nay là “muôn hình, vạn trạng”. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên không chỉ tỉnh táo khi tiếp cận những thông tin này trên mạng xã hội mà còn trang bị cho mình kiến thức hệ thống, khoa học, thực tiễn để nhận biết và có khả năng phản bác hiệu quả các thông tin xuyên tạc.

Hồng Phúc

(1) Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (2012), Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tr. 187.

(2) Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (2012), Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1, tr. 237.

(3) Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (2012), Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 2, tr. 19.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. 53, tr. 74 - 75.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr. 158-159.

(6) Nguyễn Hữu Thái (2018), Sài Gòn có một thời như thế, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 301.

(7) Nguyễn Văn Huyền (1998), “Bao dung và chung thuỷ”, in trong sách Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - người con tận trung với nước, tận hiếu với dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 390.

(8) Tạp chí Mặt trận, số 2 (tháng 11-2001), tr. 19.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26.3.2004 của Bộ Chính trị “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”.

(10) Vũ Quang Tuấn (2007), Năm ngày trên đất Mỹ, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 17.

(11) Vũ Quang Tuấn (2007), Năm ngày trên đất Mỹ, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 23.

(12) Nguyễn Hữu Thái (2018), Sài Gòn có một thời như thế, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 282

Tin cùng chuyên mục