Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhân rộng những hành động, nghĩa cử cao đẹp
Thứ tư: 14:54 ngày 22/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Vụ việc anh Nguyễn Hải Sơn (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông (TNGT) bị một đối tượng là bạn của nạn nhân đâm trọng thương một lần nữa dấy lên “làn sóng” tranh luận tại các diễn đàn mạng xã hội về việc "làm ơn mắc oán".

Tối ngày 11-2, anh Sơn chứng kiến vụ TNGT, cô gái đi xe máy đâm vào đuôi ta-xi bất tỉnh. Anh đã nhanh chóng đưa cô gái tới bệnh viện cấp cứu. Khi một số người là bạn của cô gái tới bệnh viện, chưa kịp hỏi đầu đuôi vụ việc đã lao vào đánh anh tới tấp. Thậm chí, một đối tượng đã rút dao đâm anh trọng thương rồi bỏ trốn. Do được cấp cứu kịp thời, hiện nay anh Sơn đã qua cơn nguy kịch.

Trường hợp của anh Sơn không phải câu chuyện duy nhất về việc “làm ơn mắc oán”. Trong khi nhiều luật, nghị định đã quy định rõ xử phạt với hành vi không giúp người bị nạn thì nhiều người cho rằng, họ chấp nhận phạt còn hơn giúp đỡ người khác.

Hằng ngày, chúng ta lên án sự vô cảm của một số người khi bắt gặp hình ảnh cả đám đông hiếu kỳ bu lại xem TNGT, chỉ chăm chăm rút điện thoại ra chụp ảnh, chia sẻ lên facebook mà không quan tâm đến việc giúp đỡ nạn nhân. Tuy nhiên, về sâu xa, những hành động trên không hoàn toàn xuất phát từ sự vô cảm của con người, mà sinh ra từ chính những lo ngại “bắt vạ”, “làm phúc phải tội” mà dư luận nhiều lần phản ánh.

Thực tế, có nhiều người khi bắt gặp TNGT, vì lòng tốt, vội vã cứu giúp người gặp nạn, đã bị kẻ gian lấy trộm phương tiện hoặc móc túi, hoặc bị người nhà nạn nhân hiểu lầm, hành hung gây thương tích, thậm chí tử vong. Trường hợp đưa nạn nhân tới bệnh viện, họ bị bệnh viện “làm khó”, phải thực hiện các thủ tục nhập viện cho nạn nhân, đóng viện phí, thậm chí bị giữ lại với tư cách “người nhà”, rất mất thời gian.

Đến khi cơ quan công an có mặt, họ có thể tiếp tục bị tạm giữ phương tiện để xác minh, được xem là nhân chứng bắt buộc để công an lấy lời khai với nhiều phiền toái, rắc rối. Chính điều này đã trở thành những “rào cản”, làm không ít người có lòng tốt trở nên ngại ngần, thậm chí bị liên lụy, thiệt hại, khiến họ không dám ra tay giúp đỡ nạn nhân. Đã từng có rất nhiều vụ TNGT thương tâm xảy ra mà nạn nhân chết oan uổng do không được người chung quanh cứu giúp, sơ cứu đúng lúc.

Để nhân rộng thêm những hành động nghĩa cử cao đẹp, giảm bớt những thiệt hại không đáng có từ việc bỏ mặc nạn nhân, cơ quan chức năng cần xem xét, nghiên cứu tạo thuận lợi nhất cho những người cứu giúp nạn nhân; tuyên truyền cho người dân hiểu, đồng thời xử lý nghiêm những đối tượng manh động, có hành vi tiêu cực; chấn chỉnh thái độ gây phiền hà trong thi hành công vụ của một số cán bộ, chiến sĩ công an đối với người chứng kiến, giúp đỡ nạn nhân.

Trong lúc cơ quan chức năng chưa làm sáng tỏ vụ việc, người cứu giúp nạn nhân cần phải được pháp luật bảo vệ một cách đúng mức và tạo điều kiện thuận lợi nhất. Người Việt Nam vốn “thương người như thể thương thân”, thực tế cho thấy trong xã hội có rất nhiều gương người tốt, sẵn sàng xả thân vì đồng bào của mình.

Ngay cả anh Nguyễn Hải Sơn, dù bị đâm thấu phổi do cứu giúp nạn nhân, nhưng vẫn khẳng định nếu sau này gặp trường hợp tương tự, anh vẫn ra tay cứu giúp, vì anh không thể đành lòng bỏ mặc người gặp nạn. Bởi vậy, chúng ta cần biểu dương, nhân rộng trong toàn xã hội những hành động, nghĩa cử cao đẹp, để xã hội có cuộc sống chan hòa, nhân ái hơn.

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục