Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhân rộng mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp
Thứ hai: 23:31 ngày 17/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp thể hiện sự đổi mới phương thức tập hợp hội viên, khắc phục những khó khăn trong sinh hoạt chi, tổ hội nhiều năm qua, góp phần gắn kết hội viên với tổ chức hội, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Thu hoạch sầu riêng tại ấp 4, xã Bàu Ðồn (huyện Gò Dầu).

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW "Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khoá VII) về đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp", Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn quy trình xây dựng, thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, vừa tổ chức kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức, thực hiện.

Ðến cuối năm 2020, toàn tỉnh thành lập được 164 chi hội nông dân nghề nghiệp trong 546 chi hội hiện có, với 10.855 thành viên và 1.756 tổ hội nông dân nghề nghiệp trong 4.166 tổ hội.

Hội Nông dân thị trấn huyện Dương Minh Châu là đơn vị thực hiện tốt đề án chuyển đổi chi, tổ hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ðến nay, đơn vị hoàn thành 100% công tác chuyển đổi chi, tổ hội nghề nghiệp, gồm 4 chi hội và 17 tổ hội nghề nghiệp. Trong đó có 5 tổ nghề nghiệp nuôi gà, 4 tổ nuôi bò, 4 tổ trồng mì, 3 tổ nuôi heo, 1 tổ trồng rau.

Sau khi chuyển đổi, nhiều tổ hội nghề nghiệp phát huy thế mạnh cũng như những lợi ích thiết thực từ hình thức tổ hội phân theo ngành nghề. Ðiển hình như tổ hội nuôi bò của Chi hội Nông dân khu phố 4, với 42 thành viên cùng ngành nghề đã tạo điều kiện cho tổ hội hoạt động hiệu quả hơn, hội viên học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong chăn nuôi, thuận lợi trong tổ chức sinh hoạt cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi bò, giúp cho tổ hội hoạt động ngày càng hiệu quả, thu hút hội viên tham gia nhiều hơn.

Hơn một năm thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi bò, thị trấn Dương Minh Châu đã tăng quy mô từ 82 con lên 142 con. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi nên lợi nhuận hằng năm tăng bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/1 con bò.

Ông Nguyễn Hùng Cường, ngụ khu phố 4, thị trấn Dương Minh Châu chia sẻ, trước ông có nuôi bò chăn thả, lợi nhuận không cao. Sau một năm tham gia tổ hội nghề nghiệp tại địa phương, ông được phổ biến kỹ thuật chăn nuôi kiểu mới, có điều kiện trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi với nhiều thành viên trong tổ hội - từ cách chăm sóc, tạo nguồn thức ăn tăng cường kháng thể đến phòng trừ các bệnh trên bò, nên thời gian nuôi bò vỗ béo rút ngắn đáng kể, thu nhập cao hơn so với cách nuôi truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình- Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Dương Minh Châu cho biết, vấn đề cấp thiết trong xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp là đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo phương châm hướng về cơ sở. Qua quá trình triển khai, Hội đã hoàn thành 100% việc chuyển đổi chi, tổ hội nghề nghiệp, mang lại hiệu quả trong quá trình sản xuất.

Trên cơ sở tổ hội nghề nghiệp hoạt động cùng ngành nghề, hội nông dân thị trấn Dương Minh Châu thuận lợi hơn trong việc xây dựng các dự án vay vốn hay hỗ trợ vật tư nông nghiệp như: Dự án hỗ trợ vật tư cho tổ hội nghề nghiệp nuôi bò vỗ béo với tổng số tiền là 22 triệu đồng; tổ chức thường xuyên các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật...

Có thể nói, chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã và đang là mô hình hoạt động, tập hợp hội viên có hiệu quả, tạo sự đổi mới trong phương thức tập hợp nông dân; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của hội viên, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội.

Là địa phương có nhiều vườn cây ăn trái nên việc thành lập tổ hội nghề nghiệp cây ăn trái xã Trường Hoà (thị xã Hoà Thành) là cần thiết, qua đó chia sẻ kinh nghiệm, liên kết sản xuất sản phẩm an toàn và đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.

Ông Phạm Minh Thông- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Hoà cho biết, tổ hội nghề nghiệp cây ăn trái sẽ liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay cho nông dân đầu tư vật tư, phân bón, giống cây trồng... để hội viên yên tâm sản xuất, phát triển bền vững.

Mặt khác, Hội Nông dân xã có trách nhiệm phối hợp với các cấp, ngành liên quan tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc cây ăn trái, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay để tổ viên đầu tư sản xuất có hiệu quả.

Theo ông Huỳnh Văn Chừng- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, để phát huy vai trò của chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho chi hội trưởng, tổ trưởng tổ hội nông dân nghề nghiệp để nâng cao chất lượng hoạt động các chi, tổ hội, tạo nền tảng phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Ðảng, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong xây dựng chi, tổ hội; tổ chức kiểm tra, đánh giá, động viên khen thưởng, nhân rộng mô hình chi, tổ hội mới, hoạt động hiệu quả.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục